Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làng của những tỷ phú đào vàng

"Giấc mộng vàng" của một số người làng Thức Hóa đã thành hiện thực, tậu xe, mua nhà, sống xa hoa. Nhưng cũng không ít người phải bỏ mạng nơi đất khách quê người.

Hàng chục năm nay, ngôi làng ấy từ già đến trẻ kéo nhau đi tìm giấc mộng vàng. Họ thừa biết nghề đào vàng chứa chất biết bao hiểm nguy, thế nhưng với họ, đó mới là con đường duy nhất để đổi đời. "Giấc mộng vàng" của một số người làng Thức Hóa (xã Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định) đã thành hiện thực, tậu xe, mua nhà, sống xa hoa. Nhưng cũng không ít người phải bỏ mạng nơi đất khách quê người, hay chí ít cũng mang bệnh, rước tật.

Cả làng đi đào vàng

Trước kia, làng Thức Hóa (xã Giao Thịnh, Giao  Thủy, Nam Định) vốn nổi tiếng với nghề làm cói. Ở đây đã hình thành những HTX chiếu cói rất hùng mạnh, với những nghệ nhân bậc thầy. Sản phẩm của Thức Hóa nức tiếng khắp Thành Nam. Khi đó, đời sống của bà con cũng chẳng kém cạnh nơi nào. Vậy mà gần đây chẳng còn ai mặn mà với cái nghề đó nữa. Nghề làm chiếu cói bỗng nhiên vụt tắt, thay vào đó là nghề đào vàng.

Nhiều gia đình đã đổi đời nhờ nghề đào vàng.
Nhiều gia đình đã đổi đời nhờ nghề đào vàng.

Biết chúng tôi tìm hiểu về nghề đào vàng, ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh thở dài: "Cũng chỉ vì cái nghề đào vàng mà ở Thức Hóa chẳng còn thanh niên nào ở địa phương. Đúng là dân ở Thức Hóa đổi đời nhờ nghề này nhưng cái giá phải trả cho cái mác "làng đại gia" cũng không phải là nhỏ. Không nói ai mà cũng biết tính chất phức tạp của bãi vàng".

Nhiều người dân ở Thức Hóa nói đùa rằng, đi từ Hà Giang xuống đến đất mũi Cà Mau đâu chả có dấu chân của người Thức Hóa. Người Thức Hóa vốn không chịu ngồi yên, họ luôn vận động tìm cách thoát nghèo, tìm cách đổi đời. Chính vì vậy, về Thức Hóa thật khó để tìm được thanh niên trai tráng. Ông Đinh Văn Vinh, Phó trưởng thôn Thức Hóa cười: "Nói đến vàng ai mà không sướng. Làm gì thì làm cuối cùng vẫn vì tiền, dân ở đây ôm giấc mộng vàng là đúng thôi. Khi mà đã có người trở thành tỷ phú nhờ đào vàng thì cơn lốc đào vàng lại càng mạnh mẽ hơn". Có một thực tế phũ phàng rằng,  các làng khác xung quanh con em họ đầu tư mạnh vào việc học thì ở Thức Hóa lại chỉ mong con cái lớn có sức khỏe đi đào vàng. Trai làng Thức Hóa sẵn sàng ăn dầm nằm dề, "ăn hang ở hốc" nơi rừng thiêng nước độc để tìm kiếm vận may chứ không muốn đèn sách. Ông Vinh thở dài: "Nó thành làng nghề rồi. Không phải suy nghĩ đắn đo gì. Cứ đến tuổi là cha con bìu ríu nhau ngược rừng tìm giấc mộng vàng, không cần hướng nghiệp, hướng nghề gì cả".

Để tìm hiểu rõ hơn, ngọn nguồn hơn chúng tôi được bà con chỉ đến gặp ông Đinh Văn Hòa, người được coi là "tổ nghề" đào vàng ở Thức Hóa. Nếu nói về sự giàu có, ông Hòa chẳng thấm tháp vào đâu so với những người đào vàng ở Thức Hóa. Thế nhưng, ông rất được tôn trọng bởi ông là người đầu tiên, là thế hệ đầu tiên "khai sinh" ra nghề đào vàng đầy trắc trở này.

Có tiền nhiều người quay sang chơi đồ cổ.
Có tiền nhiều người quay sang chơi đồ cổ.

Ngôi nhà 2 tầng của ông Hòa một thời được ví như cung điện ở làng quê nghèo thuần nông này nằm ngay sát những biệt thự kiểu mới ở xóm 8. Ông Hòa tiếp chúng tôi với thái độ khá dè dặt. Ông bảo: "Chả lẽ các anh hỏi tôi mà lại không nói thì không hay. Nhưng nói ra người ta lại bảo khoe khoang. Bây giờ Nhà nước cũng cấm khai thác vàng trái phép rồi. Mọi chuyện quá khứ cứ để nó im thôi". Cẩn thận lấy con rùa bằng đồng được cất giữ cẩn thận, ông Hòa chia sẻ: "Đây có lẽ là chiến lợi phẩm duy nhất mà tôi có được suốt quãng đời đào vàng. Nhục có, vinh có, nhưng khi về già chỉ có con rùa đồng cổ này là giữ lại được. Bây giờ ở cái làng này có tôi nghèo thôi. Không phải vì sức khỏe yếu mà không đi bưởng nữa, cái nghề này nó bạc lắm. Muốn tồn tại phải biết điểm dừng. Người ta thường bảo, được vàng thì lụi nhưng làng tôi có ai lụi đâu? Cả thảy có tới hơn 30 người mở mày mở mặt vì vàng, họ được gọi là tỷ phú rồi cơ đấy. Toàn đại gia cỡ lớn ở khu vực".

Những năm đất nước vừa hòa bình, ông Hòa lang bạt bào miền Trung kiếm sống. Do có sức khỏe, ông quyết định đi làm thợ xẻ, rồi khai thác gỗ. Lặn lội nơi rừng sâu kiếm gỗ, ông thường xuyên kết thân được với dân đào vàng. Từ đó ông học lỏm được nghề này. Sau một vài chuyến đào thử thấy có hiệu quả, ông bắt  đầu nuôi giấc mộng vàng. Vốn có quan hệ, ông Hòa gia nhập vào các nhóm đào vàng ở Đà Nẵng. Bản chất thông minh, ông nghĩ ra cách đãi vàng bằng máng nước, từ đó ông tách ra làm riêng.

Đặc trưng của nghề đào vàng là không thể làm 1 mình, ông trở lại địa phương rồi huy động thanh niên trai tráng. Chưa thấy được hiệu quả nên chỉ có vài ba người thân tín dám theo nghề. Thỉnh thoảng ông Hòa trở về quê với số vàng lớn, mua nhà, sắm đồ đạc. Chẳng mấy chốc có hàng trăm người nguyện sống chết theo ông lên đường tìm vận may. Cứ như thế, làng Thức Hóa thành lập các cánh đào vàng khác nhau, lan rộng khắp cả nước. Vàng ùn ùn đổ về Thức Hóa, người xây nhà, kẻ mua xe. Làng quê vốn quanh năm trồng lúa, làm cói này trở nên nóng hơn bao giờ hết. Có hàng nghìn người kéo nhau đi các tỉnh, thành.

Ông Đinh Văn Hòa được coi là “tổ nghề” đào vàng ở Thức Hòa.
Ông Đinh Văn Hòa được coi là “tổ nghề” đào vàng ở Thức Hòa.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước ông Hòa được liệt vào hàng số má tại Thức Hóa. Có tiền, có vàng, ông về quê mua lại ngôi nhà 2 tầng của một đại gia giàu nhất nhì huyện Giao Thủy lúc bấy giờ với giá 20 chỉ vàng. Ngoài ra, ông còn cho xây dựng 2 ngôi nhà khác to đẹp không kém. Ông Hòa tâm sự: "Từ ngày đó tôi thôi không đi vàng nữa. Nhường vị trí trưởng bưởng cho một người khác. Làm gì cũng có giới hạn, nhất là nghề vàng này. Có tiền, có vàng, tôi quyết về ổn định gia đình, đầu tư cho con cái học hành kiếm nghề khác. Nghề này không ổn định và vô cùng mạo hiểm".

Đổi đời nhờ vàng

Cán bộ xã Giao Thịnh cũng phải thừa nhận rằng, có được ngày hôm nay ở đây chủ yếu dựa cả vào nghề đào vàng. Đào vàng vốn là nghề tự phát nên chưa ai có thể tính chính xác có bao nhiêu người theo nghề. Tuy vậy, nhẩm tính cả làng Thức Hóa cũng phải lên tới hàng nghìn người, chưa kể những người đi theo thời vụ. Khu vực mà người dân Thức Hóa tìm đến chủ yếu là Thần Sa (Thái Nguyên), Na Rì (Bắc Kạn) và các mỏ vàng lớn ở Tây Nguyên.

Một trong những bưởng vàng "thành đạt" nhất ở Thức Hóa phải kể đến ông Minh (người dân xóm 9). Sau nhiều lần lặn lội đi các tỉnh tìm kiếm, ông Minh đã phải ôm hận đau đớn. Trắng tay, ông Minh bỏ vào Lâm Đồng trồng cà phê, chăn nuôi. Như được trời ban lộc, chính tại mảnh đất mà ông mua để trồng trọt lại là mỏ vàng rất lớn. Sau một lần đào đất trồng cây, ông Minh phát hiện có vàng, vậy là giấc mộng vàng lại được nhen nhóm trong ông. Mua máy móc, thuê công nhân, ông bắt tay vào công cuộc đào bới tại chính mảnh đất của mình. Chỉ vỏn vẹn trong vòng 1 tháng, lượng vàng ông đào được lên tới 100 kg. Ông nhanh chóng được liệt vào danh sách tỷ phú của Thức Hóa.

Phó Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh, ông Phạm Đức Thành chia sẻ: "Số lượng vàng mọi người đào được là bao nhiêu cũng chưa ai tận mắt chứng kiến. Thế nhưng, rõ ràng đời sống người dân khá lên trông thấy. Như ông Minh, người ta vẫn gọi là "Minh vàng". Người ta bảo, đào được 100 kg nhưng có bao giờ ông ấy nói đâu. Chỉ biết là ông ấy mua rất nhiều nhà, đất, sắm sửa toàn xe sang".

Chưa thống kê chính xác nhưng số người được liệt vào hàng đại gia, tỷ phú ở Thức Hoá cũng lên tới hơn 30 người. Nằm trên địa bàn xã thuần nông nhưng Thức Hóa có bộ mặt khác hẳn những làng khác bởi những ngôi nhà cao tầng mọc lên như nấm. Người qua kẻ lại tấp nập chẳng kém gì thành phố. Những người có tiền tỷ, sắm sửa xa hoa vô tình đã trở thành động lực cho những người còn đang mơ về giấc mộng vàng. Và rồi, nơi từng nổi tiếng với nghề làm cói này đã bắt đầu xuất hiện nạn nghiện hút, trộm cắp, cờ bạc. Ánh mắt lo lắng đã xuất hiện đâu đó trong những ngôi biệt thự bề thế kia. Tiếng khóc xót xa đã bắt đầu len lỏi trong những chiếc xế hộp sang trọng kia.

Phó Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh Phạm Đức Thành, chia sẻ: Hiện nay, Nhà nước đã cấm việc khai thác vàng trái phép nên người dân đi đào vàng cũng đã giảm đi đáng kể. Việc đầu tư máy móc để hành nghề không phải nhỏ nên người dân cũng không dám mạo hiểm nữa.

Đúng là có rất nhiều gia đình giàu lên trông thấy nhờ nghề đào vàng, thế nhưng hậu quả của nó đã bắt đầu xuất hiện. Có người đã chết tại bãi vàng, người thì mang bệnh tật về quê. Chúng tôi cũng đã vận động bà con nên tìm một nghề khác để ổn định cuộc sống. Đã có rất nhiều hộ gia đình sau khi kiếm được chút ít vàng đã bỏ nghề hoàn toàn, lấy vàng kiếm được đầu tư vào học hành, hướng con cái đi theo những nghề phù hợp. Tại thôn Thức Hóa đã có khá nhiều các cháu học sinh đỗ đại học, cao đẳng. Năm vừa rồi còn đỗ đạt nhiều nhất trong địa bàn xã. 

 

http://cstc.cand.com.vn/vi-VN/phongsu-ghichep/phongsu/2014/7/188339.cand

Theo Phong Anh / Công An Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm