Phát biểu trước quốc hội tại Port Vila hôm 27/5, Thủ tướng Bob Loughman cho biết mực nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến Thái Bình Dương, đáng chú ý là 2 lốc xoáy nhiệt đới có sức tàn phá lớn và một đợt hạn hán nghiêm trọng trong thập kỷ qua.
“Trái Đất đã quá nóng và không an toàn. Chúng ta đang gặp nguy hiểm ngay ở hiện tại, chứ không chỉ trong tương lai”, ông Loughman nói.
Quốc hội quốc đảo này nhất trí ủng hộ động thái, theo sau những tuyên bố tương tự của hàng chục quốc gia khác, bao gồm Anh, Canada và nước láng giềng Nam Thái Bình Dương Fiji.
Thủ tướng Vanuatu Bob Loughman. Ảnh: Islands Business. |
"Trách nhiệm của Vanuatu là thúc đẩy các quốc gia có trách nhiệm hành động phù hợp với quy mô và mức độ khẩn cấp của cuộc khủng hoảng", nhà lãnh đạo nói.
"Việc sử dụng thuật ngữ khẩn cấp là một cách báo hiệu sự cần thiết phải thay đổi".
Tuyên bố này là một phần của "thúc đẩy ngoại giao khí hậu" trước cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc về đề nghị của chính phủ Vanuatu lên Tòa án Công lý Quốc tế, yêu cầu bảo vệ các quốc gia dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Năm ngoái, quốc gia khoảng 300.000 người này cho biết họ sẽ xin ý kiến pháp lý từ một trong những cơ quan tư pháp cao nhất thế giới để giải quyết vấn đề khủng hoảng khí hậu.
Dù quan điểm pháp lý của tòa án sẽ không có giá trị ràng buộc, nhưng Vanuatu hy vọng nó sẽ định hình luật pháp quốc tế cho các thế hệ sau về những thiệt hại, mất mát và tác động nhân quyền do biến đổi khí hậu gây ra.
Ông cũng vạch ra cam kết chi 1,2 tỷ USD trong một dự thảo chủ yếu tập trung vào thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động của nó và khắc phục thiệt hại, để đạt được thỏa thuận Paris vào năm 2030.