Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vé tàu tết: tiền trao, cháo không múc

Mới ngày thứ ba triển khai bán vé tàu tết qua mạng đã xuất hiện một số trục trặc: một số khách hàng đã trả tiền nhưng không nhận được vé.

Từ ngày 1/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bắt đầu bán vé tàu Tết Bính Thân 2016. 

Khoảng 8h ngày 1/10, anh Võ Thành Vinh (quận Tân Phú, TP HCM) lên trang web dsvn.vn đặt hai vé tàu SE25 chặng Quy Nhơn - Sài Gòn. Lên trang web, anh điền đầy đủ thông tin, đặt vé tàu và ngành đường sắt cũng xác nhận vào email của anh là đặt vé thành công.

Người dân mua vé tàu tết tại ga Sài Gòn sáng 1/10.
Người dân mua vé tàu tết tại ga Sài Gòn sáng 1/10.

Tiếp đó, anh Vinh đến Ngân hàng VIB ở đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM) thanh toán số tiền 2.068.000 đồng. Thanh toán xong nhưng anh chưa in được vé.

Mua vé xong bị hủy

Đến sáng 2/10, anh Vinh vào mạng kiểm tra một lần nữa mới phát hiện vé của anh đặt trước đó hết thời hạn thanh toán và đã được người khác tạm giữ. Anh Vinh gọi đến Ngân hàng VIB thì nhận được thông tin vé tàu anh đặt đã bị hủy.

Sốt ruột, anh Vinh đến ga Sài Gòn thì được nhân viên Tập đoàn FPT (đơn vị cung cấp phần mềm bán vé tàu điện tử) thông báo hiện đang giải quyết.

FPT xác nhận anh Võ Thành Vinh đặt chỗ thành công và đã thanh toán. Tuy nhiên, dữ liệu xác nhận thanh toán truyền từ ngân hàng về hệ thống của ngành đường sắt không đủ, dẫn đến mất chỗ.

Rất may, đến tối 3/10 ngành đường sắt đã tạo điều kiện cho anh mua được vé.

Trường hợp chị Nhàn ở quận Gò Vấp cũng thanh toán tiền nhưng không có vé. Theo chị Nhàn, ngày 1/10 chị lên mạng đặt vé tàu tết chặng Sài Gòn - Nha Trang và đã thanh toán tiền nhưng chưa in được vé.

Sau đó, chị Nhàn kiểm tra lại vé tàu mình đã đặt thì hệ thống báo không tìm thấy dữ liệu. Đến 12h cùng ngày, chị ra ga Sài Gòn khiếu nại thì được nhân viên hứa sẽ cố gắng tìm nguyên nhân và tìm chỗ đặt mới.

Theo chị Nhàn, đến chiều cùng ngày vẫn không nhận được thông tin phản hồi nên chị quay lại ga Sài Gòn yêu cầu hoàn tiền. “Mình thấy rất phiền phức vì mất cả ngày trời”, chị Nhàn bức xúc.

Lỗi do hệ thống?

Ông Nguyễn Hồng Hải, phó giám đốc Trung tâm giải pháp vận tải hành khách (thuộc Tập đoàn FPT), cho biết quy trình mua vé tàu tết trên mạng hiện có hai bước: đặt vé trên website dsvn.vn và thanh toán tiền.

Sau khi đặt vé xong, website dsvn.vn sẽ gửi thông tin thanh toán sang cổng thanh toán của nhà cung cấp dịch vụ là bên Banknet (Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam). Banknet sẽ mở ra một trang thanh toán để khách chuyển tiền.

Ông Hải cho biết khi xác nhận đã thu tiền, Banknet sẽ gửi thông tin giao dịch cho ngành đường sắt về việc đã thu xong tiền vé và lúc đó vé tàu mới được xuất ra.

Nhiều khách hàng đến ga Sài Gòn phản ảnh không thanh toán được phần lớn do chưa đăng ký mở dịch vụ Internet Banking (thanh toán trực tuyến) hoặc đã mở dịch vụ Internet Banking nhưng quá trình kết nối thanh toán giữa Banknet với ngân hàng phát hành có thể có vấn đề.

Trung tâm giải pháp vận tải hành khách đã kiểm tra và nhận thấy phần lớn giao dịch trên đường sắt chưa nhận được xác nhận từ Banknet về việc thanh toán thành công.

Theo ông Hải, trường hợp thực hiện giao dịch thành công, ngân hàng mới chỉ tạm giữ số tiền là ngân hàng có thu tiền của khách hàng, chứ chưa gửi xác nhận sang bên đường sắt.

Theo quy định, trong một giờ khi khách đặt vé thành công mà không nhận được tín hiệu phản hồi của cổng thanh toán về việc giao dịch chuyển tiền đã thành công thì vé tàu đó sẽ được trả lại hệ thống. Vì vậy, hành khách cần phải đặt vé mới.

Về thời gian hoàn tiền cho khách, ông Hải cho biết theo quy trình, sau ngày khách hàng thực hiện giao dịch các bên sẽ thực hiện đối soát để thanh toán bù trừ cho nhau và đưa ra bảng danh sách giao dịch nào thành công, giao dịch nào không thành công.

Sau khi đối soát, các bên liên quan mới có cơ sở trừ tiền hoặc hoàn tiền cho khách. Vì vậy, thông thường sau 2 - 15 ngày (tùy từng ngân hàng xử lý nhanh hay chậm) tiền sẽ hoàn về cho khách. Ông Hải cũng cho biết khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng hoàn tiền sớm.

Đánh giá thêm về nguyên nhân, ông Hải cho biết trong các trường hợp đã trả tiền nhưng không có vé trên là do nhiều yếu tố khác nhau nên khó có thể xác định lỗi của đơn vị nào.

Ông Hải đưa ra các ví dụ như có trường hợp ngân hàng với Banknet giao dịch không thông suốt nên phát sinh lỗi. Hoặc Banknet đúng, ngân hàng đúng nhưng dữ liệu gửi về hệ thống đường sắt thực hiện không đầy đủ cũng dẫn đến lỗi...

Nên thanh toán trực tiếp

Ông Nguyễn Hồng Hải cho biết tổ tư vấn mua vé tàu tại ga Sài Gòn của Tập đoàn FPT đã tư vấn cho khách dịp tết vé khan hiếm, vì thế khách nên chọn hình thức trả sau, không nên chọn hình thức trả trước.

Khách thanh toán trả sau có 24 giờ để giải quyết vấn đề, còn trả trước (trả trực tuyến) chỉ phù hợp với ngày thường khi vé không quá khan hiếm. Các hình thức trả sau như bưu điện, ngân hàng, tại ga Sài Gòn... sẽ có độ tin cậy cao hơn.

“Thanh toán trực tuyến rất tiện nhưng cũng có rủi ro nhất định. Chúng tôi cũng rất tiếc khi có những tình huống đó xảy ra”, ông Hải nói.

Theo Tập đoàn FPT, đối với các trường hợp khách đã chuyển tiền nhưng chưa nhận được vé, Tập đoàn FPT sẽ kiểm tra xem mã đặt chỗ đó còn thời hạn không.

Nếu vẫn còn thời hạn giữ vé và có thể chuyển sang hình thức trả sau để khách hàng đến bưu điện, nhà ga, ngân hàng đóng tiền theo hình thức trả sau.

Ngoài ra, Tập đoàn FPT sẽ chuyển lệnh hủy để khách hàng được các ngân hàng hoàn tiền hoặc ký giấy xác nhận để khách lấy lại tiền.

Theo Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn (Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Sài Gòn), chi nhánh sẽ cùng FPT thống kê danh sách những trường hợp khách đã thanh toán tiền nhưng không có vé để kiến nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có phương án hỗ trợ khách hàng kịp thời.

Vì sao không xảy ra chen lấn mua vé tàu Tết ở Sài Gòn?

Trong ngày đầu đợt cao điểm bán vé tàu Tết 2016 trực tiếp, ga Sài Gòn vắng khách, mọi việc diễn ra thuận lợi, trái với hình ảnh nhiều người chen chúc, mệt mỏi như nhiều năm trước.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151004/ve-tau-tet-tien-trao-chao-khong-muc/979471.html

Theo Đức Phú/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm