Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời xưa ban hành luật pháp như thế nào?

Từ thời tự chủ, các triều đại phong kiến Việt Nam đều ban hành luật pháp để trị nước.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại 2 bộ Quốc triều hình luật thời Hậu Lê và Hoàng Việt luật lệ thời Nguyễn.

Luật Hồng Đức - bộ luật tiến bộ

Bộ Quốc triều hình luật, hay còn gọi là Lê Triều hình luật, hoặc Luật Hồng Đức, do được ban hành dưới niên hiệu Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông, được đánh giá là bộ luật hoàn thiện nhất trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam.

Bộ luật chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ, nhân văn sâu sắc. Theo các nhà nghiên cứu, Bộ luật Hồng Đức đã trải qua một quá trình xây dựng lâu dài từ thời Lê Thái Tổ, đến thời Lê Thánh Tông mới hoàn thành.

Thoi xua ban hanh luat nhu the nao anh 1
Sách Quốc triều hình luật được biết tới với tên Luật Hồng Đức của NXB Tư Pháp.

Công lao của triều vua Lê Thánh Tông là đã san định các luật lệ của những triều vua trước để hoàn thành bước xây dựng bộ luật ngày ấy.

Đến thời Lê Trung Hưng (1533-1789) sau này vẫn lấy Bộ luật Hồng Đức làm quy tắc mẫu mực, chỉ sửa đổi, bổ sung thêm một số điều khoản phụ cho thích hợp với hoàn cảnh xã hội đương thời.

Bộ luật Hồng Đức sau đó đã được các triều vua thời Lê Trung Hưng bổ sung thêm, có 13 chương, 722 điều.

Hiện không có tài liệu nào viết về việc biên soạn bộ luật này như thế nào, cũng như triều đình ban hành luật ra sao, tuy nhiên theo tác giả Phan Huy Chú viết trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí, phần Hình luật chí, thì có lẽ bộ luật được ban hành những năm cuối trong niên hiệu Hồng Đức. Trong lời đề tựa của vua Gia Long triều Nguyễn cho bộ Hoàng Việt luật lệ, nhà vua cũng đánh giá rất cao bộ luật cổ này.

Trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, chỉ có chép một sự kiện vào năm Hồng Đức thứ 5 (1474), vua Lê Thánh Tông sắc dụ quan lại phủ, châu, huyện, các xứ thừa tuyên trong cả nước rằng:

"Đặt luật để trừ kẻ gian, sao dung được bọn coi thường pháp luật; đặt quan để dẹp mối kiện, lại gây ra cái tệ bán quan mua tước. Nếu không cấm triệt cho nghiêm thì sao chấm dứt được nạn tranh đoạt rắc rố"i.

"Từ nay về sau, việc thừa nhận ruộng đất nếu đã quá hạn rồi mà làm đơn gian trá, ghi năm tháng còn trong hạn và chưa được hầu xét vào đơn, cùng là trước đã xét là gian trá, tuy có lời cung, cũng đều cho là phế bỏ cả, không được xét hỏi nữa. Quan phụ trách dám nhận đơn và xét hỏi, Hiến ty hặc tâu, thì xử tội lưu".

Điểm tiến bộ trong luật Hồng Đức được các nhà nghiên cứu luật pháp đánh giá cao là việc đề cao địa vị của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Bộ luật quy định người vợ có quyền quản lý tài sản của gia đình (khi chồng chết) và họ có quyền thừa kế như nam giới.

Luật cũng thể hiện chính sách trọng nông, với những hình phạt cho các tội phá hoại đê điều, chặt phá cây cối và lúa má của người khác, tự tiện giết trâu ngựa…, cũng như tính chất nhân đạo như áp dụng các mức án nhẹ hơn với người già, tàn tật, người còn trẻ, người tự thú...

Luật Gia Long: Giữ được các giá trị nhân văn

Sang triều nhà Nguyễn, sau khi vua Gia Long lên ngôi 14 năm, bộ luật lớn của triều đình mới được hoàn thiện và ban hành. Đại Nam thực lục, chính biên, đệ nhất kỷ chép: Tháng 8 năm Gia Long thứ (1815) Ban Quốc triều luật lệ cho trong ngoài.

Theo sử sách nhà Nguyễn, chủ trì bộ luật này là danh tướng Nguyễn Văn Thành. Năm 1810, đang giữ chức Tổng trấn Bắc Thành, ông được triệu về kinh, giao cử chức Tổng tài cùng với Vũ Trinh và Trần Hựu soạn bộ Quốc triều luật lệ, hay còn gọi là Hoàng Việt luật lệ hoặc luật Gia Long.

Việc soạn Hoàng Việt luật lệ bắt đầu từ tháng 2/1811 và đến tháng 8/1812 thì hoàn tất. Bộ luật có hai phần, có tất cả 398 điều.

Thoi xua ban hanh luat nhu the nao anh 2
Sách Hoàng Việt luật lệ, in bộ luật thời Nguyễn, còn được gọi là Luật Gia Long 

Trước khi ban hành, Nguyễn Văn Thành dâng sớ tâu lên vua Gia Long, trong sớ ông trình bày nguyên tắc biên soạn luật: "...đặt lại quy tắc khoan hồng và thưởng phạt. Khi xem đến luật triều Thanh, đức Thánh thượng nhận thấy đó là bộ luật gồm đủ các sắc luật của các triều đại trước, nên ban sắc chỉ dạy các quan đem ra bàn bạc, xem xét cùng hạ thần ngõ hầu chọn lấy những gì khả dĩ soạn thành bộ luật riêng để dùng trong nước..."

"Sách đã dạy: Trừng phạt để về sau không còn phải trừng phạt nữa, đặt ra tội hình để về sau không còn phải dùng đến tội hình nữa. Điều đó há chẳng phải là điều mà Đức Thánh thượng hằng mong muốn hay sao?".

Các nhà nghiên cứu lịch sử luật pháp vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau về bộ luật này. Có ý kiến cho rằng bộ luật này gần như lấy nguyên mẫu là luật nhà Thanh, nhưng ý kiến khác lại cho rằng bộ luật này đã có những điều chỉnh mới củng cố các phong tục, tập quán cổ truyền tốt đẹp của dân tộc cùng với nhiều định chế rất tiến bộ

Trong Đại Nam thực lục có chép chi tiết nội dung tờ chiếu ban hành bộ luật của vua Gia Long, viết rằng: “Việc hình là để ngăn cấm giữ dân, có sáng rõ thì kẻ ngu ngoan mới biết đường đi lối tránh. Pháp luật là của chung của thiên hạ, có nhất định thì quan lại mới biết có chỗ nắm theo. Quốc triều ta từ trước xử đoán việc hình đã sẵn phép thường…”.

Nguyên tắc biên soạn bộ luật cũng được vua Gia Long nói rõ trong chiếu: “Trong khi xử đoán, mệnh người rất là quan hệ, trẫm rất để ý. Trừ cái xấu, bày cái mới cần phải có pháp nhất định. Vậy nên đặc biệt sai đình thần tham khảo điển cũ của bản triều, luật lệ đời Hồng Đức, điều luật nước Đại Thanh, cùng những điều mới định gần đây, châm chước những điều thích hợp mà biên tập thành sách, trẫm thân hành xét định, phàm 22 quyển”.

Tờ chiếu cũng lưu ý quan lại và dân chúng về việc áp dụng bộ luật: “Lại sai các đại thần Tổng tài và khảo hiệu để khắc in, ban hành cho thiên hạ để làm lệnh điển đời đời. Từ nay xét xử ngục tụng, hết thảy y theo luật điều mới ban, không được trái vượt. Quan lại trong ngoài đều nên lưu tâm nghiên cứu. Dẫn dụng mà xử đoán, cần phải rõ ràng khiến cho hình được công bằng, không ai bị oan lạm, để báo đáp tấm lòng xử phạt thương xót việc hình của trẫm".

"Lại thấy điều lệ mới thi hành, nha môn trong ngoài chưa có thể xem kỹ hết mọi điều, chuẩn cho từ năm nay đến cuối tháng 12 năm Đinh Sửu (tức là 2 năm sau), quan xét hình có sơ suất nhầm lẫn thì không phải là có ý khép mở tội người thì về tội roi và trượng đều miễn nghị, về tội đồ trở lên thì chiếu lệ thất xuất thất nhập (tức là nhầm lẫn mà xử nhẹ tội bớt hay nặng tội thêm cho người ta) giảm thêm một bậc; từ năm Mậu Dần (tức 3 năm sau) trở đi thì xử trị theo luật”.

Theo các chuyên gia, bộ luật Gia Long đã có nhiều điểm tích cực trong việc giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội, bảo vệ quyền lợi của người già, người cô quả, tàn tật, trẻ em và phụ nữ; bảo vệ quyền lợi nhất định của những người phạm tội và bảo vệ dân thường …


Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm