Vé số bán ế vẫn giành giật đại lý phát hành
Hiện nay, các công ty xổ số kiến thiết đang cạnh tranh thiếu lành mạnh gây tốn kém chi phí kinh doanh, lãng phí ngân sách và nguồn lực của người dân.
Trích hoa hồng vượt khung để giành giật đại lý, chi tiền mạnh tay thuê văn phòng, cơ sở đại diện ở tỉnh, thành khác để phát hành vé… là những cách thức thiếu lành mạnh mà các công ty xổ số kiến thiết (XSKT) đang thực hiện.
Chi vượt khung quy định
Tại miền Trung và miền Nam hiện nay, đối với xổ số truyền thống, mỗi tỉnh sẽ luân phiên quay số một ngày trong tuần (trừ Đà Nẵng và TP.HCM mở 2 ngày/tuần). Vì theo mô hình không liên kết như miền Bắc, nên các công ty XSKT miền Trung và miền Nam phải mở nhiều văn phòng, đại lý ở các tỉnh khác gây tốn kém chi phí. Đặc biệt, họ trả hoa hồng cao để giành giật các đại lý phát hành vé cho mình. Thậm chí, không ít công ty còn xé rào quy định được chi tối đa 15% trên tổng doanh số phát hành, gây bức xúc cho các công ty khác.
Thực tế này đang khiến số lượng vé bán ra của công ty XSKT Khánh Hòa ngày càng ít đi vì bị nhiều đối thủ đến từ tỉnh khác giành mất thị phần. Việc này đã khiến Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa phải gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh lại cơ chế tổ chức phát hành và tiêu thụ vé xổ số theo địa bàn, địa giới hành chính tỉnh. UBND tỉnh Khánh Hòa phàn nàn hiện trên địa bản tỉnh có một số công ty tổ chức phát hành vé số đến đại lý cấp 2, không có hợp đồng tiêu thụ, không cần thế chấp.
Đặc biệt có hiện tượng chi hoa hồng cho đại lý vượt quá mức quy định cho phép từ 2 - 5%, làm cho hệ thống đại lý mâu thuẫn, xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh XSKT trên địa bàn tỉnh. Doanh thu của Khánh Hòa ngày càng giảm, có bộ vé phát hành nhưng không tiêu thụ được, phải lập hội đồng thanh hủy, gây lãng phí. Nhiều đại lý đã từ chối nhận vé số của công ty XSKT Khánh Hòa do mức chi hoa hồng của công ty này chỉ bằng mức quy định của Bộ Tài chính, thấp hơn so với các công ty khác.
Theo một nhà chuyên môn trong lĩnh vực này ở Ninh Thuận, doanh số phát hành của các công ty XSKT hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào các đại lý vé số. Vì thế, họ xé rào quy định chi hoa hồng tối đa là 15% doanh số bằng cách biến tấu thành các khoản chi thưởng, tặng quà hoặc cụ thể hóa bằng các chứng từ mua hàng, chi phí tiếp khách để qua mặt kiểm toán nhà nước.
Ngoài ra, theo quy định, các đại lý vé số nợ tiền thanh toán bán vé không vượt quá 2 kỳ phát hành, nhưng thực tế thì nhiều đại lý đã chiếm dụng nguồn vốn này lên đến hàng tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên XSKT Ninh Thuận đầu năm 2012, số nợ phải thu của các đại lý gần 2,4 tỷ đồng và cuối năm 2012, số nợ này hơn 6,3 tỷ đồng.
Nhiều công ty còn chấp nhận cho các đại lý nợ tiền thanh toán nhiều kỳ, kéo dài. Ông M, một đại lý tại TP.HCM, cho biết: “Theo quy định thì các đại lý chỉ được thiếu tiền vé số 2 kỳ, nhưng các công ty XSKT ở tỉnh muốn bán được ở TP.HCM phải chấp nhận cho thiếu đến 9 kỳ, có đại lý nhận phân phối cả trăm cây vé số trị giá gần 60 tỷ/kỳ...”.
Quá nhiều công ty XSKT dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh hiện nay. |
Biết ế vẫn phải in nhiều
Dù biết ế nhưng các công ty XSKT vẫn cố chịu đấm ăn xôi, phát hành thật nhiều, dẫn tới phải đua nhau giành đại lý. Một cán bộ xổ số Quảng Nam thẳng thắn nói: “Bất cập ở chỗ, cho in tối đa là 2 triệu vé nhưng không ai in dưới 2 triệu hết. Mặc dù biết tỷ lệ tiêu thụ thấp nhưng công ty nào cũng duy trì con số 2 triệu vé/kỳ phát hành để cạnh tranh nhau, để người mua chú ý chọn mua”.
Cũng theo cán bộ này, để cạnh tranh nhiều công ty tỉnh bạn nhảy vào Quảng Nam giành giật đại lý bằng nhiều chiêu trò, kể cả trang bị áo mưa, túi xách cho đại lý. Mặc dù đây là khoản chi phí nhỏ nhưng nếu tỉnh A làm thì tỉnh B cũng phải làm nếu không muốn vé số bị ế. Bởi đó là “yêu sách” của đại lý cấp 1, nếu các công ty XSKT không trang bị sẽ rất khó bán vé ở các tỉnh khác.
Trao đổi với phóng viên báo chí, một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực tài chính cho rằng: các công ty XSKT tỉnh nào thuộc tỉnh đó quản lý, nhưng tựu trung vẫn thuộc nhà nước. Việc giành giật đại lý, cạnh tranh thiếu lành mạnh không những gây hỗn loạn, xáo trộn thị trường, còn gây lãng phí nguồn ngân sách, lãng phí khoản tiền người dân đóng góp. “Triệu người chơi may ra có một người trúng, mua xổ số là để làm từ thiện, góp phần kiến thiết đất nước. Kinh doanh xổ số phải nhìn vào mục tiêu đó để tiết giảm chi phí, tăng nguồn thu chứ không thể cạnh tranh bừa bãi, chi vô tội vạ như vậy được” - chuyên gia này nói.
Tổng thư ký hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, Nguyễn Hoàng Hải một lần nữa cũng tỏ ra bức xúc khi biết tình trạng này xảy ra. “Nhà nước phải thống nhất tập trung như nào chứ như vậy thì lãng phí quá. Chẳng lẽ người ta cứ thu được nhiều, có lãi rồi thì muốn chi gì thì chi” - ông Hải thẳng thắn chia sẻ.
Theo ông Trần Phùng, Giám đốc công ty XSKT Quảng Ngãi: Kinh doanh theo mô hình thị trường cạnh tranh có hiệu quả hơn so với mô hình liên kết nhưng các công ty SXKT cũng “bở hơi tai” trong việc đẩy mạnh lượng vé tiêu thụ, bởi thị trường vé số gần như bão hòa. Chẳng hạn như Quảng Ngãi, dù đã cố gắng hết sức nhưng cũng đành bỏ trắng thị trường các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Nông và Bình Định. Do vậy, trong 3 năm qua, lượng vé số phát hành ở công ty XSKT Quảng Ngãi khá lớn nhưng tỷ lệ tiêu thụ cũng chỉ đạt từ 25,64 - 31,48%. Bà Lê Thị Bích Thu, Phó giám đốc công ty XSKT Phú Yên đưa ra ý kiến: Nếu tính tổng doanh thu trong một ngày thì mô hình thị trường cao hơn mô hình liên kết, bởi nó có sự cạnh tranh lẫn nhau nên tạo ra sự hấp dẫn với khách hàng hơn. Cùng một thời điểm, trên thị trường một tỉnh phát hành ra 14 loại vé, khách hàng có quyền lựa chọn một hoặc nhiều loại vé để mua. Do tính cạnh tranh nên đòi hỏi từ người quản lý đến nhân viên đều phải năng động, linh hoạt hơn trong phát hành. Tuy nhiên, mô hình thị trường chi phí nhiều hơn, rủi ro cao hơn. |
Theo Thanh Niên