Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vào làng mang vàng ra... đập

Hàng trăm làng nghề truyền thống phát triển hàng trăm năm duy trì đến tận ngày nay. Nghề dát vàng tại làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội là một ví dụ.

Vùng Kinh Bắc vốn được ví là cái nôi của chốn tâm linh, cái rốn của đền chùa. Hàng trăm làng nghề truyền thống cũng tập trung tại đây với thời gian tồn tại, phát triển hàng trăm năm, thậm chí còn duy trì đến tận ngày nay. Nghề dát vàng tại làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội là một ví dụ.

Bí mật ở làng dân liên tục đào được vàng

Ở thị trấn Củng Sơn và xã Đức Bình Tây (Phú Yên) có rất nhiều người dân từng may mắn nhặt được vàng với số lượng lớn.

Nghề không có sai số

Theo tìm hiểu, nghề dát vàng, bạc ở Kiêu Kỵ được hình thành từ thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) để cung ứng vật liệu trang trí sơn son thiếp vàng tại các công trình kiến trúc của vua chúa và đền, chùa, miếu, điện ở kinh đô Thăng Long cách đó không xa. Người có công gây dựng và truyền bá nghề này được người dân Kiêu Kỵ tôn làm ông tổ làng nghề là Nguyễn Quý Trị. 

Ông sinh ra và lớn lên ở làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai (Hải Dương), đỗ tiến sĩ thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786). Năm 1763, khi làm quan đến chức Binh Bộ Tả Thị Lang - Hàn lâm Viện trực học sĩ, ông được vua cử đi sứ sang Trung Quốc và đã học được nghề làm vàng, bạc quỳ để sơn thếp lên câu đối, hoành phi...

Khi về nước, ông truyền lại nghề cho dân làng Kiêu Kỵ bởi nơi đây nằm cách kinh thành Thăng Long không xa, rất thuận tiện cho việc xây dựng đền đài, cung vua phủ chúa ở kinh thành.

Sơn son thếp vàng cho đồ mỹ nghệ.

Âm thanh đặc trưng mỗi khi đến làng Kiêu Kỵ là tiếng đập liên hồi của búa. Búa cái, búa con múa trên tay các nghệ nhân làng nghề để đập dẹt một chỉ vàng thành tấm vàng có diện tích bằng chiếc chiếu một (diện tích hơn 1m2). 

Nghệ nhân Lê Văn Vòng với hơn 60 năm làm nghề chia sẻ: Nhìn những lá quỳ vàng bạc long lanh mỏng tang vậy nhiều người tưởng làm đơn giản, nhưng để có những sản phẩm đó, người thợ phải thực hiện hơn 40 công đoạn và không cho phép có sai số ở bất kỳ công đoạn nào nếu không muốn đền cả đống tiền cho khách.

Công đoạn đầu tiên là người thợ làng nghề bỏ vàng, bạc vào nồi nung (làm bằng đất sét to hơn ngón chân cái) đặt nấu trên bếp lò có bễ kéo bằng tay cho đến khi vàng bạc chảy ra sau đó được đổ ra rãnh nhỏ bằng nửa chiếc đũa, thành thỏi dài 10cm.

Nghệ nhân Lê Văn Vòng.

Từ những thỏi vàng, bạc thật 100% như thế được người thợ đập cho mỏng (còn gọi là đập diệp) để có được tấm vàng có bề ngang 1cm, sau đó được cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2, sau đó đặt vào lá quỳ để thực hiện công đoạn dát mỏng hơn nữa (gọi là đập quỳ). 

Công đoạn mang tính quyết định này chỉ được thực hiện bởi các thợ thủ công có tay nghề điêu luyện cấp bậc nghệ nhân. Lá quỳ có cạnh dài 4cm được kén từ loại giấy dó, loại giấy thường dùng làm tranh Đông Hồ vừa mỏng vừa dai.

Giấy được “lướt” nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ rất bền chắc. Mỗi quỳ 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ 1cm2 được người thợ dùng vải dường bâu mua từ Nam Định gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng loại búa chuyên dụng (loại búa chỉ có ở làng) đập lên tập lá quỳ cho đến khi mảnh vàng mỏng tràn lên lá quỳ. 

Ở công đoạn này, nghệ nhân phải đập liên tục hàng trăm nhát búa đều nhau trên lá quỳ. Chỉ cần một phút lơ đãng, đập sai nhịp, đập mạnh quá hay nhẹ quá cũng ảnh hưởng đến chất lượng của lá vàng. 

Một du khách Nhật khi đến thăm làng nghề và xem các công đoạn chế tác phải thốt lên: Người thợ ở đây có khả năng đập mỏng 1 chỉ vàng thành 980 lá có diện tích lớn hơn 1m2 thì ngay cả công nghiệp dát vàng tại Nhật Bản cũng chưa thực hiện được.

Vàng thếp, thành phẩm của làng nghề.

Nghệ nhân Lê Văn Vòng cho biết, với nhiều công đoạn từ nung, nấu, đập, dát vàng, song khó nhất là công đoạn lấy vàng từ lá quỳ ra bởi lúc này, lá vàng được dát đến độ vô cùng mỏng manh, chỉ cần hơi thở mạnh cũng khiến lá vàng rách.

Cho nên ở công đoạn này, người thợ thường làm trong phòng kín gió, đi nhẹ, nói khẽ, đeo khẩu trang, ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời 38 - 39 độ thì họ vẫn không dám bật quạt. Thậm chí những hôm trời trở gió, dù đã đóng kín cửa nhà, người thợ vẫn phải mắc màn, đeo khẩu trang để gỡ vàng quỳ.

Nghề vẫn còn sức hút

Làm nghề dát vàng dù vất vả như vậy, song công xá cũng chẳng được bao nhiêu. Theo các nghệ nhân tại làng nghề thì làm nghề này công xá tính ra cũng ít, làm cả ngày cũng chỉ được 40.000 - 50.000đ. Như thế không tương xứng với công sức bỏ ra, nhưng vì nó là một nghề gia truyền nên muốn giữ nghề để truyền lại cho thế hệ sau như một nét văn hóa và làm vậy dù sao còn có đồng ra đồng vào, khi tuổi đã già không lệ thuộc nhiều vào con cháu sống cũng thấy ý nghĩa hơn. 

Cũng theo lời các nghệ nhân, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nghề làm vàng quỳ gần như bị mai một, dân làng chuyển sang làm nghề sản xuất đồ dùng bằng da và giả da. Sau này, nhất là thời kỳ kinh tế mở cửa, các công trình văn hoá, các di tích lịch sử được khôi phục hoặc xây dựng mới rất cần đến vàng quỳ, do đó, nghề truyền thống ở Kiêu Kỵ được khôi phục và phát triển. 

Không những xưa kia mà gần đây, các hoạ sĩ trang trí những công trình kiến trúc lớn cũng đã tìm đến vàng quỳ Kiêu Kỵ dùng cho việc trang trí nội thất của Nhà hát Lớn thành phố, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Lăng Bác và nhiều khách sạn lớn trong toàn quốc. Các di sản văn hoá, kiến trúc được UNESCO công nhận như Kinh đô Huế, Hội An, cả Văn Miếu Quốc Tử Giám càng không thể thiếu vàng quỳ, bạc quỳ.

Hiện có gần 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ, nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn, có tới 20 thợ làm việc. Nhờ vậy, hàng trăm thanh niên sau khi rời khỏi trường phổ thông và vài trăm lao động nữ có công việc làm và thu nhập ổn định. 

Làng của những tỷ phú đào vàng

"Giấc mộng vàng" của một số người làng Thức Hóa đã thành hiện thực, tậu xe, mua nhà, sống xa hoa. Nhưng cũng không ít người phải bỏ mạng nơi đất khách quê người.

http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/vao-lang-mang-vang-ra-dap-20140829150808228.htm

Theo Thụ Lan/Sức khỏe Đời sống

Bạn có thể quan tâm