Theo tờ Heatst và hàng loạt trang tin nước ngoài, trong khi các quốc gia khác đang gấp rút sao lưu, nâng cấp hệ thống, nước Nga lại áp dụng biện pháp lạ lùng để ngăn chặn sự lây lan của mã độc WannaCry.
Đầu tuần này, Thượng phụ của nhà thờ Russian Orthodox được mời đến Bộ Nội vụ để vẩy các giọt nước thánh lên toàn bộ máy tính trong văn phòng.
Một quan chức Nga đang được vẩy nước thánh tại văn phòng, nhưng sự việc này từ 2013 và không liên quan đến mã độc WannaCry. Ảnh: Heatstreet.
|
Trên một trang đăng tin giả mạo này, dưới bức ảnh có chú thích "Thượng phụ của nhà thờ chính thống Nga đảm bảo rằng các máy tính của Bộ Nội vụ sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công của virus WannaCry".
Tuy nhiên, bức ảnh trên thực tế có từ 2013, và vị Thượng phụ được mời đến để ban phước lành cho Trung tâm các mục đích đặc biệt trong an toàn đường bộ (MIA) của Nga trong ngày khánh thành. Sự việc này không liên quan đến mã độc WannaCry và Bộ Nội vụ Nga.
Mạng xã hội đã lan truyền thông tin giả mạo này trong ngày 18/5.
WannaCry là loại mã độc được xếp vào dạng ransomware (bắt cóc dữ liệu đòi tiền chuộc). Tin tặc triển khai mã từ xa SMBv2 trong Microsoft Windows. Khai thác này (có tên mã là "EternalBlue") đã được làm sẵn trên Internet thông qua Shadowbrokers dump vào ngày 14/4, dù lỗ hổng này trước đó đã được vá bởi Microsoft từ ngày 14/3. Tuy nhiên, rất nhiều tổ chức và người dùng chưa cài đặt bản vá này và trở thành nạn nhân của WannaCry.
Sau khi bị nhiễm WannaCry, máy tính nạn nhân hiện dòng chữ thông báo toàn bộ dữ liệu đã bị mã hoá và không thể sử dụng. Để đòi lại dữ liệu này, người dùng cần chi trả số tiền nhất định càng sớm càng tốt. Càng đợi lâu, số "tiền chuộc" càng tăng lên. Tinh vi hơn, các hacker đứng sau cuộc tấn công này chỉ nhận tiền chuộc bằng bitcoin.
Theo Europool, ít nhất có 200.000 nạn nhân của WannaCry ở 150 quốc gia. Trong đó có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn.