Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VĐV chạy xuyên lục địa phải đeo khẩu trang khi tới VN

Với 20 triệu bước chân từ cực Bắc đến cực Nam thế giới, cựu nghị sĩ Australia Pat Farmer được xem là nhà vô địch của các nhà vô địch marathon (siêu ma-ra-tông).

VĐV chạy xuyên lục địa phải đeo khẩu trang khi tới VN

Với 20 triệu bước chân từ cực Bắc đến cực Nam thế giới, cựu nghị sĩ Australia Pat Farmer được xem là nhà vô địch của các nhà vô địch marathon (siêu ma-ra-tông).

Trong hành trình "Nối liền một dải Việt Nam", VĐV siêu marathon này đã kể về cuộc sống của mình và những trải nghiệm trên đường chạy xuyên qua mọi châu lục.

Tại Việt Nam, Pat Farmer được chào đón nồng nhiệt ở những nơi ông đi qua.

Hồi tháng 1/2012, cựu nghị sĩ Pat Farmer của nước Úc đã hoàn thành một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Ông đã tới Nam Cực sau một cuộc chạy dài nhất và có thể nói là nguy hiểm nhất từng được thực hiện - một chiến thắng về thể chất và tinh thần, đặt ông đứng cạnh những nhà thám hiểm vĩ đại nhất của thế giới - Sir Edmund Hillary, Robert Falcon Scott và Thor Heyerdahl. Hoàn thành chuyến chạy bộ 21.000 km từ Cực Bắc đến Cực Nam của Trái đất trong vòng 10 tháng 13 ngày, cựu nghị sĩ Pat Farmer đã khiến hàng triệu người trên thế giới ngạc nhiên đến khâm phục.

Trước đó, vận động viên siêu marathon này đã tham dự vô số giải siêu marathon cấp quốc gia và quốc tế (thường là vì công tác từ thiện) và đoạt nhiều kỷ lục như: Kỷ lục thế giới về chạy vùng nhiệt đới dài nhất: 6.307 km trong 83 ngày vào năm 1999; Kỷ lục thế giới về chạy 10.000 km trong 129 ngày năm 1999; Kỷ lục thế giới về chạy băng qua sa mạc Simpson trong 129 ngày năm 1996 và 1998…. Ngoài ra, Pat Farmer còn là cá nhân đầu tiên chạy 24 giờ theo chiều thẳng đứng, trèo lên và xuống tháp AMP ở Sydney, Úc (tương đương chạy lên đỉnh Everest) vào năm 1998 và lặp lại vào năm 2006.

Từ cái lạnh giá ở hai đầu trái đất....

"Thế giới quanh ta đâu quá rộng lớn!"

- Là người đầu tiên trên thế giới chạy bộ từ Bắc Cực đến Nam Cực, ông hẳn rất tự hào với chiến công vượt giới hạn con người của mình?

- Trước khi dấn thân vào cuộc phiêu lưu kể trên, tôi đã là một VĐV marathon rồi siêu marathon chuyên nghiệp. Tôi thi đấu không phải vì giành giật thành tích mà chủ yếu làm từ thiện, như cuộc đua vòng quanh Australia dài 14.600 cây số. Tôi cũng từng có gia đình êm ấm và công việc ổn định trong Quốc hội Liên bang Australia và là thư ký Quốc hội cho Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Đào tạo. Tuy nhiên, cú sốc người vợ Lisa thân yêu đột ngộ ra đi vì căn bệnh tim khiến tôi không khỏi mất phương hướng.

Công việc nghị trường sau 10 năm cũng không có sự thay đổi khiến tôi càng thất vọng hơn. Tôi quyết định đi du lịch cùng hai đứa con nhiều hơn và trên đường đi qua Thái Lan, Ấn Độ, Ai Cập, Peru.. tôi thấy tình cảnh người dân, trẻ em nơi đây quá khó khăn. Mỗi năm có đến 2 triệu người thiếu nước sạch dẫn đến tử vong. Và thế là tôi nảy ra ý định chạy xuyên từ Bắc Cực đến Nam Cực từ lúc ấy, để kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân ở các nước nghèo có được nước sạch.

đến những vùng đồng cỏ, sa mạc châu Phi... Pat Farmer đã có những trải nghiệm thú vị.

- Hành trình 20 triệu bước chân qua 10 tháng, 13 ngày liên tục quả là kỳ tích vĩ đại?

- Trước nay có ý nghĩ rằng trái đất của chúng ta vô cùng rộng lớn và bao la. Nhưng qua bước chạy của tôi, xuyên suốt từ Bắc Cực của vùng Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ rồi điểm cuối cùng là Nam Cực cũng chỉ có hơn 10 tháng. Đó không phải là con số quá lớn nếu so với suy nghĩ của chúng ta và chứng minh thế giới này cũng rất nhỏ bé. Một tác động của cá nhân đơn lẻ cũng có thể ảnh hưởng xấu đến trái đất và ngược lại.

Thực sự khi hành trình này diễn ra, không một ai tin tôi thành công, bởi nó quá khắc nghiệt, gian nan. Tôi phải trải qua những vùng đất cực lạnh với băng tuyết trắng xóa, rồi đến những sa mạc nóng đến chảy mỡ. Hãi hùng nhất là qua vùng Trung Mỹ với những băng cướp có vũ trang, buôn bán ma túy... Bất cứ nơi đâu, cái chết và sự nguy hiểm cũng rình rập trên đường chạy, nhưng tôi đã vượt qua nó bằng sự cố gắng, vượt qua thử thách.

- Đâu là niềm vui và thách thức lớn nhất trên đường chạy đối với ông?

- Có rất nhiều thứ đáng sợ như thời tiết, khí hậu và chính cả sức chịu đựng của cá nhân tôi. Các bạn tính thử đi, ngày nào tôi cũng trải qua 70-80 cây số vắt sức mình trên đường chạy chứ không có ngày nghỉ. Cả cơ thể luôn vận động hết công suất chứ không được nghỉ ngơi. Có khi tôi cũng nghĩ đến việc dừng lại, trở lại với gia đình, người thân ở quê nhà, thay vì cảnh hành xác như thế này. Nhưng rồi một luồng ý thức khác thôi thúc tôi tiếp tục vượt qua từng ngày một.

Pat Farmer phải liên tục tiếp nước và đeo khẩu trang khi chạy tới miền Trung.

Trên đường chạy, tôi được trải nghiệm nhiều cảm giác, cảm xúc mà không phải ai cũng có được. Đó là sự hùng vĩ của những cao nguyên băng vĩnh cửu, những rừng rậm nguyên thủy ở Amazon (Brazil), những sa mạc cằn khô ở nước Mỹ, rồi những bờ biển tuyệt đẹp ở Caribean.

- Vậy còn bí quyết ăn uống, nghỉ ngơi của ông ra sao để có thể lực tốt như vậy trên đường chạy?

- Tôi có lịch trình khoa học từ việc tiếp nước, đồ ăn... trong mỗi hành trình chạy gần như không sai một phút để đảm bảo trạng thái tốt nhất, tránh bị bào mòn quá sức chịu đựng trên đường chạy. Tôi ăn chạy, uống chạy và cả đi vệ sinh cũng thế. Nó biến tôi thành một cỗ máy thời gian vô cùng chính xác (cười).

- Đâu là những chuyện vui nhất của ông trên đường đi?

- Tôi có rất nhiều câu chuyện vui buồn quanh hành trình "siêu" marathon. Nào là việc được nhóm cảnh sát Mexico đưa đón với vũ khí tận răng qua vùng biên giới nước Mỹ, nơi giao tranh quyết liệt giữa các nhóm buôn bán ma túy. Có lúc, tôi lạnh người khi nhìn thấy một bộ xương nằm ngay cạnh đường cao tốc nối liền nước Mỹ - Mexico. Hay chuyện đi tiểu tiện ra sao ở vùng Bắc Cực, Nam Cực, vốn có cái lạnh khủng khiếp cũng là chuyện để đời. Qua những trải nghiệm ấy, tôi thấy mình có cuộc sống thật sự đáng sống trong đời.

 

"Tôi thực sự sợ khí hậu ở Việt Nam"

- Trải qua gần một tháng đi xuyên Việt Nam, cảm giác của ông ra sao về con người, thiên nhiên và văn hóa của chúng tôi?

- Trước khi sang đây, tôi biết Việt Nam là đất nước đa dạng về văn hóa, ẩm thực, một đất nước đang phát triển ở Đông Nam Á. Tôi bắt đầu chạy ở địa phận Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và phải nói rằng khung cảnh thiên nhiên của các bạn rất đẹp. Có nhiều người dân, từ cụ già đến trẻ em, đã cùng tôi chạy bộ trong những ngày qua. Dù chỉ vài mét đến cả trăm cây số, nhưng tình cảm của họ giành cho tôi và nhóm đồng hành thực sự ấn tượng. Tôi khâm phục người bạn Mai Nguyễn Đình Huy đã cùng tôi song hành hơn 700 cây số tại Việt Nam bởi ý chí và sự nỗ lực đáng khen ngợi.

Đình Huy dính chấn thương và không thể hoàn thành hành trình chạy xuyên Việt.

Tôi từng chạy qua đất nước Kenya, nơi sản sinh những VĐV đường trường xuất sắc nhất thế giới, nhưng cũng chưa người nào cùng song hành với tôi quá 200 cây số cả. Vậy mà Đình Huy vốn là sinh viên người Việt đang học ở Australia, đã làm được điều nhiều VĐV chuyên nghiệp cũng chưa làm được, quả là đáng khen ngợi. Tiếc rằng do chấn thương, Đình Huy dừng lại từ ngày thứ 16, khi tôi từ Huế vào Đà Nẵng và lúc này tôi chỉ còn chạy một mình mà thôi.

- Điều gì khiến ông e ngại nhất khi chạy ở Việt Nam?

- Khí hậu ở đất nước các bạn quá khắc nghiệt. Nếu phương Bắc đang trong những ngày đông lạnh, thì càng vào trong nam khí hậu càng nóng ẩm hơn. Tôi gần như phải tiếp nước liên tục. Môi tôi nứt nẻ, người gầy đi rất nhiều so với hôm sang đây. Có lẽ khí hậu chính là thách thức lớn nhất và sau đó là vấn đề giao thông nữa. Đất nước các bạn có tình hình giao thông không tốt lắm, nhất là khi đi vào thành phố lớn sẽ rất khó khăn với người chạy bộ như tôi.

Ở nhiều nơi đã đặt chân tới, Pat Farmer không phải nhìn trước ngó sau khi vào nội thành như ở Việt Nam.

- Điều gì tự hào nhất khi ông thực hiện hành trình "Nối liền một dải Việt Nam" cho đến lúc này?

- Tôi hoàn thành hành trình này một phần để kỷ niệm 40 năm quan hệ bang giao giữa Australia và Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng đóng góp hành động kêu gọi các khoản tiền hỗ trợ nước sạch cho người dân nghèo ở Việt Nam. Một cốc nước sạch có thể không là gì cả, nhưng nó lại góp phần cứu sống nhiều con người, mang lại cuộc sống tốt hơn cho những người dân ở các huyện nghèo, khó khăn ở Việt Nam.

Điều quan trọng nhất, tôi muốn làm tấm gương cho cô con gái Brooke và con trai Dillon ở quê nhà Australia. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, con người phải nỗ lực sống tốt không chỉ cho bản thân mà cho người xung quanh. Tôi cũng thế thôi, muốn con cái tự hào về mình, dù không phải lúc nào cũng ở cạnh các con. Năm nay, tôi đưa Brooke và Dillon sang Việt Nam cùng đồng hành với tôi trong hành trình này. Nhìn ánh mắt tự hào các con nhìn về tôi khi tôi vượt qua những giới hạn của con người, tôi rất hãnh diện. Vợ tôi trên thiên đường chắc cũng rất tự hào dõi theo bước chạy của tôi vào lúc này.

Hai con của Pat Farmer cũng sang Việt Nam cùng cha lần này.


- Xin cảm ơn ông!

 

Hoài Sa

Theo Infonet

Hoài Sa

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm