Kim loại quý thế giới đang hướng tới phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020 khi đã giảm mất mốc 1.500 USD/ounce.
Giá vàng giao ngay trên sàn Kitco hiện đã giảm một mạch từ vùng giá 1.550 USD/ounce vào cuối tuần trước xuống 1.471 USD hiện tại, tương đương giảm gần 80 USD. Tương tự, giá vàng giao ngay trên sàn New York hiện cũng đã giảm gần 60 USD xuống vùng 1.470 USD/ounce.
Lần gần nhất vàng thế giới giao dịch ở vùng giá này là tháng 12/2019, cách đây gần 4 tháng.
Quy đổi ra tiền Việt, mỗi lượng vàng thế giới hiện có giá 41,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn rất nhiều giá các doanh nghiệp trong nước đưa ra vào cuối ngày 16/3 ở mức 45,9-46,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Vàng thế giới mở cửa tuần mới với thông tin ảnh hưởng trực tiếp khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tung gói cứu trợ nền kinh tế mạnh chưa từng có vào đêm ngày 15/3 (theo giờ Việt Nam). Đây đã là lần thứ 2 cơ quan quản lý tiền tệ của Mỹ phải giảm lãi suất đột ngột chỉ trong nửa tháng.
Giá vàng thế giới hiện thấp hơn trong nước 5,5 triệu đồng/lượng (tại thời điểm cuối ngày 16/3). Ảnh: Việt Hùng. |
Không riêng FED, hàng loạt ngân hàng trung ương các nước đang có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản giữ lãi suất ổn định nhưng đã tăng gấp đôi số mua ròng của các quỹ giao dịch trao đổi lên 12.000 tỷ yên. Trung Quốc đã bơm thêm 100 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống tài chính phiên đầu tuần qua cho vay trung hạn và giữ lãi suất không đổi ở mức 3,15%.
Tương tự, Hàn Quốc đã tiến hành cắt giảm 50 điểm cơ bản lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0,75%...
Tuy vậy, việc nới lỏng chính sách tiền tệ đã không trấn an được thị trường trước dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, niềm tin của nhà giao dịch vào thị trường đang xấu đi khi cuối tuần qua Mỹ đã phải đóng cửa các nhà hàng, quán bar… giữa đại dịch Covid-19 bùng phát. Các nhà đầu tư chủ yếu bán vàng để huy động tiền mặt để bù lỗ ở những khoản đầu tư khác.
Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích kỹ thuật cao cấp của Kitco cho rằng, thị trường vàng đang bán tháo tương tự như những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngoài ra, cũng có lo ngại cho rằng các ngân hàng trung ương có thể buộc phải bán một số dự trữ vàng để hỗ trợ nền kinh tế, khiến giá kim loại quý giảm sâu.
Ngoài kim loại quý lao dốc, giá dầu thô (WTI) cũng đang giảm 9,5% so với cuối tuần trước, hiện ở mức 30,09 USD/thùng, thấp nhất kể từ năm 2016. Giá Bitcoin lao dốc gần 7%, hiện còn 4.990 USD/BTC, tương đương 116 triệu đồng/BTC.
Trạng thái giao dịch còn tiêu cực hơn với thị trường chứng khoán khi chỉ số Dow Jones tại Mỹ đang giảm hơn 1.800 điểm, tương đương gần 8%; S&P 500 giảm 9,5%; Nasdaq Composite giảm 7,5%; còn NYSE Composite giảm hơn 10%... Tính trong 1 tháng gần nhất, Dow Jones và S&P 500 đã giảm trên 27%, trong khi NYSE Composite giảm gần 31%.
Chứng khoán châu Âu chứng kiến thêm một phiên giảm mạnh khi Euro Stoxx 50 giảm 7,2%; FTSE 100 Index giảm 6,8%; DAX Index cũng sụt 7,1%... Trong 1 tháng qua, những chỉ số lớn nhất thị trường này đều đã giảm xấp xỉ 40%.
Tương tự là thị trường chứng khoán châu Á với Nikkei 225, Topix Index (Nhật Bản), Hang Seng tại (Hong Kong), hay Kospi Index (Hàn Quốc)… đều đang đỏ lửa.