Báo cáo tại Hội nghị, Sở Du lịch TP.HCM cho biết lượng du khách đến TP bằng đường hàng không tháng 2 giảm 28,35% so với tháng 1 và giảm 22,72% so với cùng kỳ. Lượng khách tham quan các địa điểm du lịch giảm 30-40%.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách tham quan các địa điểm du lịch tại TP.HCM giảm 30-40%. Ảnh: Chí Hùng. |
Đồng thời, nỗi lo về dịch bệnh cũng khiến tình trạng hủy tour, hủy phòng, hủy dịch vụ... tăng lên. Ước tính trong tháng 2 và quý I/2020, doanh thu các doanh nghiệp lữ hành giảm 40-60%, riêng các doanh nghiệp chuyên thị trường Trung Quốc giảm 70-80%. Điều này cũng khiến hàng loạt công ty cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương.
Đối với các khách sạn 3-5 sao, công suất bán phòng giảm 40-50% so với cùng kỳ năm 2019, khiến tổng doanh thu giảm 60-70%, nhân sự phải cắt giảm 30%. Lượng khách tại một số nhà hàng lớn trên địa bàn cũng giảm 30-50%, riêng nhà hàng Hoa giảm 70%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Cường - Trưởng phòng phát triển bán và tiếp thị của Vietnam Airlines, nhu cầu đến Việt Nam của du khách Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Trong khi đó, các thị trường châu Âu, Australia và Nhật Bản tỏ ra rất quan tâm đến giải đua F1 dự kiến tổ chức vào tháng 4.
Đây sẽ là những cơ hội tốt mà ngành du lịch cần tận dụng để nhanh chóng phục hồi tăng trưởng.
Giảm giá sâu nhiều dịch vụ, truyền thông về điểm đến an toàn
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết đến sáng 20/2, đã có 40 doanh nghiệp lữ hành cam kết tham gia chương trình kích cầu du lịch. Dự kiến ngày 21/2 bắt đầu tung ra các chương trình ưu đãi.
"Các hãng hàng không đã giảm giá đến 50%, còn nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng thực hiện giảm 30-40%. Ngay sau khi hết dịch, chúng tôi đảm bảo sẵn sàng giới thiệu cho du khách nhiều tour thú vị với mức giá cạnh tranh", bà nói.
Đơn cử như Công ty CP Du lịch Hòa Bình hiện giảm khoảng 35% giá tàu biển (330.000 đồng giảm còn 250.000 đồng/vé) và khoảng 40% giá xe charter. Giá phòng khách sạn 4 sao đang được khai thác cũng chỉ còn 800.000 đồng/đêm.
Đồ họa: Hồng Khang. |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó tổng giám đốc Vietjet nêu quan điểm, chừng nào còn thông tin tiêu cực về điểm đến Việt Nam thì dù các doanh nghiệp và nhà nước thực hiện kích cầu bao nhiêu, du khách cũng không tìm đến.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Du lịch đang xây dựng chương trình truyền thông rộng rãi nhằm khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn. Dự kiến, thông điệp sẽ được truyền tải thông qua tờ báo uy tín CNN, màn hình lớn ở các TP tiềm năng như Seoul và mạng xã hội phổ biến của người dân Trung Quốc...
Mặc dù vậy, ông Võ Anh Tài - Phó tổng giám đốc Công ty Saigontourist cho rằng, trước khi chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy Việt Nam an toàn, thì bản thân công dân Việt Nam phải tin và thể hiện được điều đó.
Trong đó, việc kéo dài thời gian nghỉ của học sinh như hiện nay được cho là bất cập, tác động đến cao điểm mùa hè của ngành du lịch nói riêng và nhìn nhận của du khách về thông điệp an toàn của người Việt.
Quan điểm này được nhiều doanh nghiệp trong ngành ủng hộ và kiến nghị Tổng cục Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để có phương án phù hợp.
Ưu đãi về thuế và tín dụng cho doanh nghiệp ngành du lịch
Để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp trong bối cảnh này, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất Tổng cục Du lịch có một số ý kiến đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan chính sách thuế, tài chính - tín dụng, visa...
Trong đó, Sở mong muốn Nhà nước giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp các loại thuế đến quý III hoặc IV/2020, đồng thời miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trên cơ sở thiệt hại.
Bên cạnh đó, Sở đề xuất giãn thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp, giảm lãi suất vay đối với các dự án đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian gần.
Đặc biệt, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị mở rộng đối tượng được miễn thị thực cho các thị trường Australia, New Zealand, Ấn Độ, Canada... và có chính sách miễn lệ phí visa, cấp visa điện tử, tại cửa khẩu cho các thị trường trọng điểm, có tiềm năng với mức chi tiêu cao.
Sở Du lịch TP.HCM đề xuất ưu đãi thuế và tài chính - tín dụng cho doanh nghiệp du lịch và mở rộng đối tượng miễn thị thực. Ảnh: Liêu Lãm. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết chưa thể dự báo chắc chắn về thời gian phục hồi của thị trường du lịch, bởi còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19.
Trong khi đó, ông Trần Văn Long - Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Việt cùng một số doanh nghiệp lớn khác lại cho rằng, dù kiểm soát tốt thì dư âm tác động của dịch bệnh đến ngành du lịch vẫn rất lớn.
"Dự kiến sớm nhất là đến tháng 9, hoặc cuối năm nay mới dần phục hồi, và các doanh nghiệp nếu không có sự chuẩn bị tốt sẽ dễ điêu đứng cho đến hết năm 2021", ông Trần Văn Long nói với Zing.vn.
Theo ông Hà Văn Siêu, ngay từ đầu tháng 3, ngành du lịch sẽ triển khai sớm các giải pháp kích cầu du lịch nội địa. Từ tháng 4, tận dụng sự kiện giải đua xe F1 với hàng chục nghìn lượt khách và báo chí quốc tế, các chương trình thu hút du khách nước ngoài sẽ được đẩy mạnh.
Thông qua việc khảo sát từng phân khúc thị trường ở các địa bàn trọng điểm trên cả nước, ông chia sẻ sẽ sớm hoàn thiện chương trình kích cầu, truyền thông chung toàn ngành.
Đồng thời, ngành du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội... cùng các hiệp hội, doanh nghiệp để tối ưu hóa các giải pháp phục hồi và thúc đẩy, trên cơ sở giữ nguyên các mục tiêu đề ra về du lịch năm 2020.