Vàng son một thuở Ba Tư là tập du ký của tác giả Nguyễn Chí Linh. Tác phẩm dẫn lối người đọc đến vùng đất của thế giới Hồi giáo đầy lôi cuốn với nét văn hóa cổ xưa. Được sự đồng ý của tác giả và NXB Tổng hợp TPHCM, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.
Một vài người xa lạ tốt bụng ra ký hiệu để tôi giảm tốc độ khi nhìn thấy nhịp chân tôi khá hối hả lướt qua những khối băng trên đường phố có thể khiến tôi trượt ngã đến gãy xương. Bữa trưa thơm ngon với món thịt cừu kebab trong quán nhỏ và sự gợi ý của anh nhân viên phục vụ đã giúp tôi biết thêm một tác phẩm văn học nổi tiếng trong thời trung cổ của nhà thơ Nizami Ganjavi (1141-1209), để người Ba Tư cứ lãng đãng trong áng thơ tình và luôn gọi Kermanshah là “Thành phố của Shirin và Farhad”.
Áng thơ tình dựa trên chuyện có thật
Tình yêu vĩnh hằng của đại đế Khosrau II (570 - 628 SCN) từ Kermanshah dành cho công chúa Shirin của xứ Armenia, người sau này trở thành hoàng hậu Ba Tư, được đúc kết bằng mái vòm vườn ngự uyển Taq e Bostan cùng các vết điêu khắc trên đá ở núi Behistun.
Vết tích trên đá ghi lại giấc mơ của hoàng tử Khosrau II. Ảnh: Chí Linh |
Một đêm nọ, Khosrau II nằm mơ thấy ông nội mình là Anushirvan đến chúc mừng bằng các món quà ý nghĩa: Người vợ tên Shirin, ngựa thần Shabdiz, nhạc sĩ tài ba tên Barbad và một vương quốc Ba Tư vĩ đại. Shapur, người họa sĩ cũng là bạn thân, kể cho Khosrau II nghe về sự đẹp người đẹp nết của cô công chúa Shirin, cháu gái của nữ hoàng Mahin Banu xứ Armenia, đã làm hoàng tử trẻ mơ mộng được gặp gỡ.
Khosrau II cử Shapur đến Armenia và công chúa Shirin cũng đã phải lòng hoàng tử điển trai khi vừa nhìn thấy chân dung Khosrau do Shapur mang theo. Shirin quyết định bỏ trốn khỏi Armenia để tìm đến người trong mộng, nhưng trớ trêu thay Khosrau II cũng đang rời khỏi hoàng cung để đến Armenia tìm Shirin khi quá buồn lòng vì bị vua cha quở trách.
Ngược xuôi trên những nẻo đường tình, cuối cùng họ cũng gặp nhau tại Armenia nhưng một đám cưới như mơ chỉ diễn ra với điều kiện Khosrau II phải giành lại vương quốc của mình khi Kermanshah đã bị vua Bahram Chobin chiếm lấy.
Nhờ sự hậu thuẫn của hoàng đế La Mã Caesar, Khosrau II đã chiến thắng kẻ thù đòi lại vương quốc với vườn ngự uyển Taq e Bostan được thiết kế lộng lẫy, nhưng ông bắt buộc phải cưới công chúa Mariam, con gái của hoàng đế Caesar với lời thề: “Không được cưới thêm bất cứ một ai nếu Mariam còn sống".
Bìa sách Vàng son một thuở Ba Tư. |
Trong khoảng thời gian xa cách, nhà điêu khắc tài ba Farhad cũng đã thầm yêu trộm nhớ công chúa Shirin. Dưới chiếu chỉ của vua Khosrau II, Farhad trở thành kẻ lưu vong trong núi Behistun và nhiệm vụ của ông phải khắc các bậc thang từ vách đá dựng đứng. Công trình sắp hoàn thành bằng nỗi nhớ thương cùng hy vọng sẽ được kết hôn cùng Shirin, nhưng Farhad đã lao đầu xuống núi khi nhận được hung tin “giả” từ vua Khosrau II rằng Shirin đã qua đời sau một cơn bạo bệnh.
Một thời gian không lâu, hoàng hậu Mariam cũng bí ẩn từ giã cõi đời mà nhiều người cho rằng chính Khosrau II đã đầu độc người vợ của mình.
Trước khi cầu hôn Shirin một lần nữa, vua Khosrau II đã gần gũi với một phụ nữ tên Shekar ở Isfahan và họ có một đứa con là hoàng tử Shiroyeh. Sóng gió đã đi qua, cuối cùng Shirin cũng đồng ý trở thành hoàng hậu Ba Tư, nâng khăn sửa túi cho vua Khosrau II.
Tuy nhiên, bi kịch lại xảy ra khi hoàng tử Shiroyeh phải lòng mẹ kế của mình. Shiroyeh đã đầu độc Khosrau II và gửi thông điệp yêu cầu hoàng hậu Shirin phải kết hôn với mình. Shirin đã quyên sinh và yên ngủ nghìn thu cạnh bên chồng mình trong lăng mộ.
Dù chỉ là bản trường ca qua những áng thơ tình, nhưng Nizami Ganjavi đã kể lại câu chuyện xưa của vùng đất Kermanshah đúng 80% với những gì đã xảy ra bằng cách đổi tên một vài nhân vật cùng bối cảnh lịch sử.
Thiên tình sử giữa Khosrau II và Shirin từng xuất hiện trong tập truyện Nghìn lẻ một đêm với câu chuyện nhỏ Khusraw và Shirin với người đánh cá và tập thơ của Nizami Ganjavi ảnh hưởng rộng khắp vùng đất châu Á, kể cả một số tiểu thuyết gia, âm nhạc phương Tây đến tận thập niên 70s.
Taq e Bostan, mái vòm nghệ thuật vườn địa đàng
Tôi men theo dòng suối chảy róc rách để đến Taq e Bostan. Ở những khúc gập ghềnh, dòng nước đổ dồn tung bọt trắng xóa và tạo nên những âm thanh vui nhộn. Dòng nước trong veo màu ngọc bích được đổ từ trên núi cao cứ len lỏi qua những khối đá được điêu khắc tuyệt đẹp hình ảnh nhà vua dâng lễ cho các vị thần. Theo ngôn ngữ Farsi, Taq e Bostan có nghĩa là “vườn ngự uyển”.
Tôi vẫn chưa mường tượng ra kiến trúc Sassanid đẹp như thế nào nhưng đập vào mắt tôi là nghệ thuật điêu khắc quá sắc sảo trên vách núi đá Zagros mà các hoàng đế Sassanid để lại.
Điêu khắc Hoàng đế Adashir II nhận gươm và nhẫn từ người tiền nhiệm ở Taq e Bostan. Nơi đây ý tưởng bộ phim Chúa tễ những chiếc nhẫn ra đời. Ảnh: Chí Linh |
Tôi loáng thoáng nhận ra kiến trúc Sasanid từ thế kỷ 3 - 7 SCN khi nhìn thấy cổng chào hình chữ nhật dựng đứng và lối chính để vào có hình vòm cánh cung. Kiến trúc cơ bản còn xuất hiện trong những nhịp cầu Kohneh nối qua đôi bờ sông Qaresoo mà một tiếng trước đó tôi đã ngắm nghía qua. Kiến trúc Sasanid thuở xưa đã trở thành cánh cổng “iwan” đặc thù và hình dáng bệ thờ “Mihrab” linh thiêng trong thế giới mỹ thuật của người Hồi giáo ngày nay.
Tôi vẫn không biết, hơn 1.700 năm về trước những người Ba Tư cổ từng suy nghĩ thế nào về cõi thần tiên, nhưng hình dáng thiên thần bay bổng, ngựa thần Shabdiz kiêu hãnh, cảnh săn bắn nhộn nhịp của hoàng gia, dàn cung nữ phục vụ âm nhạc được phối khúc bởi nhạc sĩ Barbad trên dây đàn Chang… sống động qua từng đường nét điêu khắc đã làm tôi gọi Taq e Bostan là vườn địa đàng ở trần gian vào thế kỷ 4. Đường nét điêu khắc tinh xảo đến mức tôi có thể nhìn rõ mồn một kích cỡ từng chiếc lông mềm, phủ xếp đều đặn trên đôi cánh thiên thần.
Trong bóng tối hoang vu, lửa và nước là cội nguồn của sự sống khi Thượng Đế bắt đầu ươm mầm hạt giống ở nhân gian và người Ba Tư cổ tôn thờ nữ thủy thần Anahita và hỏa thần Ahura Mazda. Họ thường chọn những ngọn núi có nguồn nước trong veo từ đỉnh đổ xuống mới tiến hành lập đền thờ bởi người Ba Tư luôn kính trọng sự trong trắng của nữ thần Anahita. Trên con đường Hoàng Gia với trạm dừng chân tại Kermanshah, các vị hoàng đế Sassanid chọn núi Zagros xây dựng vườn ngự uyển để đoàn thương gia ghé qua độ dăm ngày có thể thấy được sự phồn thịnh của đế chế Ba Tư.