Tiền mất tật mang
Anh Văn làm việc tại một tập đoàn có trụ sở ở Ninh Bình cho biết, vào ngày 26/5, khi lưu thông trên tuyến đường cao tốc hướng Ninh Bình – cầu Giẽ, bất ngờ bị lực lượng CSGT làm việc trên tuyến đường này ra hiệu lệnh dừng xe với lỗi chạy quá tốc độ.
Việc này đã khiến anh rất bực bội vì phương tiện của anh được gắn thiết bị định vị đắt tiền (đã được dán tem kiểm định chất lượng), thể hiện quãng đường vừa đi dao động từ 90 đến 99 km/h. Tuy nhiên, lực lượng CSGT nhận được điện đàm từ đồng nghiệp thông báo ôtô của anh Văn chạy tốc độ 105 km/h, tức là vượt quá 5% cho phép.
Chính vì thế, giữa anh và vị cán bộ CSGT xảy ra “đấu khẩu” gần 30 phút. Để chứng minh việc anh vượt quá tốc độ 5%, tổ công tác CSGT đã chở cả chiếc máy bắn tốc độ tới khu vực trạm thu phí cho anh Văn xem lại hình ảnh. Hình ảnh từ máy bắn tốc độ cho thấy ôtô của anh Văn chạy tới 105 km/h. Mặc dù phải chấp hành xử phạt theo quy định nhưng anh vẫn ấm ức bởi không rõ thiết bị nào đúng, loại gắn trên xe ôtô của anh hay máy đo tốc độ của CSGT?
Theo tìm hiểu, không chỉ anh Văn mà còn nhiều trường hợp khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Anh Nam. ở khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội, cũng bị xử lý chạy quá tốc độ trên tuyến đường cầu Giẽ - Ninh Bình, trong khi camera hành trình gắn trên ôtô của anh này luôn hiện thị tốc độ dưới 95 km/h - tốc độ cho phép khi tham giao thông như biển hiệu trên đường.
Chiếc xe do anh Văn điều khiển hiển thị trên máy đo tốc độ của lực lượng cảnh sát giao thông với tốc độ 105 km/h. |
Trao đổi với phóng viên, trung tá Trần Minh Thu - Đội trưởng CSGT số 7, Phòng 10, Cục CSGT, phụ trách tuyến cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình cho biết, từng gặp không ít tình huống tài xế đôi co với chiến sĩ CSGT, có lúc đôi co dựa vào thiết bị được trang bị trên xe như hộp đen, camera hành trình. Theo trung tá Thu, tuyến cầu Giẽ - Ninh Bình được trang bị 4 chiếc máy bắn tốc độ do Bộ Công an trang bị, đó là công cụ CSGT lấy làm căn cứ xử phạt.
Thêm vào đó, tuyến đường này được tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư 130 tỷ đồng, trang bị 56 camera kỹ thuật số IP độ phân giải cao, nhằm giám sát các phương tiện hoạt động trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đối với các thiết bị của VEC, lực lượng CSGT chỉ sử dụng hình ảnh để tham khảo và xử lý các tình huống xảy ra tai nạn, trung tá Thu cho biết.
Cân tải hỏng làm khó cả CSGT lẫn lái xe
Với những trường hợp không trùng khớp về số đo tốc độ mà phóng viên Tiền Phong tiếp cận, đến nay chưa có căn cứ để nhận định máy đo tốc độ của lực lượng CSGT là đúng hay thiết bị hành trình gắn trên ôtô của chủ phương tiện mới chính xác, bởi chúng đều đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm định trước khi được đưa vào sử dụng.
Tuy vậy, riêng thiết bị cân tải tại một số trạm cân có chuyện hỏng hóc hoặc sai số là thực tế. Điều này khiến cả tài xế và CSGT đều gặp khó. Ngày 5/6, khi phóng viên tác nghiệp tại trạm thu phí Nội Bài - Lào Cai phát hiện hệ thống cân cố định kết nối với máy vi tính nhìn bề ngoài thấy rất hiện đại nhưng khi vận hành thì lỗi không thể hoạt động.
Ông Bùi Đình Tuấn - Giám đốc công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cho biết, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được trang bị 11 chiếc cân, trong đó có 8 chiếc được đặt cố định, 3 chiếc còn lại là cân di động.
Theo ông Tuấn, chiếc cân đặt tại trạm thu phí khu vực Nội Bài mới được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 6/2015, những chiếc còn lại đưa vào sử dụng từ tháng 1/2015. Khi VEC O&M triển khai cân tải trọng xe sẽ phối hợp với lực lượng CSGT hoặc thanh tra giao thông, những chiếc xe quá tải phải hạ tải trước khi lưu thông vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Từ 15/10/2014 đến 15/4/2015, Đội CSGT số 7, Phòng 10, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt đã lập biên bản, xử lý 1.557 trường hợp vi phạm Luật Giao thông, trong đó có 758 trường hợp chạy quá tốc độ, 60 trường hợp chạy dưới tốc độ tối thiểu, 40 trường hợp không đóng cửa khi xe đang chạy, 65 trường hợp lùi xe, 338 trường hợp dừng, đỗ… sai quy định.