Nhóm nghiên cứu tin rằng vật thể này có thể là một lớp sao neutron quay chậm mới với từ trường cực mạnh.
Các tín hiệu lặp lại đã được phát hiện trong ba tháng đầu năm 2018, nhưng sau đó biến mất, cho thấy chúng có liên quan đến một sự kiện nhất thời, chẳng hạn như “động sao” (starquake) - động đất trên một ngôi sao, Guardian đưa tin ngày 26/1.
Vật thể, được cho là cách mặt phẳng của dải Ngân hà khoảng 4.000 năm ánh sáng, khớp với một vật thể thiên văn được cho là lớp sao neutron có từ trường mạnh nhất so với bất kỳ vật thể nào đã được biết đến trong vũ trụ.
Dẫn đầu nhóm nghiên cứu, Natasha Hurley-Walker, từ Đại học Curtin của Trung tâm Nghiên cứu Thiên văn Vô tuyến Quốc tế, cho biết: “Đó là một dạng sao neutron quay chậm đã được phỏng đoán là đang tồn tại về mặt lý thuyết. Chúng tôi không ngờ chúng lại sáng như vậy”.
Các nhà thiên văn học vừa công bố phát hiện một vật thể bí ẩn phát ra chùm sóng vô tuyến 20 phút một lần. Ảnh: Guardian. |
Sao neutron là tàn dư của một vụ nổ siêu tân tinh. Với kích thước của một thành phố nhỏ, các sao neutron ban đầu quay cực kỳ nhanh, có thể phát hiện được dưới dạng các sao phát xung, phát sáng rồi tắt liên tục trong vòng vài mili giây hoặc vài giây.
Theo thời gian, sao neutron sẽ mất năng lượng và hoạt động chậm lại rồi dần biến mất.
Các nhà thiên văn học đang bối rối vì vật thể mới được tìm thấy vẫn phát ra đủ năng lượng để có thể phát hiện được khi họ quan sát thấy nó từ tháng một đến tháng 3/2018. “Bằng cách nào đó, sao này đã chuyển đổi năng lượng từ trường sang sóng vô tuyến hiệu quả hơn nhiều so với bất cứ thứ gì chúng ta đã thấy trước đây", Hurley-Walker nói.
Tuy nhiên, việc các tín hiệu sau đó biến mất cũng đặt ra nhiều nghi vấn cho các nhà khoa học. Một khả năng là các tín hiệu là kết quả của sự kiện nào đó, chẳng hạn như một trận động đất, trong đó lớp vỏ cực kỳ dày của sao neutron trải qua thay đổi đột ngột, giải phóng luồng năng lượng lớn vào không gian, có khả năng là các xung sóng vô tuyến lặp lại sau sự kiện này.