Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vẻ đẹp của Sa Pa

Thành phố Sa Pa đang bị khai thác du lịch nhiều, tuy nhiên, phong cảnh rừng núi hiện ra như tranh, như những shoot hình trong một bộ phim tuyệt mỹ.

Phải nói rằng, tôi khá thất vọng về Sa Pa ngày nay. Đã vài lần đến Sa Pa cách nay khá lâu, trong trí nhớ của tôi, Sa Pa là một phố núi dưới chân dãy Hoàng Liên, bình yên và duyên dáng trong hoang dã.

Sa Pa ngày nay

Đó là nơi tôi đã có những ngày đáng nhớ khi lang thang trên những con đường đầy sương mù, ngồi trên bậc thềm ngôi nhà thờ cổ màu trắng trong những đêm chợ tình khi xưa.

Sa Pa ngày ấy có những dãy phố nhỏ bán thổ cẩm màu chàm, các loại thảo mộc sấy khô mang mùi của rừng và một khu chợ đầy màu sắc. Cái lạnh luôn lẩn khuất đâu đó trong mây, trong phố, trên đôi má hồng đào của những em bé và thiếu nữ dân tộc.

Cái trí nhớ ấy nay đã lạc hậu quá đỗi trước một Sa Pa đầy “cong cớn”. Nhà cửa nhấp nhô, không phải vì đồi núi, mà vì muốn lấn át đồi núi.

Con dốc xuống bản Cát cát xưa kia rộng và thơ mộng là thế, giờ đây chật chội và biến thành một “bản Lác” thứ hai với đầy cửa hàng bày những món đồ giống nhau như bất kỳ thành phố du lịch nào ở Việt Nam.

Trung tâm thành phố là một đại công trường nhan nhản khách sạn và nhà hàng giống nhau cung cấp những dịch vụ cũng giống nhau nốt, với giá đắt ngang với các đô thị lớn. Từng tầng nhà chồng lên nhau, từng tầng bê tông chồng lên núi.

Bản sắc ư? Biến mất rồi! Bản sắc đã một đi không trở lại trước làn sóng phát triển du lịch ồ ạt, thiếu kiểm soát, khai thác triệt để thiên nhiên và quá thiếu vắng sự tái đầu tư cho thiên nhiên.

Tả Phìn buôn bán ì xèo, thác Bạc nước thì ít mà khách thì đầy. Nhưng buồn nhất là sự “thích ứng” với xã hội văn minh và làn sóng du lịch của những người dân tộc nơi đây.

Chụp ảnh xin tiền, mà không chụp cũng xin tiền. Cho ít thì nài nỉ, mà không cho thì la lối. Mặt trái của du lịch đã “lan tỏa” tới từng ngóc ngách thôn bản trên con đường tôi đi. Sa Pa vẫn đẹp lắm trong mắt tôi, nhưng không phải là Sa Pa - thành phố - điểm đến của du lịch. Mà là những cung đường rời xa Sa Pa.

Sa Pa mua nuoc do anh 1

Sa Pa mùa xuân. Ảnh: Vũ Minh Quân.

Vẻ đẹp của núi rừng

Sau bữa sáng tại quán Phở Tùng đông nghẹt khách, tôi rời Sa Pa lên đường đi Ô Quý Hồ, nối liền Lào Cai và Lai Châu, một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc, có chiều dài lên tới gần 50 km dài hơn cả đèo Pha Đin (Sơn La) hay đèo Khau Phạ (Yên Bái).

Người ta còn gọi đèo này là đèo Mây, do trên đỉnh đèo quanh năm có mây che phủ. Đèo Ô Quý Hồ chạy men sườn dãy Hoàng Liên Sơn, nơi được coi là con đường cao nhất Việt Nam với đỉnh đèo hơn 2.000 m.

Phong cảnh thật hùng vĩ với mây, núi và những cánh rừng hai bên đường hun hút theo tầm mắt. Nhưng đoạn đường gần 70 km tiếp sau khi thăm đèo Mây, xuyên qua những địa danh mang tên Tả Giàng Phình, Bản Sèo, Mường Hum và Dền Thàng, mới thực sự gây ấn tượng rất mạnh với tôi.

Không thể tả hết được vẻ đẹp bao la, hùng vĩ của rừng núi Tây Bắc cùng những sắc thái vô cùng đa dạng của những ruộng bậc thang. Vào tháng 5 và tháng 6 hàng năm, khi mùa mưa bắt đầu, là lúc người dân tộc dẫn nước từ trên núi vào những thửa ruộng bậc thang trên sườn núi, sườn đồi hay trong các thung lũng. Và đó cũng là “mùa nước đổ” nổi tiếng của vùng Tây Bắc.

Nơi đây chỉ có thể trồng lúa một vụ trong năm, gieo và cấy vào tháng 5, tháng 6 và gặt vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Con đường uốn lượn, lúc cao, khi thấp theo triền núi, khiến tầm nhìn luôn thay đổi, uyển chuyển theo những đường cong tuyệt mỹ của bờ ruộng.

Ruộng nước xen ruộng mạ. Ruộng mạ xen ruộng lúa đang lên đòng. Ruộng trắng xen ruộng xanh ruộng vàng. Không thể hình dung rằng có những đường cong “khả ái” và lả lướt đến vậy trên những bờ đất vốn dĩ khô cứng.

Cảnh trí hiện ra như tranh, như những shoot hình trong một bộ phim tuyệt mỹ, cứ nối dài, dài mãi. Những thửa ruộng lấp lánh nước, lúc thì như những cánh bướm nhảy nhót dưới nắng mai, lúc lại mang dáng hình của đuôi công yêu kiều, vẫy gọi.

Đặc biệt nhất vẫn là những thửa ruộng hình tròn nằm chót vót trên đỉnh đồi hay những thửa ruộng hình bán nguyệt từ trên cao đổ dần xuống một thung lũng hay một con sông, con suối.

Ánh nắng chiếu xuống mặt nước, khiến những thửa ruộng mang những sắc thái kỳ ảo, khi thì trong suốt màu của nước, lúc thì mang màu trắng của mây, lúc lại là màu vàng hay nâu đỏ của đất.

Ấn tượng nhất là những ruộng nước đổ mang màu xanh thiên thanh của bầu trời hay sắc chàm trầm lắng của núi rừng và những thửa ruộng nửa nước, nửa khô, màu trắng lấp lánh xen lẫn màu nâu đỏ.

Nhìn từ xa, những dãy ruộng ấy như những họa tiết thêu trên khăn áo của những tộc người nơi đây. Những bậc thang nhiều màu sắc ấy trải rộng trong không gian bao la của núi rừng, khiến con người thấy mình thật bé nhỏ.

Trên cung đường này có nhiều dân tộc sinh sống như H’Mông, Dao Đỏ, Dáy, Hà Nhì... Những ngôi nhà gỗ đơn sơ, những chòi lá, hoặc nép mình dưới rặng trúc vàng mềm mại, hoặc đơn côi trên những quả đồi có ruộng bậc thang.

Những đàn trâu, bò, những người đàn ông, đàn bà đang gieo cấy lúa trên đồng, lũ trẻ đi chăn trâu, túp lều bán trái cây ven đường. Tất cả như những vệt màu cuối cùng, nhấn nhá vào bức tranh vốn đã toàn bích của thiên nhiên.

Cuộc sống của họ còn quá nghèo khó và nhọc nhằn. Nhưng trong khuôn hình máy ảnh của tôi, vẫn là sự bình yên và hài lòng trên những gương mặt ấy.

Có thể cảm nhận của tôi chưa hẳn đúng lắm, nhưng ở họ có một điểm chung dễ dàng nhận thấy: Họ có thần thái của thiên nhiên, thứ mà người thành phố không bao giờ có được!

Lữ khách Việt kể chuyện chu du ở xứ sở ‘Nghìn lẻ một đêm’

Tập du ký "Vàng son một thuở Ba Tư" của tác giả Nguyễn Chí Linh kể lại hành trình hai lần đến Iran theo cách thức khác nhau từ tiếng gọi của trái tim.

Trần Thùy Linh / NXB Văn học liên kết công ty Sống

SÁCH HAY