Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vén màn sự thật về thực phẩm gây ung thư

Hơn 30 chủ đề về an toàn thực phẩm lâu nay bị nhiều người hiểu sai lệch sẽ được lật lại để làm sáng tỏ thông qua cuốn sách “Để ăn không phải băn khoăn”.

Phát hành vào đầu năm 2018, Để ăn không phải băn khoăn của tác giả Vũ Thế Thành và Nguyễn Bích Hiền sẽ trấn an nỗi lo lắng của mọi người về vấn đề an toàn thực phẩm.

Được trình bày dưới hình thức đối thoại (hỏi - đáp), cuốn sách cung cấp cho người đọc các vấn đề khoa học về thực phẩm, dinh dưỡng một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhưng không kém phần thú vị và hóm hỉnh. Cuối cùng, việc ăn uống dựa trên hiểu biết khoa học hay bị cuốn theo tin đồn là nằm ở bạn.

De an khong phai ban khoan anh 1
Sách Để ăn không phải băn khoăn đưa ra nhiều thông tin bổ ích về thực phẩm.

Để ăn không phải băn khoăn là tập hợp những bài đối thoại hàng tuần về an toàn thực phẩm giữa Vũ Thế Thành và Nguyễn Bích Hiền, phóng viên chuyên mục Sống khỏe của báo Trí thức trẻ. Hơn 30 chủ đề, hay nói cách khác là hơn 30 băn khoăn của hầu hết người tiêu dùng đã được trấn an và giải đáp.

Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu rằng ung thư hay không là do liều lượng. Một lượng chất gây ung thư đủ lớn mới làm phát bệnh. Trong thực tế, tìm ra mối quan hệ giữa thực phẩm và nguy cơ ung thư là điều rất khó khăn. Bởi vì chúng ta ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, thứ này liên quan đến thư kia, rồi cơ địa mỗi người lại khác.

Câu chuyện mì gói lâu nay được bàn tán là thứ thực phẩm chẳng tốt lành: nó gây ra mụn nhọt, sỏi thận thậm chí là cả ung thư. Là người “xem gói mì làm bạn” trong mỗi chuyến công tác nước ngoài, tiến sĩ Nguyễn Thế Thành bác bỏ những quan niệm trên.

Thành phần của mì gói chỉ toàn chất bột, dầu ăn, gia vị, hành, tiêu, tỏi ớt. Xét về mặt dinh dưỡng, đúng là mì gói không bổ, chỉ béo do có hàm lượng protein thấp. Nhiều người cho rằng, trong mì gói chứa axit oxalic, chất này gặp canxi tạo ra kết tủa gây xạn thận.

Nhưng, axit oxalic không phải chỉ chứa mỗi trong mì gói, nó có đầy trong rau củ quả ngũ cốc chúng ta ăn hàng ngày. Nếu kết luận như vậy, thì chẳng phải oan cho gói mì quá phải không?

Không chỉ dừng lại phân tích về mì gói, cuốn sách còn bàn về vấn đề các thực phẩm kị nhau. Vấn đề ăn “gan lợn xào với giá đỗ gây ung thư” khiến Vũ Thế Thành “bật cười nắc nẻ”. Về mặt y học, có một số loại thực phẩm có thể làm cản trở hấp thụ thuốc.

Còn về mặt an toàn thực phẩm, chưa có một nghiên cứu nào về thực phẩm này kị thực phẩm kia, và nếu ăn chung thì sẽ gây ngộ độc cả. Hãy cứ thưởng thức món giá đỗ xào gan và pha cho bạn một cốc mật ong với bột sắn dây.

Bên cạnh những tin đồn thất thiệt cho một số món ăn thì cũng có một số thực phẩm được tâng bốc đến trời về chức năng cũng như công dụng. Lô hội chữa bách bệnh, ăn hàu cường dương, rồi sữa chua tốt cho hệ tiêu hóa. Liệu đây có phải sự thật được khoa học nghiên cứu?

“Tôi nói thẳng luôn, các loại sữa chua công nghiệp đang bán ở trong nước không giúp ích gì cho việc bổ sung lợi khuẩn trong điều trị rối loạn tiêu hóa cả". Đó là ý kiến của Vũ Thế Thành khi đặt sữa chua vào đúng chân dung dinh dưỡng.

De an khong phai ban khoan anh 2
Tác giả sách Nguyễn Thế Thành.

Các bà mẹ cần biết rằng để bảo quản được lâu, các hộp sữa chua đều trải qua công đoạn xử lý nhiệt (heart-treated yogurt). Chính vì vậy, lợi khuẩn không còn, ăn chỉ ngon miệng, còn điều trị rối loạn tiêu hóa thì không.

Là người ngoại đạo trong giới khoa học, cũng là người mẹ, người vợ trong gia đình, những vấn đề mà chị Nguyễn Bích Hiền đặt ra trong cuộc đối thoại với Vũ Thế Thành cũng chính là nỗi băn khoăn, lo sợ chung của các bà nội trợ.

Chính vì vậy, khi tiếp cận với cuốn sách này, người đọc có cảm giác như chính bản thân mình được đối thoại trực tiếp với chuyên gia. Cảm giác của người đọc sẽ rất hả hê khi mọi băn khoăn đều được giải đáp thấu đáo.

Trong khi công nghệ phát triển tạo điều kiện cho người dân tiếp nhận thông tin một các nhanh hơn thì cũng là lúc chất lượng thông tin không được kiểm soát, kiểm định trước khi đến với công chúng.

Là một người tiêu dùng, bạn hãy thật tỉnh táo, tiếp nhận vấn đề một cách có chọn lọc. Hãy sử dụng kiến thức của mình để đánh giá tính đúng hay sai của vấn đề. Vì một tương lai ăn không phải băn khoăn!

Vũ Thế Thành sinh ra, lớn lên, làm việc ở TP HCM, hiện sống ở Đà Lạt. Ông là người có chuyên môn về Hóa học, quản trị chất lượng. Ngoài cuốn sách Để ăn không phải băn khoăn, Vũ Thế Thành đã xuất bản những tác phẩm: Những thằng già nhớ mẹ (2013, 2016, 2017), Ăn để sướng hay ăn để sợ? Tập I (2016), Sài Gòn, một góc kí ức và bây giờ (2017).



Vũ Hậu

Bạn có thể quan tâm