“Thái Lan có thể giành chiến thắng ở Asian Cup. Ngày qua ngày, trận này qua trận khác, chúng tôi luôn kiên định với mục tiêu của mình. Thái Lan đang cố gắng lọt vào tốp 10 châu Á. Hiện tại, thứ hạng của chúng tôi tại châu lục là thứ 19, khoảng cách tới đẳng cấp châu Á không còn xa nữa”.
Đó là những chia sẻ của cựu HLV trưởng tuyển Thái Lan Kiatisak Senamuang hồi tháng 3/2016. Thời điểm ấy, Thái Lan vừa chính thức giành vé dự Asian Cup 2019.
VFF phải chịu nhiều áp lực thành tích cho U22 Việt Nam trước thềm SEA Games 29. Ảnh: Thanh Hà. |
Trước đó, Thái Lan đã 4 lần vô địch AFF Cup, 15 lần giành HCV SEA Games. Nhưng từng ấy danh hiệu vẫn là không đủ với người Thái. Họ nhận ra những kết quả ở Đông Nam Á chỉ là vô nghĩa khi bước ra sân chơi châu lục. Các chiến thắng trước Singapore hay Việt Nam không nâng tầm bóng đá Thái Lan. Đó là lúc người Thái bắt đầu nghĩ về châu lục.
Chiến lược hướng về châu lục của bóng đá Thái Lan bắt đầu khởi động khi Kiatisak lên nắm quyền hồi năm 2013. Trong vài năm ngắn ngủi từ đó tới nay, người Thái đã có mặt ở bán kết Asian Games, lần đầu dự VCK U23 châu Á, ra sân tại vòng loại cuối World Cup.
Bài học Thái Lan nói rằng: cách nhanh nhất để một đội tuyển Đông Nam Á nâng tầm là phải tiến ra sân chơi châu lục.
Trong khi Thái Lan vẫn kiên trì với mục tiêu ấy, bóng đá Việt Nam có vẻ đang chọn cách ngược lại. Mọi bản kế hoạch của bóng đá Việt Nam 2017 đều đã viết về một mục tiêu, mọi vị lãnh đạo VFF đều đã nhắc tới một giải đấu: SEA Games 29. Khi U20 World Cup kết thúc, HLV Hoàng Anh Tuấn hy vọng học trò của mình sẽ mang kinh nghiệm World Cup về SEA Games. Bản thân HLV Hữu Thắng cũng đi cùng U20 Việt Nam nửa tháng trời để tìm thêm con người cho tuyển U22 dự sân chơi khu vực.
Trước đó, tại vòng loại Asian Cup, tuyển Việt Nam ra sân đấu Afghanistan với 5 cầu thủ U22 trong đội hình. Đến tháng 6, cuộc trẻ hóa còn dữ dội hơn khi HLV Hữu Thắng gọi 7 ngôi sao U20 lên tuyển. Vòng loại Asian Cup - giải đấu danh giá nhất châu lục, trở thành trường học chất lượng cao cho các cậu bé U22 trước thềm SEA Games.
Mọi thứ chỉ cho một mục tiêu: giành HCV SEA Games 29.
Mâu thuẫn nằm ở chỗ: bóng đá Việt Nam đang dồn những nguồn lực lớn nhất, huy động những con người tốt nhất cho sân chơi khu vực mà bỏ quên đấu trường châu lục. VFF có vẻ thích Công Phượng, Tuấn Anh đá với Thái Lan, Malaysia hơn là đối đấu Nhật Bản, Hàn Quốc. Họ xem nhẹ đẳng cấp châu lục để kiên trì chinh phục “ao làng”.
Quang Hải là một trong bảy cầu thủ U20 Việt Nam được gọi lên tuyển trước trận gặp Jordan. Ảnh: Thanh Hà. |
Tham vọng SEA Games ấy không sai. Nhưng khi làm điều đó, VFF cũng đặt giấc mơ Asian Cup vào vòng nguy hiểm. Bởi sẽ rất khó cho những cậu nhóc 22 tuổi khi phải đối đầu các đàn anh kinh nghiệm từ Afghanistan hay Jordan. Trận hòa trước Afghanistan hồi tháng 3 là một lời cảnh báo. Thêm một thất bại nữa trước Jordan (13/6), tuyển Việt Nam coi như chia tay Asian Cup.
So với SEA Games, đấy rõ ràng là một giải đấu chất lượng hơn hẳn. Asian Cup chỉ diễn ra 4 năm một lần và là nơi nơi quy tụ những ngôi sao Premier League, Bundesliga, Serie A trong màu áo Hàn Quốc, Nhật Bản, Iraq... Đổi SEA Games lấy Asian Cup thực sự là một lựa chọn khó khăn.
Hãy lục lại quá khứ. 9 năm về trước, một chức vô địch AFF Cup 2008 đã không thể tạo cách mạng cho bóng đá Việt Nam. Năm lần vào chung kết SEA Games cũng không làm được điều đó. Chiếc HCV SEA Games, nếu có, cũng không thể giúp bóng đá Việt Nam hóa rồng. Nó sẽ chỉ làm thỏa mãn cơn khát “vàng” đã kéo dài hơn 20 năm, tạm xoa dịu những nhức nhối, vuốt ve căn bệnh thành tích vốn đã trầm kha.
Đổi lại, tuyển Việt Nam mất cơ hội đọ sức với đẳng cấp cao nhất của bóng đá châu lục. Nên nhớ, bóng đá Việt Nam mới một lần được dự Asian Cup trên sân nhà năm 2007.
Và đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử, VFF xem nhẹ các giải đấu châu lục để dồn sức cho SEA Games. Tại vòng loại Asian Cup 2015 hồi năm 2013, HLV trưởng Hoàng Văn Phúc cũng trao lại vị trí cho trợ lý Nguyễn Văn Sỹ để tập trung dẫn dắt U23 Việt Nam. Vòng loại Asian Cup năm ấy, tuyển Việt Nam đứng cuối trong một bảng đấu có Hong Kong, thua những trận rất đậm trước UAE và Uzbekistan.
HCV bóng đá ở SEA Games 2017 rất quan trọng. Nhưng đó vẫn chỉ là giải đấu dành cho lứa tuổi trẻ và chắc chắn không phải là bộ mặt của nền bóng đá quốc gia như các giải đấu Asian Cup hay World Cup. Bóng đá Việt Nam tiếp tục đi lạc đường đến khi nào?
VFF cũng phải chịu áp lực vì SEA Games
Tại sao SEA Games lại quan trọng đến thế với bóng đá Việt Nam? Kể từ lần đầu vào chung kết hồi năm 1995, bóng đá Việt Nam đã 5 lần về nhì. Bốn trong 5 thất bại ấy đến dưới tay người Thái.
Bóng đá Thái, các đội tuyển Thái từ lâu đã là nỗi ám ảnh với bóng đá Việt Nam. Với người hâm mộ Việt Nam, đánh bại Thái Lan, giành tấm HCV SEA Games đầu tiên sẽ mang tới nhiều cảm xúc hơn cả những chiến thắng tại sân chơi châu lục.
Giấc mơ SEA Games ám ảnh tới mức nào, lãnh đạo VFF hiểu rất rõ. Trả lời báo chí hồi tháng 4, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn từng nói: "Chúng tôi hiểu nguyện vọng của người hâm mộ đối với bóng đá ở SEA Games. Trong thời gian tới, VFF sẽ tạo điều kiện tốt nhất để HLV Nguyễn Hữu Thắng hoàn thành nhiệm vụ. VFF sẽ đáp ứng tối đa khả năng cho SEA Games”.
Trước đó, Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cũng nhiều lần tuyên bố “bóng đá Việt Nam không vô địch SEA Games thì vứt”. Dẫn chứng vậy để thấy, những người làm bóng đá Việt Nam đang chịu rất nhiều áp lực khi chọn SEA Games làm mục tiêu chính trong năm 2017.