Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VEC sẽ bán 5 tuyến cao tốc trị giá gần 6 tỷ USD

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam vừa lên tiếng về thông tin đơn vị này đang tiến hành nhượng, bán 5 tuyến đường cao tốc dài hơn 500 km.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc có tổng chiều dài 540 km, tổng mức đầu tư 125.570 tỷ đồng (gần 6 tỷ USD).

Tại 5 dự án nói trên, vốn ngân sách nhà nước tham gia đầu tư trực tiếp vào dự án 71.550 tỷ đồng (chiếm 57%); VEC tự huy động 54.000 tỷ đồng (chiếm 43%) từ nguồn vốn phát hành trái phiếu công trình, vốn vay vay thương mại (OCR) của ADB và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD) thuộc World Bank.

Cuối tháng 10/2014, VEC đã đưa vào khai thác, thu phí các tuyến cao tốc như Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai và một phần tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng chiều dài 320 km.

Theo kế hoạch, đến năm 2018, VEC sẽ lần lượt đưa vào khai thác phần còn lại của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (2015); Đà Nẵng - Quảng Ngãi (2017) và Bến Lức - Long Thành (2018).

Theo chỉ đạo mới đây của Bộ Giao thông cũng như chỉ đạo từ cuối năm 2013 của Thủ tướng về việc tái cơ cấu nguồn vốn cho 5 dự án cao tốc, VEC đang khẩn trương hoàn thiện Đề án tái cơ cấu tổng thể mô hình tổ chức và hoạt động gắn với đổi mới phương thức quản lý tài chính và cơ chế quản lý dự án của Tổng công ty sau tái cơ cấu.

Theo đó, VEC đang xây dựng phương án cổ phần hóa tổng công ty song song với việc xây dựng phương án thành lập các Công ty cổ phần dự án, phương án chuyển nhượng quyền thu phí để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.

Hiện VEC tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải rà soát, nghiên cứu các cơ sở pháp lý cho việc triển khai chủ trương nói trên; tiến hành thăm dò nhu cầu thị trường; tính toán các phương án hợp lý nhất để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia góp vốn phù hợp với các quy định của pháp luật và nhu cầu huy động vốn của tổng công ty.

Vẫn theo VEC, sau khi xây dựng xong đề án, đơn vị này sẽ báo cáo Bộ Giao thông xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất.

Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm