Mong muốn sở hữu chiếc vé xem trận chung kết giữa của đội tuyển U19 Việt Nam - Nhật Bản, hàng ngàn người hâm mộ không ngại đứng xếp hàng nhiều giờ liền, chen chúc nhau trước cổng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và ngủ ở vườn hoa. Tuy nhiên, khi biết hết vé, nhiều người tỏ ra bức xúc, nặng lời mắng nhiếc VFF.
Anh Quang, một khán giả nhiệt tình của U19 Việt Nam, cho biết mình cùng nhiều người đã xếp hàng từ 9h30 tối, nhưng đến 9h sáng, đoàn người mới nhận được một câu trả lời chung chung: đã hết vé.
"40.000 vé trận chung kết không thể hết được nhưng ngay sau khi trận bán kết diễn ra đến sáng hôm sau, người hâm mộ mới nhận được tin VFF đã bán hết vé. Tự hỏi VFF bán lúc nào, cho ai? Người dân đứng mua không có vé, trong khi cò mồi, phe vé có cả trăm cái trong tay", anh bức xúc.
Một fan khác tên Bùi Anh nói với giọng châm biếm: "40.000 chỗ ngồi mà bán hết bằng tiền mặt, xếp hàng trong vòng chưa đầy 12 tiếng, bán còn giỏi hơn cả các câu lạc bộ lớn trên thế giới bán vé qua mạng".
Bạn Lan Anh không giấu được sự thất vọng trước việc vé hết quá nhanh. Bạn cho rằng người hâm mộ không bao giờ muốn quay lưng với đội bóng nhà, mà do người tổ chức đã không tạo điều kiện cho các fan. Mỗi khi có một trận bóng hay, người hâm mộ lại rơi vào cảnh ăn chực nằm chờ, và cảnh phải quay về không có vé thường xuyên diễn ra.
Tuy vậy, trước nhiều lời chỉ trích hướng về phía VFF, vẫn có một số khán giả lên tiếng muốn "giải oan" cho bộ phận phát hành vé. Khi chứng kiến dòng người nối đuôi nhau đứng xếp hàng chờ mua vé không thành, có hành động quấy phá trụ sở VFF, một bạn cho biết: "Tôi xếp hàng ở đây tối qua nên biết mọi người đứng chờ từ 10h tối. Thật ra có thông báo hết vé dán, nhưng về sau một thanh niên ra xé nên không ai biết".
Chứng kiến cảnh người dân đạp đổ tường VFF, anh kể, khi những người hâm mộ đến sau thấy mọi người vẫn đứng đợi, nên ai cũng tưởng còn vé và xếp hàng theo. "Qua 8 tiếng kẻ đứng người ngồi, ai cũng mỏi mệt, đặc biệt người đến sau không xếp hàng mà ngồi thành hàng 3 hay 4. Đến sáng, họ sợ an ninh đuổi ra khỏi hàng nên nghe thấy cơ động đến là thi nhau bám vào cột sắt tường rào, gây đổ tường", anh nói thêm.
Là người đã sở hữu được vé xem đêm chung kết, Duy Khánh cho biết, cách đây 4 ngày, anh đã mua được vé trận chung kết. Vì thế, những người đến sát giờ vàng mới tìm vé nên bình tĩnh và trật tự hơn.
Anh nói: "Vì sao mọi người không đọc công văn? Vì sao lúc nào cũng đổ lỗi là do chợ đen, do VFF? Một số người đứng lên hô hào cho rằng mình là fan chân chính, nhưng hâm mộ chân chính tại sao đạp đổ tường và chửi loạn xạ khi không mua được vé. Điều đó chỉ thể hiện ý thức rất kém".
Về vấn đề VFF đưa ra thông báo hết vé chậm, anh bày tỏ sự thông cảm, rằng cơ quan làm việc theo giờ hành chính, nên khi mọi người tập hợp chờ vé lúc 4-5h sáng, rất khó để có người đủ năng lực và vai vế đứng ra giải thích.
Thông báo hết vé của VFF. |
Là người cũng không mua được vé, nhưng anh Tuyết góp ý: "Vì sao mọi người phải khổ như vậy, nếu còn vé, VFF đã bán rồi. Ai không mua được thì lập fanzone ở ngoài xem".
Nhìn ở góc độ khách quan, cơn sốt vé này một phần do người hâm mộ cuồng nhiệt quá mức, chấp nhận vận dụng mọi mối quan hệ để nhờ cậy, cũng như bỏ ra số tiền lớn để có được vé, khiến phe vé được thời cơ hoành hành.
Nhiều fan gợi ý, khi sân Mỹ Đình không đủ sức chứa, ban tổ chức có thể bố trí một màn hình rộng ở bên ngoài sân.
Một fan của các giải bóng đá quốc tế, Lan Anh chia sẻ, những sân lớn trên thế giới, vòng quanh sân đều có các màn hình lớn phục vụ cho khán giả không có đủ tiền mua vé hay không mua được vé. Đó là nơi mọi người tập trung chia sẻ niềm vui khi đội nhà ghi bàn, vì vậy, VFF nên xem lại khâu tổ chức ngoài sân cũng không kém trong sân.
"Các bạn hãy làm người hâm mộ thông minh và tinh tế bởi việc bỏ ra số tiền lớn mua vé càng giúp cho thị trường vé chợ đen càng thêm lộng hành", bạn An Trần chia sẻ.