Giá vàng miếng SJC một lần nữa lấy lại mốc 67 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn 99,99% đang tiến sát vùng 57 triệu đồng/lượng. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong phiên giao dịch đang diễn ra ngày 20/4, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) mở cửa niêm yết giá vàng miếng ở mức 66,45 - 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng cả hai chiều so với chốt phiên ngày hôm qua.
Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều, vàng miếng SJC quay đầu giảm lại 50.000 đồng, hiện cố định ở mức 67 triệu đồng/lượng (bán). Ở chiều mua vào, SJC cũng điều chỉnh giá giảm về mức 66,4 triệu/lượng.
Nếu so với một tuần trước, giá vàng miếng SJC vẫn giữ xu hướng đi ngang khi cũng neo tại vùng 67 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán ở mức 600.000 đồng khiến người mua vàng tuần trước đến nay vẫn đang phải chịu khoản lỗ 650.000 đồng/lượng.
Đây cũng là khoản lỗ chung cho người mua vàng miếng SJC tại các doanh nghiệp khác, ghi nhận từ đầu tuần trước tới nay, xuất phát từ diễn biến trầm lắng của thị trường vàng.
Tại các doanh nghiệp khác, giá giao dịch vàng miếng hiện cũng phổ biến dao động quanh vùng 67 triệu đồng/lượng.
Trong đó, Tập đoàn DOJI hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 66,4 - 66,95 triệu/lượng, tăng 50.000 đồng so với phiên liền trước; Tập đoàn Phú Quý giao dịch với giá 66,35 - 66,95 triệu/lượng, cũng tăng 50.000 đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu đưa ra mức giá 66,42 - 66,93 triệu/lượng cho mặt hàng vàng miếng, tăng 70.000 đồng so với hôm qua.
Còn với giá vàng nhẫn 24K 99,99, mở cửa phiên giao dịch sáng nay ghi nhận diễn biến trái chiều tại nhiều doanh nghiệp nhưng phổ biến vẫn tăng 50.000-100.000 đồng/lượng, tiến sát mốc 57 triệu đồng/lượng.
Đến đầu giờ chiều, giá vàng nhẫn SJC loại 99,99% neo tại vùng 55,8 - 56,8 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng so với cuối ngày 19/4.
Tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng nhẫn hiện cũng tăng 100.000 đồng so với chiều qua, trong đó được mua ở 55,9 triệu/lượng và bán ra ở 56,9 triệu đồng.
Tập đoàn Phú Quý thì đưa ra mức giá 55,8 - 56,75 triệu/lượng cho mặt hàng vàng nhẫn, giảm 50.000 đồng so với chốt phiên liền trước.
Trong khi giá vàng Rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu phổ biến ở 55,71 - 56,71 triệu/lượng, tăng gần 200.000 đồng cả hai chiều.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay hiện phổ biến giao dịch dưới vùng 2.000 USD/ounce, cụ thể ở mức 1.997 USD/ounce. Nếu tính trong 24 giờ qua, giá kim loại quý thế giới đã ghi nhận mức tăng gần 0,2%, tương đương mức tăng ròng gần 3 USD.
Tuy nhiên, nếu tính trong một tuần gần nhất, biểu đồ giá vàng thế giới vẫn giữ xu hướng giảm hơn 40 USD/ounce.
Với tỷ giá quy đổi USD/VND ở mức 23.660 đồng/USD, theo Vietcombank, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện vào khoảng 56,9 triệu đồng/lượng, vẫn thấp hơn giá vàng miếng trong nước 10 triệu đồng nhưng đã thu hẹp chênh lệch so với vàng nhẫn xuống chỉ còn khoảng 100.000-200.000 đồng/lượng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.