Theo Financial Times, tình trạng khan hàng cáp quang đã khiến vật giá leo thang, làm đình trệ quy trình sản xuất, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch lắp đặt các cơ sở hạ tầng viễn thông của các công ty.
Trong đó, châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc là 3 khu vực chịu tác động nhiều nhất bởi thực tế này. Cụ thể, giá sợi quang đã tăng hơn 70% kể từ tháng 3/2021, từ 3,7 USD lên 6,3 USD/km, theo công ty thu thập dữ liệu thị trường Cru Group.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã buộc các công ty công nghệ lớn và tập đoàn viễn thông phải cắt giảm vốn đầu tư cho một số ngành hàng, nhu cầu cho các dịch vụ Internet và dữ liệu vẫn có xu hướng tăng cao. Điều này có khả năng sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm cáp fiber, loại vật liệu quan trọng nhưng ít được các hãng để mắt đến.
Cáp sợi fiber là một vật liệu quan trọng nhưng ít ai quan tâm. Ảnh: Ars Technica. |
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngành dịch vụ Internet tăng đột biến, những gã khổng lồ công nghệ như Meta, Amazon, Google và Microsoft đang có kế hoạch mở rộng các trung tâm dữ liệu của mình bằng cách cho lắp đặt hàng loạt hệ thống cáp quang vượt đại dương.
Trong khi đó, chính phủ các nước lại muốn đẩy mạnh mục tiêu phủ sóng Internet băng thông rộng và kết nối 5G. Cả hai công nghệ viễn thông này đều đòi hỏi một lượng lớn cáp mạng nằm sâu dưới lòng đất.
“Nếu chi phí lắp đặt tăng gấp đôi, một bài toán khó được đặt ra cho các quốc gia về mục tiêu phủ sóng hạ tầng viễn thông lẫn và ảnh hưởng lên kết nối Internet toàn cầu”, Michael Finch, nhà phân tích tại Cru Group, nhận định.
Theo Financial Times, tổng lượng cáp quang tiêu thụ trong nửa đầu năm 2022 đã tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến 46% số cáp, còn Bắc Mỹ lại trở thành khu vực có mức tăng trưởng tiêu thụ nhanh nhất, tăng 15% so với năm trước đó.
Tình trạng thiếu hụt sợi fiber càng trầm trọng hơn khi các linh kiện quan trọng khác trong công nghệ cáp quang có xu hướng tăng giá.
Giá sợi quang tăng dần qua thời gian. Ảnh: Financial Times. |
Khí Heli, vốn được sử dụng như chất làm nguội trong quá trình sản xuất sợi cáp quang, đang bị khan hiếm do đóng cửa các nhà máy tại Nga và Mỹ. Điều này đã làm giá vật liệu này tăng mạnh 135% chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, giá của silicon tetrachloride, một thành phần thiết yếu khác trong sản xuất cáp quang, cũng tăng đến 50%, theo số liệu của Cru Group.
“Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ chứng kiến cuộc khủng hoảng lạm phát nào khủng khiếp như thế này”, Giám đốc điều hành Wendell Weeks của Corning, hãng sản xuất cáp quang lớn nhất thế giới, chia sẻ.
Ông cho biết công ty của ông đang phải tăng cường sản xuất, đồng thời xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ và châu Âu để đáp ứng nhu cầu tăng cao của chính phủ các nước, các công ty viễn thông và tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
Theo Cru Group, giá sợi cáp quang hiện nay đã đạt đỉnh kể từ tháng 7/2019. Nhưng mức độ ảnh hưởng lên thị trường Bắc Mỹ ít nghiêm trọng hơn so với châu Âu, Trung Quốc hay Ấn Độ.
Theo Wendell Weeks, giá vật liệu này tại Mỹ chỉ tăng 2% trong năm 2022 và đều đặn giảm hàng năm kể từ năm 2012. “Tình hình sẽ khó khăn trong một thời gian ngắn nhưng chúng ta sẽ sớm vượt qua cuộc khủng hoảng này”, vị giám đốc khẳng định.
Martijn Blanken, CEO của công ty hạ tầng số toàn cầu Exa Infrastructure, cho biết giá sợi quang đã tăng ít nhất 20% trong vòng 6 tháng gần đây. Sự tăng giá này là một dấu hiệu bất thường nên cần phải kiểm tra và theo dõi chặt chẽ mỗi ngày.
“Chúng tôi thậm chí còn phải thêm điều khoản với khách hàng của mình để miễn trừ trách nhiệm khi giá thành tăng cao”, ông nói.
Thực tế này đã kéo dài thời gian sản xuất các sản phẩm làm từ sợi cáp quang. Cụ thể, với các khách hàng nhỏ lẻ, thời gian đợi hàng đã kéo dài từ 20 tuần lên đến gần 1 năm. “Tất cả chúng tôi đều đang ưu tiên giao hàng cho các đối tác lớn trước”, Ankit Agarwal, Giám đốc điều hành của STL, một trong những nhà cung cấp sợi fiber lớn nhất nước Anh, chia sẻ.