Hôm 10/12, Trung Quốc đã diễn ra sự kiện marathon lớn. Sự cố xảy ra khi một VĐV đột tử khi cách đích đến 4,5 km. Ban đầu, truyền thông Trung Quốc cho rằng VĐV này bị suy tim. Trong khi đó, trang En.People.cn cho biết thêm một VĐV khác cũng qua đời trong lúc tranh tài ở cuộc thi marathon này.
Theo kết quả điều tra, một trong hai nạn nhân đột tử nói trên là người thi hộ giúp VĐV khác. Đây là hành động gian lận trong thể thao. Hôm chủ nhật vừa rồi, Tân Hoa Xã cho biết người gian lận trong cuộc thi phải nhận án phạt cấm tham gia các sự kiện điền kinh suốt đời.
Marathon và trò bịp thường thấy
Giải marathon ở tỉnh Hạ Môn (Trung Quốc) đang chịu nhiều tai tiếng. |
Tại Trung Quốc, chuyện bịp bợm trong môn marathon không lạ. Hồi năm 2010, đã có 39 VĐV thi hộ tại giải diễn ra ở Hạ Môn. Trong đó 14 người trong số này về đích ở top 100. Còn theo Beijing Youth Daily, có 30 trong tổng số 18.000 người tham dự cuộc thi marathon hôm 10/12 bị loại. Lý do không được tiết lộ.
Truyền thông Trung Quốc cho biết những người thi hộ trong marathon phần lớn là học sinh trung học. Họ được chèo kéo gian lận để đổi lấy những ưu ái khi bước vào cuộc thi đại học. Nếu đạt thành tích cao như lọt vào top 100, người thi hộ càng nhận được những phần thưởng lớn hơn.
Sau khi trò bịp bợm trong thi đấu marathon của Trung Quốc được vạch trần, cộng đồng mạng chỉ trích kịch liệt kẻ gian lận, còn người khác đổ lỗi cho ban tổ chức. "Những giải đấu này không có tính hệ thống hay truyền tải thông điệp gì cả, điều họ muốn chỉ là chụp ảnh và nói với thế giới rằng chúng tôi đang thực hiện trào lưu sống khỏe", Tân Hoa Xã trích bình luận của một blogger.
Gian lận rất thường xảy ra trong các cuộc thi marathon tại Trung Quốc. |
Ban tổ chức cuộc thi marathon biết những mánh khóe gian lận trong thi đấu marathon, tuy nhiên lại bất lực trong việc kiểm soát tình hình. "VĐV bị cấm thay đổi những chiếc áo bib trong lúc tranh tài với người khác, tuy nhiên rất khó để phát hiện trò gian lận", một thành viên trong ban tổ chức nói với Tân Hoa Xã.
Có nhiều cách để gian lận trong thi marathon tại Trung Quốc. Năm 2010, nhiều VĐV tranh tài giải đấu diễn ra ở Hạ Môn bị loại do "đi nhờ" một chiếc xe bus. Trong khi đó, Tân Hoa Xã dẫn lời một VĐV họ Liu cho biết anh này đã chứng kiến rất nhiều trò gian lận trong marathon.
Họ có thể mua thành tích từ VĐV khác hoặc giả làm những người xem bên đường rồi sau đó trà trộn vào đám đông tranh tài khi gần về đích. Người nào muốn có được giấy chứng nhận kết quả cuộc thi nhưng không muốn thi đấu sẽ nhờ ai đó thi hộ.
Biết gian lận nhưng nhắm mắt làm ngơ
Marathon là cuộc thi phổ biến ở Trung Quốc. |
"Ban tổ chức nên bị khiển trách đầu tiên vì để xảy ra sự hỗn loạn", một VĐV marathon tên Gao nói với Tân Hoa Xã. "Tôi từng thấy một nam VĐV chạy với chiếc áo bib dành cho nữ. Màu sắc của áo bib giữa nam và nữ rất khác nhau. Những ai không bị mù màu đều nhận ra điều đó, nhưng các trọng tài lại làm ngơ trước trò gian lận như vậy".
Kiểu bịp bợm này làm nhớ lại trường hợp của nữ VĐV Rosie Ruiz người Cuba từng thắng giải marathon ở Boston (Mỹ) vào năm 1980. Sau đó, có những hoài nghi cô gian lận bằng cách nhảy lên tàu điện ngầm để về đích cho nhanh với thành tích 2 giờ 31 phút 56 giây, trở thành VĐV chạy nhanh thứ 3 trong lịch sử môn thể thao này vào thời ấy.
Tại Trung Quốc, những cuộc thi marathon rất phổ biến. Mỗi năm có hơn 300 sự kiện diễn ra trên đất nước này, theo Liên đoàn điền kinh Trung Quốc. Tuy nhiên, tính chất cuộc thi đang bị biến chất bởi nhiều trò bịp bợm. Theo Tân Hoa Xã, nhiều người chỉ muốn ghi điểm với truyền thông bằng cách tạo ra hình ảnh giả tạo họ rất yêu thể thao.
Suốt ba năm qua, đã có 14 VĐV tử nạn trong lúc tham dự các cuộc thi marathon. Con số này bao gồm luôn cả VĐV thi hộ tại Hạ Môn hồi tháng 12 và một người khác gục ngã ở đích đến cùng giải đấu. Những người thiệt mạng khi tranh tài thi marathon toàn dưới 35 tuổi.