Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vào 'thủ phủ' hàng rởm

Đang vào cao điểm tiêu thụ hàng Tết, cả thị trấn Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) - khu vực buôn bán hàng hóa tổng hợp lớn nhất miền Bắc lúc nào cũng nhộn nhịp như không ngủ.

Vào 'thủ phủ' hàng rởm

Đang vào cao điểm tiêu thụ hàng Tết, cả thị trấn Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) - khu vực buôn bán hàng hóa tổng hợp lớn nhất miền Bắc lúc nào cũng nhộn nhịp như không ngủ.

Trong vai nhà buôn cần đánh hàng lớn đi các tỉnh, những ngày đi thực tế tại đây phóng viên tận mắt chứng kiến các kho hàng khổng lồ với đủ loại “hàng đắt”, “hàng rẻ”, “hàng công ty”, “hàng nhà máy”... theo cách gọi của dân buôn Thổ Tang. Tuy nhiên, hầu hết cửa hàng ở đây đều bày bán “hàng rẻ”, “hàng nhà máy” do có giá mềm, được lái buôn ưa chuộng.

 
Xe máy, ôtô, xe tải tấp nập xuất, nhập hàng tại thị trấn Thổ Tang.

Hàng “hiệu” giá bèo

“Hàng rẻ hay hàng đắt?” - người phụ nữ chủ cửa hàng Long Liên trước khu công nghiệp Thổ Tang hất hàm hỏi khi chúng tôi vừa bước vào cửa hàng chuyên bán các loại bánh kẹo, rượu phục vụ Tết. Theo chân bà chủ đi tham quan kho hàng, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục thùng bánh hiệu Biscuitss Fance giá bán chỉ 10.000 đồng/hộp, trên hộp bánh có in rõ địa chỉ công ty cổ phần bánh kẹo Hải Châu (50 Mạc Thị Bưởi, Hà Nội).

Tuy nhiên khi chúng tôi liên hệ công ty này, đại diện bộ phận kinh doanh cho biết trong 18 dòng sản phẩm của công ty không hề có loại bánh nào có tên như trên.

Cạnh đó, hàng loạt thùng bánh mang nhãn hiệu Cookies Vanila giá 12.000 đồng/hộp in địa chỉ rất mơ hồ “Đại lộ Thăng Long rẽ phải”. Hai loại bánh này đều để trống ngày sản xuất và hạn sử dụng, theo “khuyến cáo” của chủ hàng khi nào nhập hàng thì sẽ đóng... cho nó mới. Chủ cửa hàng khẳng định: “Bao nhiêu cũng có, mua càng nhiều càng được giảm giá”. Ngoài bánh, cửa hàng Long Liên còn bày bán rất nhiều loại rượu hàng rẻ, như Voka Kengs loại 750ml chỉ 29.000 đồng/chai, Hương Nếp loại 330ml giá 12.000 đồng/chai, Vang Nổ 17.000 đồng/chai, Whisky Roomy và Whisky Coktail chỉ 26.000 đồng/chai... Các loại rượu này đều không ghi địa chỉ hoặc có nhưng rất chung chung, tù mù về nơi sản xuất.

Một số loại rượu, bánh kẹo ghi rõ địa chỉ nhưng là địa chỉ “ma” hoặc mạo danh. Lần theo địa chỉ 40 Vũ Xuân Thiều, Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) ghi trên hộp rượu Vang Nổ bày bán tại cửa hàng này, chúng tôi phát hiện đây chỉ là nhà riêng của người khác. Bà Thái - chủ nhà cho biết, gia đình bà đã sinh sống tại địa chỉ trên từ lâu và không hề sản xuất mặt hàng nào.

Khi chúng tôi đến cửa hàng Tuấn Phượng - một trong những đại lý về hóa mỹ phẩm lớn nhất Thổ Tang trên Phố Mới, khách hàng đã đông nghịt, phải vất vả chúng tôi mới lách người lọt qua được đám đông lái buôn đang chen chúc nhập hàng. Đập vào mắt chúng tôi là các loại dầu gội, mỹ phẩm như phấn nền, son dưỡng vứt la liệt giữa nền nhà, chất đống trong tủ kính. Theo nhân viên, tại đây bày bán cả “hàng đắt” và “hàng rẻ” nhưng chủ yếu bán chạy các loại “hàng rẻ”.

Mức giá chào hàng của nhân viên đưa ra khiến chúng tôi... phát hoảng: sữa rửa mặt nhái nhãn hiệu Pond’s chỉ 10.000 đồng/lọ, kem dưỡng trắng ban đêm “cao cấp” 30.000 đồng/chai, các loại phấn, kem lót, chuốt mi nhái hiệu Maybeline chỉ 15.000-30.000 đồng/sản phẩm. Sốc hơn, hộp son dưỡng môi hiệu Lip Ice có vỏ hộp màu sặc sỡ, bóng lộn rất bắt mắt, trông như thật có giá thấp đến choáng, chỉ... 4.000 đồng/thỏi.

 
Hàng loạt mỹ phẩm làm giả, nhái bày bán tại nhiều cửa hàng ở thị trấn Thổ Tang.

Bi hài hàng rởm

Trong những ngày thâm nhập chợ hàng rởm Thổ Tang, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện bi hài, trớ trêu ở đây. Tại cửa hàng Tuấn Phượng, chúng tôi được nhân viên giới thiệu hai hộp mỹ phẩm Pond’s, một loại “hàng rẻ”, loại kia “hàng công ty”. Tuy nhiên khi chúng tôi đánh tráo hai hộp, phải mất hơn 10 phút săm soi rất kỹ nhân viên nữ nọ mới phân biệt được đâu là lọ xịn, đâu là lọ rởm. Tại một cửa hàng khác đối diện ngã ba đình Thổ Tang, bà chủ hùng hồn giới thiệu: “Đây toàn là kẹo xịn, nhập khẩu từ nước ngoài chứ ở Việt Nam không sản xuất được”. Thế nhưng khi bà này nhấc túi kẹo lên giới thiệu, liên tiếp ba túi kẹo đều bị bục vỡ.

Tại đại lý mỹ phẩm Nam Hiên nằm cùng phố chuyên bày bán các loại mỹ phẩm nhập từ Trung Quốc, các sản phẩm được ngụy trang tinh vi bằng cách in chữ tiếng Anh hoặc tiếng Anh lẫn tiếng Việt trên vỏ hộp. Tuy nhiên, soi kỹ các dòng chữ nhỏ xíu chúng tôi phát hiện nhiều chữ sai chính tả, thiếu dấu. Theo nhân viên bán hàng, với mặt hàng mỹ phẩm rất khó phân biệt được hàng thật và hàng nhái, nên khi nhập về rất dễ hét giá cao mà không bị phát hiện. “Anh chị cứ yên tâm, hàng này rẻ nhưng dùng đảm bảo như hàng thật luôn, không hại da đâu” - nhân viên này quảng cáo.

“Tìm đến cửa hàng chị là hợp lý rồi” - bà chủ cửa hàng Huy Tuyết (phố Tân Thịnh, Thổ Tang) khẳng định chắc nịch khi chúng tôi ngỏ ý tìm hàng để mở một siêu thị mini ở quê. Cửa hàng rộng gần 60m2 này chất đống hàng nghìn cuộn tã giấy, băng vệ sinh nhái các nhãn hiệu nổi tiếng. Theo chủ hàng, hầu hết đều là “hàng nhà máy”. Quan sát kỹ chồng tã trẻ em nhãn hiệu Huggies Dry với hàng chục dòng chữ in dày đặc cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh trên bao bì, tuyệt nhiên không thấy chỗ nào ghi nơi sản xuất, hạn sử dụng, địa chỉ.

Một loại tã lót khác không nhãn hiệu, ghi nơi sản xuất tại Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) có giá chỉ 17.000 đồng/bịch, các loại băng vệ sinh không nhãn mác, không nơi sản xuất giá cũng chỉ 21.000 đồng/bịch. Hình ảnh in trên bao bì những sản phẩm này đều bị nhòe, chữ nhiều chỗ mờ, bị đổ bóng... Dọc thị trấn chúng tôi còn phát hiện vô số cửa hàng bày bán chăn - drap - gối - đệm nhái các thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc và trong nước, bề ngoài trông y hệt hàng thật nhưng giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng.

Hàng dởm nhiều, phát hiện không bao nhiêu

Càng đến gần ngày tết, khung cảnh buôn bán tại Thổ Tang càng tấp nập hơn. Từ đầu thị trấn Thổ Tang đoạn dẫn ra quốc lộ 2, từng đoàn xe tải, ôtô, xe máy chất đầy hàng ra vào nườm nượp. Những chiếc xe bán tải, xe tải nhỏ, xe tải thùng lớn mang biển số Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định, Hà Nội, thậm chí cả xe mang biển số Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương... nằm dài la liệt, nhiều xe liên tục quay vòng. Trung bình mỗi ngày lượng xe này vận chuyển cả nghìn tấn hàng từ các tỉnh giáp biên, các lò sản xuất hàng giả từ các nơi đổ về Thổ Tang và từ Thổ Tang xuất đi các tỉnh.

Bà Lê Thị Thái, Chủ tịch UBND thị trấn Thổ Tang cho biết, chỉ tính riêng khu chợ Thổ Tang đã có hơn 900 sạp hàng buôn bán, chưa kể khu chợ nông sản trung tâm (tiêu thụ hơn 100 tấn hàng mỗi đêm) cùng hàng trăm cửa hàng trải dọc gần 2km từ đầu quốc lộ 2 đến đường 34. Các mặt hàng bày bán từ thượng vàng tới hạ cám như sắt thép, inox, hàng gia dụng, trái cây, hàng nông sản củ quả, thực phẩm, hóa mỹ phẩm.

Theo bà Thái, địa phương từng phát hiện một số vụ sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng như nước mắm, bột ngọt... Mới đây lực lượng chức năng phát hiện việc sản xuất nước mắm Nam Ngư với số lượng lớn tại Thổ Tang. Riêng mỹ phẩm bán ở đây chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc không có nguồn gốc, giá rẻ.

Thế nhưng theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc, trong năm 2012 cơ quan này đã kiểm tra gần 2.900 vụ, phát hiện và xử phạt hành chính hơn 350 vụ với tổng số gần 1,6 tỷ đồng. Trong khi đó, theo ông Trần Đại Nghĩa - đội trưởng đội quản lý thị trường số 2 (phụ trách huyện Vĩnh Tường - nơi có “thủ phủ” hàng dởm Thổ Tang), cơ quan này kiểm tra 487 vụ nhưng chỉ xử phạt vi phạm 54 triệu đồng, một con số khiêm tốn dù đây là địa bàn nhạy cảm, phức tạp về hàng giả, hàng nhái...

Thủ phủ của hàng giả đặt tại Vĩnh Phúc

Ông Hoàng Phương (phó giám đốc Sở Công thương kiêm chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc):

"Có phát hiện hàng giả nhưng không nhiều" - đó là khẳng định của ông Hoàng Phương khi trao đổi với chúng tôi về chuyện kiểm tra, xử lý hàng gian, hàng dỏm tại Thổ Tang. Ông Phương nói: vừa rồi các công ty như Unilever, Ajinomoto... đã khảo sát tại Thổ Tang có phát hiện việc làm giả các mặt hàng này nhưng số lượng không nhiều và không có công khai. Còn việc sản xuất hàng giả ở Thổ Tang thì anh em trinh sát suốt nhưng không thể bắt nổi.

- Vì sao không bắt nổi, thưa ông?

- Lực lượng quản lý thị trường cùng với công an đã nhiều lần mật phục khi có thông tin về sản xuất hàng giả tại Thổ Tang, nhưng không phát hiện nơi sản xuất. Mới đây nhất, tháng 4/2012 phòng Cảnh sát kinh tế công an tỉnh có bắt được một vụ sản xuất, đóng gói mì chính số lượng lớn. Đối tượng mua mì chính loại bao tải 25kg của Trung Quốc về rồi xé lẻ đóng gói nhái các nhãn hiệu của Ajinomoto hoặc Miwoon bằng bao bì khác. Tuy nhiên, quản lý thị trường cũng có nhiều cái khó.

- Cụ thể cái khó đấy là gì?

- Thứ nhất, biên chế của quản lý thị trường còn hạn hẹp, lực lượng bám địa bàn mỏng, chỉ có 3-4 anh em. Thứ hai, sản xuất hàng giả rất nhiều công đoạn từ khâu sản xuất đến phân phối, tiến hành tại nhiều địa điểm khác nhau. Thổ Tang là nơi tập kết, trung chuyển hàng rất lớn, mỗi ngày có lượng hàng khổng lồ qua đây, địa bàn rất rộng mà lực lượng lại quá mỏng, việc phối hợp không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Theo Tuổi trẻ

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm