Sau khi Cục Hàng không yêu cầu các hãng bay tạm dừng cung cấp dịch vụ thu tiền để ưu tiên check-in, nhiều ý cho rằng chính các hãng bay cũng cần có cách kinh doanh chuyên nghiệp hơn thay vì vẽ thêm dịch vụ để thu tiền của khách.
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, hành vi thu thêm tiền để cung cấp dịch vụ ưu tiên check-in của các hãng bay là trái quy định, bởi loại hình này không có trong danh mục dịch vụ được nhà chức trách phê duyệt.
Trong khi đó, đại diện một hãng hàng không giải thích việc này nhằm đáp ứng nhu cầu khác nhau của hành khách trên cùng một hành trình bay, với mong muốn mang đến trải nghiệm tốt nhất toàn diện hơn cho mỗi hành khách.
Từ góc độ chuyên gia, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương, đánh giá cách ứng xử này không phù hợp. Theo ông, lý giải "phục vụ tốt nhất cho hành khách" chỉ là mang vấn đề danh nghĩa, còn thực chất mục đích của hãng bay "cơ bản chỉ vì tiền".
"Các hãng cố kiếm thêm tiền và chỉ tạo ra cơ hội cho một số người khi chấp nhận trả thêm tiền", ông Doanh thẳng thắn nói điều này tạo bất công cho người dân.
Khách bay "rồng rắn" xếp hàng chờ làm thủ tục vào cuối tuần trước (15/7), tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Thanh Phúc. |
Theo TS Doanh, để mang lại sự thuận lợi, tạo ra những dịch vụ tốt nhất phục vụ hành khách trong bối cảnh quá tải, các hãng hàng không nên tìm cách vận dụng tối đa công nghệ để rút ngắn thời gian làm thủ tục cho khách hàng. "Tôi không tin cách tạo ra thêm một kênh thu tiền sẽ đem lại thuận lợi hay danh tiếng tốt cho hãng đó", theo lời ông Doanh.
Chung góc nhìn, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý TP.HCM, cho rằng khi doanh nghiệp đặt mình là khách bay phổ thông sẽ thấy nhạy cảm với chi phí “ưu tiên phát sinh” này.
“Nếu hãng cảm thấy phục vụ tốt có thể nâng giá vé lên, còn mang tiếng giá cạnh tranh nhưng ‘vớt vát’ lại cái khác thì không công bằng. Giá phổ thông rẻ thì phải rẻ đúng như bản chất”, ông Thắng nêu quan điểm.
Quầy làm thủ tục các hãng bay tại Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng bận rộn vào mùa cao điểm. Ảnh: Thanh Phúc. |
Theo vị chuyên gia, việc "vẽ" ra dịch vụ để tận thu sẽ khiến môi trường kinh doanh thiếu sự lành mạnh. Trong kinh doanh, các hãng bay không sai luật, nhưng làm xấu đi cảm nhận của hành khách, không đem lại dịch vụ tốt mà chỉ tạo ra thêm gánh nặng cho người dân.
Ông Thắng lý giải thương hiệu một doanh nghiệp là những gì gây dựng lên từ cảm xúc, ấn tượng và lòng tin của khách hàng. Nếu hãng bay khiến khách hàng có ấn tượng tiêu cực, họ sẽ tự phá hủy đi chính thương hiệu của chính mình.
“Trong kinh doanh, thương hiệu là thứ quan trọng hơn nhiều so với lợi nhuận, doanh thu trước mắt. Mất lòng tin của khách, hãng sẽ phải trả giá. Hành khách sẵn sàng rời bỏ hãng này khi tìm thấy một hãng tốt hơn”, TS Trần Quang Thắng nhấn mạnh.
Ông cho rằng với sự sắp xếp tự nhiên của thương trường, khi các doanh nghiệp có những ứng xử không mang lại lợi ích cho khách hàng sẽ tự đối diện với sự ngoảnh mặt của dư luận và chính khách hàng của họ.
“Thị trường sẽ tự trừng phạt những doanh nghiệp đó mà không cần đến nhà quản lý. Sau sự việc này, các hãng hàng không cần có cách kinh doanh, quảng bá thương hiệu chuyên nghiệp hơn”, theo góp ý của vị chuyên gia.