Theo BBC, thời hạn của tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tháng nhằm giúp chính phủ thực thi các chính sách cải thiện nền kinh tế, bao gồm tăng thuế, áp dụng những biện pháp khẩn cấp để chi trả cho việc nhập khẩu thực phẩm và phúc lợi xã hội. Đặc biệt, lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, báo Wall Street Journal cho biết Venezuela phải tăng giá bán nhiên liệu trong nước.
Bộ trưởng Kinh tế Venezuela Luis Salas công bố tình trạng khẩn cấp chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Nicolas Maduro đọc Thông điệp liên bang trước quốc hội.
"Chúng tôi muốn khẳng định lòng tin của người dân về những nỗ lực của chính phủ", Bộ trưởng Salas nói.
Báo New York Times cho biết, việc thông báo tình hình khẩn cấp sẽ không dẫn đến thay đổi chính sách đáng kể. Tuy nhiên, nó cho phép Tổng thống Nicolas Maduro quyền hạn trong quản lý ngân sách, không cần sự chấp thuận của quốc hội trong một số vấn đề liên quan đến chi tiêu cùng một số biện pháp đặc biệt để kích thích kinh tế.
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong 18 tháng qua ảnh hưởng mạnh đến tình hình kinh tế Venezuela. Lợi nhuận từ xuất khẩu dầu của nước này, vốn chiếm đến 95% nguồn thu của Venezuela, giảm đến 60%.
Ngày 15/1, Ngân hàng trung ương Venezuela cũng thông báo những số liệu phản ánh nền kinh tế ảm đạm. Theo đó, kinh tế Venezuela co hẹp 4,5% trong 9 tháng đầu năm 2015; lạm phát tăng đến 142% trong giai đoạn từ tháng 9/2014 đến tháng 9/2015. Đây là con số lạm phát vào hàng cao nhất thế giới.