Giá vàng thế giới đã phục hồi vào cuối tuần qua, rồi giảm nhẹ trong phiên đầu tuần này. Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng kim loại quý đang sắp bước vào một đợt giảm mạnh.
Giá vàng đã rơi xuống dưới ngưỡng 1.960 USD/ounce trong tuần trước, rồi phục hồi trở lại mốc 1.980 USD/ounce vào cuối tuần. Bước sang đầu tuần này, theo Kitco.com, kim loại quý đang được giao dịch quanh mức 1.974 USD/ounce trên sàn New York, giảm 3 USD/ounce so với đóng cửa phiên liền trước.
Biến động của giá vàng trong vòng một tuần qua. Ảnh: Trading Economics. |
Thị trường căng thẳng trước ngày X
"Vàng vẫn đang lơ lửng ở dưới mốc 2.000 USD/ounce, khi Phố Wall chờ đợi những diễn biến tiếp theo của các cuộc đàm phán về trần nợ công", ông Edward Moya - chuyên gia tài chính cấp cao có trụ sở ở Mỹ - nói với Zing.
"Thị trường vẫn đang căng thẳng và điều này đè nặng lên giá vàng. Kim loại quý là một tài sản trú ẩn an toàn trước rủi ro vỡ nợ của Mỹ. Nhưng các nhà đầu tư tin rằng giới chức trách sẽ dễ dàng đạt được thỏa thuận", ông nói thêm.
Giá vàng sẽ vẫn chịu sức ép lớn trước ngày X. Nếu các nhà lập pháp đạt được thỏa thuận vào đầu tuần này, kim loại quý có thể bị bán tháo
Chuyên gia tài chính Edward Moya
"Giá vàng sẽ vẫn chịu sức ép lớn trước ngày X. Nếu các nhà lập pháp đạt được thỏa thuận vào đầu tuần này, kim loại quý có thể bị bán tháo", ông dự đoán.
Vị chuyên gia cho rằng nếu kịch bản đó xảy ra, giá vàng sẽ rơi xuống ngưỡng 1.950 USD/ounce.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, cơ quan này chỉ có thể duy trì hoạt động đến ngày 1/6 nếu chính phủ không thể vay thêm. Thời hạn này được gọi là ngày X.
Đồng quan điểm, ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Anh - tin rằng đà tăng của giá vàng đã mất đi mọi động lực. "Điều đó xảy ra khi kim loại quý đạt mức cao nhất hơn một năm vào đầu tháng này", ông nhận định.
"Đây có thể là một đợt điều chỉnh tạm thời của giá vàng. Câu hỏi đặt ra là đà giảm sẽ kéo dài bao lâu và nghiêm trọng thế nào", ông Erlam nói với Zing. Theo ông, 2 ngưỡng quan trọng cần theo dõi là 1.940 USD/ounce và 1.900 USD/ounce.
Đà tăng mất nhiệt lượng
Vàng là lựa chọn của đa số nhà đầu tư nếu Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ. Thời gian qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen liên tục cảnh báo rằng nước này có thể vỡ nợ ngay sau ngày 1/6, nếu các nhà lập pháp không nới giới hạn nợ công.
Trên thực tế, Bộ Tài chính Mỹ đã phải sử dụng những công cụ kế toán đặc biệt nhằm giữ nợ công ở dưới ngưỡng giới hạn đến đầu tháng 6.
Theo khảo sát Markets Live Pulse mới nhất của Bloomberg, kim loại quý đến nay vẫn là lựa chọn hàng đầu cho những ai muốn đề phòng rủi ro Mỹ vỡ nợ. Hơn một nửa chuyên gia tài chính khẳng định sẽ mua vàng nếu chính phủ Mỹ không thể trả nợ.
Hơn nữa, theo định giá của các thị trường, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 đang gia tăng. Điều này sẽ gây áp lực cho giá vàng. Bởi lãi suất đi lên có thể khiến kim loại quý - tài sản trú ẩn an toàn không được trả lãi - trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư.
Niềm tin của thị trường vào việc Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 đã sụt giảm đáng kể. Theo dữ liệu của CME FedWatch Tool, ngày 19/5, các thị trường định giá khả năng Fed dừng tăng lãi suất là 82,6%. Nhưng đến nay, tỷ lệ này giảm chỉ còn 69,7%.
Các thị trường đang định giá khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất lên tới 30,3%, tăng vọt từ tỷ lệ 17,5% ngày 19/5.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.