Thế giới
Vẻ đẹp và định kiến người bạch tạng qua ống kính nhiếp ảnh gia Nigeria
- Thứ sáu, 14/6/2019 11:45 (GMT+7)
- 11:45 14/6/2019
Bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Yetunde Ayeni-Babaeko được thực hiện để những người mắc chứng bạch tạng thể hiện vẻ đẹp thật sự của họ cũng như những định kiến mà họ phải đối mặt.
|
Để kỷ niệm Ngày Nhận thức về bệnh bạch tạng thế giới (13/6), nhiếp ảnh gia người Nigeria Yetunde Ayeni-Babaeko đã trưng bày bộ ảnh ghi lại vẻ đẹp của những người mắc chứng bạch tạng. Nhiếp ảnh gia sống ở thành phố Lagos (Nigeria) cho biết cô tạo ra những bức ảnh để thách thức những định kiến về bệnh bạch tạng.
|
|
Taiwo Olateju (trái) chụp ảnh với anh trai sinh đôi của mình, Kehinde, người không mắc chứng bạch tạng. Olateju, 27 tuổi, từng có ý định tự tử vì màu da của mình. Tóc, da và mắt của anh ta thiếu melanin, sắc tố tạo màu cho da và giúp bảo vệ chúng khỏi bị hư hại bởi tia cực tím từ mặt trời. Anh là người bạch tạng duy nhất trong gia đình. "Trong một thời gian dài, tôi cảm thấy cô đơn trên thế giới này", anh nói với CNN.
|
|
Taiwo Olateju (phải) và người mẫu Busayo Durojaiye thể hiện chủ đề tẩy trắng da và sự mỉa mai khi nói về bệnh bạch tạng. Những người có làn da hoàn toàn khỏe mạnh sẵn sàng giảm mạnh mức độ melanin trong cơ thể (để trắng hơn), trong khi những người mắc bệnh bạch tạng mong muốn điều ngược lại.
|
|
Efemena Ewhero được chụp ảnh trong bóng tối để mô tả việc những người mắc bệnh bạch tạng thường tự hỏi tại sao mọi người đánh giá sai họ dựa trên làn da của họ. Những người mắc bệnh bạch tạng thường có tóc và da màu vàng hoặc trắng, tùy thuộc vào lượng melanin mà cơ thể họ sản xuất. Đó là một tình trạng di truyền dẫn đến ít hoặc không có sắc tố trong mắt, da và tóc. Nhiều người bị bắt nạt và phân biệt đối xử vì khác biệt này.
|
|
Kofoworola Komolafe bước vào studio của nhiếp ảnh gia với bộ tóc giả màu đen mà sau đó cô đã cởi ra. Tại đây, cô thể hiện làn da và mái tóc vàng cắt sát da dầu của mình mà không phải e ngại. Có nhiều định kiến nguy hiểm liên quan đến những người mắc bệnh bạch tạng. Ở nhiều vùng của châu Phi, một số người tin rằng người bạch tạng sở hữu sức mạnh ma thuật và tay chân của họ có thể mang lại may mắn.
|
|
Grace Adeoshun (trái) làm việc với tổ chức Albino ở Lagos và đã hỗ trợ rất nhiều cho những người bạch tạng. Tại đây, cô được chụp hình với người mẹ da màu và những đứa con xinh đẹp của cô để thể hiện sự hỗ trợ và gắn kết. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, những người mắc bệnh bạch tạng ở các quốc gia như Malawi và Tanzania có thể bị bắt cóc và bị chặt đứt các bộ phận cơ thể để đem bán với mức giá lên tới 75.000 USD.
|
|
Majeed và Mariam Onasanya mới cưới. Bức ảnh mô tả một khoảnh khắc thân mật của họ. Nhiếp ảnh gia Ayeni-Babaeko đã dành hơn một năm làm việc các thành viên của Quỹ Albino. "Họ là những người rất mạnh mẽ và đã học được cách sống với sự phân biệt đối xử. Là một nhiếp ảnh gia, tôi muốn làm điều gì đó khác biệt, để thể hiện một khía cạnh khác của những người mắc chứng bạch tạng", cô nói.
|
|
Những người mắc bệnh bạch tạng thường gặp các vấn đề về mắt. Trong ảnh, Efemena Ewhero dùng tay che kín mắt, cho thấy nỗ lực của người bạch tạng để khiến người khác thoải mái khi nói chuyện với họ. Olateju cho biết rất nhiều người mắc bệnh bạch tạng cần được hỗ trợ để không cảm thấy cô đơn. "Điều duy nhất ngăn tôi tự tử trong những ngày đen tối là tình yêu tôi có được từ gia đình. Trường học và thế giới bên ngoài thật khó khăn, vì vậy, một gia đình thấu hiểu rất có ý nghĩa với tôi", anh nói.
|
ảnh chụp người bạch tạng
Anh
Liên Hợp Quốc
bệnh bạch tạng
ngày quốc tế bạch tạng
người mắc bệnh bạch tạng
rối loạn sắc tố da