Chủ nhà Philippines đã tận dụng tốt những lợi thế của mình để giành cả HCV và HCB tại nội dung marathon nữ sáng 6/12. Đây cũng là nội dung thi đấu mở đầu chương trình điền kinh, môn thể thao cơ bản quan trọng nhất của đại hội. Thời gian của người về nhất Christine Hallasgo là 2 giờ 56 phút 56 giây. |
Sau khi về đích, Christine Hallasgo gục xuống đường chạy vì mệt mỏi và nôn khan. Marathon là nội dung khốc liệt nhất trong chương trình thi đấu điền kinh, thử thách sức chịu đựng và giới hạn của các VĐV. |
VĐV về nhì là Mary Joy Tabal của Philippines. Cô gục xuống vì kiệt sức, phải rời sân trên cáng và được chăm sóc y tế đặc biệt. |
Phạm Thị Hồng Lệ của Việt Nam về thứ ba tại nội dung này. Trước đó, VĐV Naibaho Elvina của Indonesia là người dẫn đầu trong phần lớn chặng đua. Khi cách đích 1 km, cô vẫn duy trì khoảng cách lớn với các đối thủ. Tuy nhiên, một sự cố chưa rõ nguyên nhân khiến Elvina “mất tích”. Khi các VĐV đã về đích hết, ban huấn luyện tuyển điền kinh Indonesia còn phải nháo nhào đi tìm VĐV của mình. Sự cố của Elvina đã tạo điều kiện cho Hồng Lệ vươn lên một bậc, giành HCĐ. |
Đây là thành tích đáng khen của Hồng Lệ. Thời gian của Lệ là 3 giờ 2 phút 52 giây. HCĐ của cô là thành tích mở hàng cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 30. |
Việt Nam không có VĐV tranh tài ở hạng mục marathon dành cho nam. Chủ nhà Philippines cũng không có huy chương ở nội dung này khi Indonesia, Thái Lan và Malaysia lần lượt giành chiến thắng. |
Hồng Lệ bật khóc nức nở trên bục nhận huy chương. HCĐ lần này là thành tích đầu tiên của cô gái sinh năm 1998 ở đấu trường SEA Games. Cô sẽ còn tham gia thêm một nội dung 10.000 m. |
Philippines và Indonesia tạm thời dẫn đầu bảng tổng sắp môn điền kinh với mỗi nước một HCV. Năm nay, chủ nhà Philippines đặt mục tiêu rất cao và muốn giành khoảng 10 HCV điền kinh. |
Về phần Việt Nam, mục tiêu của chúng ta là bảo vệ vị trí nhất chung cuộc ở môn thể thao quan trọng này. Tại SEA Games lần trước, điền kinh Việt Nam có 17 HCV, bỏ xa đoàn thứ nhì Thái Lan chỉ có 9 HCV. |