"Chị sinh năm mấy?", tôi hỏi.
"Bốn mấy tuổi rồi, còn sinh năm bao nhiêu chị không nhớ đâu. Ừ nhỉ, chị chả nhớ thật", chị nói vội cho xong câu trả lời.
Năm sinh của mình thì không nhớ, ấy vậy mà người phụ nữ này lại nhớ rõ mồn một cái ngày mà chị bị người ta tạt chất độc kinh khủng ấy vào người. Đó là buổi sáng 16/9/2013.
Hôm đó, cũng như mọi ngày, chị đang ngồi vá xe thì đôi nam nữ đi xe máy biển số xanh 80 dắt xe vào sửa vì bánh sau không còn hơi.
Khi làm xong thao tác và biết xe không phải bị thủng, chị gọi cậu thanh niên kia tới gần.
“Cậu ta vừa ngồi cạnh là tôi cảm giác chất gì vừa được xối vào mình từ đằng sau. Nóng ran hết người, tôi chỉ biết hét lên. Áo quần cháy hết, da bắt đầu chảy”, chị bần thần kể lại câu chuyện như mới vừa xảy ra hôm qua.
Ngay lập tức, chồng chị - anh Phạm Văn Tân, đưa vợ vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Công an phường nhanh chóng xuống hiện trường, rồi chuyển vụ án lên Công an quận Tân Bình để điều tra vì tính chất nghiêm trọng.
Chị Loan không biết ai ra tay hại mình, nhưng có "đối tượng tình nghi". Trước ngày chị bị tạt axit 1 tuần, trong lúc phụ trông xe cho người chú ở đối diện Chi cục thuế quận Tân Bình, người đàn bà trông xe ở bãi cạnh đó có buông lời hăm dọa: “Mày coi chừng tao tạt axit”.
“Số là quán tôi giữ xe đông khách hơn nên bà ta hù như vậy. Tôi về kể lại cho chồng nhưng lúc đó chỉ nghe thôi chứ không nghĩ là họ có thể hại mình đâu. Nhưng đến ngày bị nạn thì tôi lại hồ nghi", chị kể.
Chị cũng nghi vấn với cả đôi nam nữ ngày hôm ấy. Có khi nào ai đó trả thù đôi nam nữ mà tạt nhầm mình? Chị quẩn quanh trong suy nghĩ ấy suốt thời gian dài.
1 năm, 2 năm,...
Đến tháng 2/2015, vụ án bị tạm đình chỉ với lý do “hết thời hạn điều tra, không xác minh được đối tượng gây án”.
Theo Công an quận Tân Bình, cơ quan này đã mời 2 đối tượng mà chị Loan nghi ngờ lên lấy lời khai nhưng đều không có chứng cứ chứng minh, họ “không biết ai và không thuê ai tạt axit”.
“Khi nào phát hiện tình tiết, chứng cứ xác định đối tượng gây án sẽ phục hồi điều tra theo luật”, thông tin từ Công an quận Tân Bình.
Chính kết luận này làm vợ chồng chị mất ăn, mất ngủ.
Anh thay chị làm đơn kêu oan, gửi lên Công an quận Tân Bình, VKSND quận, nhưng bất lực. Không có bất kỳ tia hi vọng nào cho vụ án oan này.
“Có những vụ án manh mối mong manh nhưng vẫn tìm ra thủ phạm. Ít nhất vụ của vợ tôi cũng có đầu mối là lời hăm dọa sẽ tạt axit kia và đôi nam nữ đi xe biển số xanh hôm đó. Nhưng tại sao không điều tra ra?”, chồng chị Loan nói, giọng vẫn tức giận, phẫn uất.
"Nếu không có anh, chắc chị chết rồi", chị Loan vừa cười vừa nhìn vào người chồng đang ngồi cạnh bơm xe cho khách.
Anh Tân vào Sài Gòn lập nghiệp trước chị. Lúc nhỏ anh bị viêm não, may mắn giữ được mạng sống nhưng bị liệt cánh tay trái, từ đó không thể cử động được.
Chị Loan rời quê vào Sài Gòn làm đủ thứ nghề, rồi duyên số đẩy đưa họ gặp nhau. Anh ngỏ lời yêu chị. Nhưng chính lúc đó, chị vấp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình chỉ vì lý do "con mình đâu đến nỗi".
Lúc đó, để bảo vệ tình yêu của mình, chị nói với ba mẹ rằng sau này sướng chị hưởng, khổ chị chịu. Chị còn tự tin mình sẽ làm “trụ cột gia đình”. Lúc nói câu này, chị nào nghĩ là đến bây giờ chị nhờ vào người đàn ông bên cạnh để không mất niềm tin vào cuộc sống.
Mấy tháng chị nằm bệnh viện, anh không hề cho chị soi gương. Những tháng sau đó, để tránh vợ tự ti, anh cũng giấu nhẹm những vật dụng có thể khiến chị thấy được gương mặt mình. Bởi chị từng đau đớn đến muốn chết đi cho xong kiếp người.
"Tôi nghĩ ai cũng chết thôi, lúc đó tôi chết đi chắc sẽ khỏe hơn là sống tiếp. Vậy là tôi lên cầu ở đường Trường Sa để tự tử. Lúc đó đột nhiên có 2 mẹ con bán vé số đi ngang qua, đứa bé cứ chạy theo nói với mẹ nó là đừng bỏ con. Vậy là tôi giật mình, nghĩ thương con quá nên đi về và quyết định phải tiếp tục sống”, người phụ nữ này nhớ lại.
Thương chồng, không muốn mình lại trở thành gánh nặng cho người bạn đời vốn đã ốm yếu nên chị cố nén nỗi đau. Có hôm nghĩ đến phận mình, chị muốn khóc nhưng lại sợ chồng thấy lại buồn. Thế là chị chạy vào phòng tắm, cắn miệng vào cái khăn để khóc cho không phát ra tiếng.
Có hôm chị còn nói với anh rằng khi nào cảm thấy không chịu đựng được thì cứ đi tìm hạnh phúc khác. Chị sẵn sàng cho chồng đi.
"Tôi nói thật. Cơ mà nghe xong, anh nói tôi bị hâm à rồi dặn đừng có nói thế", đôi mắt chị rạng rỡ.
Người đàn bà này có thể rầu rĩ, buồn bã khi nhớ lại vụ án 5 năm trước hay tức giận với sự bất lực của cơ quan điều tra, nhưng chỉ cần nhắc đến chồng, ánh mắt chị long lanh hạnh phúc, giọng vui tươi.
Hai mươi mấy năm sống cùng nhau là từng ấy thời gian anh chị dành cho nhau tình yêu thương bình dị mà nồng thắm. Mỗi ngày đều đặn, chị bắt đầu công việc từ 7h sáng, người chồng ở nhà giặt đồ, dọn dẹp. Nếu có ai gọi anh chạy xe ôm hay phụ bất cứ việc gì, anh nhanh chóng làm chứ không nề hà.
Cả buổi sáng, điện thoại chị cứ liên tục hiện lên tên người gọi là “anh yêu”. Chỉ vài ba câu hỏi vu vơ: Em đang làm gì đó? Em có mệt không? Anh giặt đồ à? Anh làm từ từ thôi nhé! Tay em cũng không nắn bóp gì cho anh được,… thật dễ dàng cảm nhận được niềm hạnh phúc giản đơn nhưng đầy ắp khi họ được quan tâm lẫn nhau.
“Hai mươi mấy năm vợ chồng chị vẫn vậy. Ngày nào cũng gọi mấy cuộc, không gọi là nhớ lắm”, chị cười, niềm hạnh phúc đơn sơ như đứa trẻ.
Đến chiều, anh Tân ra góc đường phụ vợ. Anh làm chủ yếu bằng một tay, tay kia chỉ làm điểm tựa. Tầm 18h thì cậu con trai ra phụ bố mẹ khoảng 2 giờ. Còn anh chị làm đến khi qua ngày mới, lúc ấy cả nhà mới trở về, quây quần bên mâm cơm tối.
Bi kịch đổ ập vào gia đình đã 5 năm, cũng chừng đó thời gian cả nhà chị phải đối mặt với những tổn thương và dằn vặt khác nhau. Chồng chị đau lòng, thương vợ nên hay buồn bã. Sức khỏe của anh cũng đi xuống dần theo khoảng thời gian mà vụ án chìm vào thinh lặng. Gần như đều đặn năm nào anh cũng gửi đơn kêu cứu thay vợ, chỉ năm nay là chưa kịp.
Con trai chị, cậu thanh niên 17 tuổi tên Tiến lại có một nỗi ám ảnh khác về bi kịch của gia đình. Tiến còn nhớ rõ hôm mẹ gặp nạn là còn 5 ngày nữa em tròn 12 tuổi. Em kể: “Tối trước đó con mới nói với mẹ là sắp đến sinh nhật con rồi, thì hôm sau mẹ bị người ta tạt axit. Đó là sinh nhật buồn nhất trong đời con”.
Chị Loan đã trải qua hơn 15 lần phẫu thuật, thế nhưng đến bây giờ những vết sẹo vẫn sần sùi, mưng mủ. Vết sẹo dài ở khuôn mặt chị kéo căng đến phần cổ khiến chị gặp khó khăn khi đi lại, ngoái đầu, cả giấc ngủ cũng không dễ dàng. Vì nếu kéo căng quá sẽ đau hoặc sợ bị đứt mạch máu. Còn bàn tay chị hễ va vào đâu thì máu cứ chảy mãi, khó cầm được.
Chị cứ vừa nói vừa cười khi chỉ vào lỗ tai phải của chị đã bị mất vì axit “ăn”. “Nó (lỗ tai – PV) cứ ngứa ngáy là tôi lấy tăm bông ngoáy, rồi rất nhiều lần bông gòn tụt vào trong luôn. Thế là cả chồng, cả con lại đè tôi ra để gắp. Còn đang làm ngoài này mà bị ngứa, tôi chạy vào tiệm thuốc kêu cứu”, người phụ nữ này cười lạc quan như vừa kể một câu chuyện vui.
Luôn tỏ ra mạnh mẽ, lạc quan là thế nhưng khi nhắc đến quê, người phụ nữ này lại ngậm ngùi. 10 năm rồi chị Loan chưa về thăm nhà. Ngày tai họa ập đến chị, mẹ chị từ quê vào chăm. Chính vì những vết sẹo làm biến dạng khuôn mặt khiến chị tự ti, không dám về quê thăm gia đình dù chị biết "bố mẹ không sống đời mãi được".
5 năm chờ đợi là từng ấy thời gian hy vọng tìm ra thủ phạm dần lụi tàn. Thế nhưng trong thâm tâm đôi vợ chồng này, họ vẫn mong một lần nào đó vụ án được phục hồi điều tra.
“Tôi đau lòng với vợ suốt mấy năm nay. Phải tìm ra hung thủ để cho vợ mình thanh thản. Ai cũng nghĩ cô ấy làm gì để người ta trả thù”, anh Tân nói rồi cầm trên tay tấm ảnh ngày xưa của vợ, đưa cho chúng tôi.
Chị Loan ngồi cạnh cười xuề: "Lâu lâu ảnh lại sờ mặt chị rồi bảo là sao người ta nỡ lòng cướp mất gương mặt xinh đẹp của vợ anh".
Lúc này, mâm cơm tối vừa dọn ra, đồng hồ đã quá 12h khuya.