Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm

Tuy tình trạng thiếu sòng phẳng về lãi suất gần như đã bị triệt tiêu, nhưng hàng loạt ngân hàng chỉ định người vay tiền mua nhà phải mua bảo hiểm như một điều kiện để cho vay.

“Anh đến bất cứ ngân hàng nào vay tiền để mua căn hộ đều được nhân viên yêu cầu phải mua bảo hiểm cho nhà ở, khi đó ngân hàng mới quyết định cho vay”, một cán bộ tín dụng mách nước.

Không mua không… giải ngân

Ngày 22/9, chúng tôi đến phòng giao dịch của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để tìm hiểu về điều kiện vay tiền mua căn hộ đã có sổ hồng. Nhân viên BIDV cho biết, khách hàng muốn vay tiền phải mua sản phẩm bảo hiểm nhà của BIC Bình An, do ngân hàng chỉ định.

“Mức phí bao nhiêu, bên vay mua suốt thời hạn vay hay sao?”, chúng tôi hỏi, nhân viên BIDV thông báo: “Với số tiền vay 500 triệu đồng, phí bảo hiểm là 1,5 triệu đồng, tương đương 0,3% và bên vay chỉ mua một lần”.

Tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), chúng tôi cũng được nhân viên thông báo, khách hàng có thể vay tiền mua căn hộ hình thành trong tương lai, với thời hạn vay tối đa 25 năm. Tuy nhiên, bên vay phải mua bảo hiểm cháy nổ trong suốt thời gian vay.

Khi chúng tôi thắc mắc công ty nào sẽ bán bảo hiểm, mức phí được tính trên cơ sở nào? Nhân viên VPBank cho biết, bên vay có thể chọn mức phí bảo hiểm trên cơ sở giá trị căn hộ do ngân hàng định giá, hoặc chọn mức phí tương đương 125% của số tiền vay. “Nếu tôi không mua hoặc mua bảo hiểm của một công ty khác thì ngân hàng có cho vay không?”, chúng tôi đặt vấn đề.

“Bên vay phải mua bảo hiểm là một trong những điều kiện để ngân hàng giải ngân. Trường hợp khách hàng mua bảo hiểm của công ty không liên kết với ngân hàng thì lãnh đạo sẽ xem xét chính sách bảo hiểm của công ty đó có hợp lý hay không mới quyết định cho vay”, nhân viên VPBank nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, còn nhiều ngân hàng khác cũng đưa ra quy định, người vay tiền mua căn hộ hình thành trong tương lai phải mua bảo hiểm cháy nổ hằng năm, và đây là một trong những điều kiện để được vay vốn. Thậm chí, có ngân hàng còn quy định trường hợp người vay chỉ mua bảo hiểm cho năm đầu tiên, các năm tiếp theo nếu không mua, ngân hàng sẽ ngưng giải ngân khi kháchđến hạn thanh toán tiền mua căn hộ theo từng đợt, thường kéo dài 2-3 năm.

Lãnh đạo của nhiều ngân hàng lý giải, việc đưa ra điều kiện người vay tiền phải mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ là để bảo vệ cho ngân hàng lẫn khách hàng trước những sự cố không may. Đồng thời ngân hàng thu được tiền hoa hồng từ công ty bảo hiểm nhằm bù đắp các chi phí liên quan đến cho vay.

Thế nhưng, dư luận cho rằng, việc mua bảo hiểm cho căn hộ là quyền và nhận thức của người vay tiền. Ngân hàng buộc bên vay phải mua bảo hiểm, và xem đó như là một trong những điều kiện tiên quyết để cho vay là thiếu sòng phẳng trong quan hệ tín dụng.

Ngân hàng - bảo hiểm hưởng lợi

Thực tế cho thấy, để bán được sản phẩm thông qua ngân hàng, các công ty bảo hiểm ký hợp tác với ngân hàng đó, rồi 2 bên thỏa thuận về lợi ích kinh tế. Theo đó, công ty bảo hiểm sẽ duy trì một số tiền gửi nhất định tại ngân hàng với lãi suất không đáng kể. Ngân hàng sẽ hưởng được một tỷ lệ nhất định từ phí bảo hiểm. Ngược lại, ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho công ty bảo hiểm khai thác khách hàng, bán chéo sản phẩm.

Một thành viên HĐQT của một công ty bảo hiểm tại TP HCM cho biết, nếu người vay tiền mua bảo hiểm có sự tác động của ngân hàng thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả cho ngân hàng đó 20%-40% số tiền phí bảo hiểm. Còn trường hợp ngân hàng không can thiệp nhưng công ty bảo hiểm vẫn bán được sản phẩm, nhờ có được thông tin từ ngân hàng, thì tùy vào doanh số bán hàng, công ty bảo hiểm sẽ chia cho ngân hàng một phần phí bảo hiểm.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn ở TP HCM thừa nhận, quan hệ tín dụng đã có xung đột về lợi ích. Tức là, khi ngân hàng, công ty bảo hiểm có lợi ích thì ngược lại, người vay tiền sẽ tốn thêm chi phí, trong khi chưa chắc họ có nhu cầu mua bảo hiểm cho căn hộ...

Theo vị này, chỉ có những doanh nghiệp vay hàng tỷ đồng, tài sản thế chấp là hàng hóa, nhà xưởng, ngân hàng mới buộc bên vay mua bảo hiểm, nhằm bảo vệ khoản vay cho ngân hàng lẫn khách hàng. Còn người vay tiền mua căn hộ có bị ngân hàng buộc mua bảo hiểm hay không là tùy thuộc chính sách cho vay của từng ngân hàng.

“Giải pháp tốt nhất là ngân hàng thuyết phục và chia sẻ 50% phí bảo hiểm với người vay tiền mua căn hộ, nhằm hài hòa lợi ích cho 2 bên, lành mạnh hóa quan hệ tín dụng”, vị này nói.

Không có quy định buộc mua bảo hiểm

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý không có quy định nào về việc người vay tiền mua căn hộ tại các dự án nhà ở thương mại phải mua bảo hiểm. Do đó, tùy tình hình kinh doanh, các ngân hàng thương mại đồng loạt đưa ra điều kiện buộc người vay tiền mua căn hộ phải mua bảo hiểm là không nên. Riêng cho vay mua nhà ở xã hội, các ngân hàng không được phép buộc người vay mua bảo hiểm. Trường hợp người vay tiền mua nhà ở xã hội bị ngân hàng ép mua bảo hiểm có thể phản ánh đến cơ quan quản lý, và Ngân hàng Nhà nước để có biện pháp xử lý thích đáng.

Chật vật thoái vốn Nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro

Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, hơn 17.000 tỷ đồng vốn Nhà nước vẫn chưa thoái khỏi lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chứng khoán, ngân hàng.

http://nld.com.vn/kinh-te/vay-tien-ngan-hang-bi-ep-mua-bao-hiem-2015092522265045.htm

Theo Thy Thơ/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm