Trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam) giá vàng thế giới tiếp tục giữ xu hướng đi lên khi giá giao ngay trên sàn Kitco tăng hơn 11 USD/ounce lên vùng giá 1.621,8 USD/ounce. Đây cũng là giá đóng cửa tuần này của vàng giao ngay trên sàn New York (Mỹ).
Tính trong một tuần, dù ghi nhận những phiên tăng vọt nhưng nhìn chung kim loại quý thế giới kết thúc tuần với vùng giá giảm so với mức 1.626 USD/ounce vào phiên ngày thứ hai (30/3).
Cùng diễn biến với thị trường thế giới, giá vàng trong nước tuần này cũng giữ xu hướng giảm.
Trong đó, giá vàng miếng hiện nay được Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 47,05 triệu/lượng (mua) và 48,05 triệu/lượng (bán). Mức giá này giữ nguyên so với cuối hôm qua (3/4) nhưng đã giảm 300.000 đồng so với đầu tuần. Tính bình quân, kim loại quý tại SJC đã giảm 0,6% tuần này.
Tuy nhiên, mức chênh lệch mua - bán lên tới cả triệu đồng tại đây khiến nhà đầu tư mua vàng giá 48,35 triệu/lượng (hôm thứ hai) đến nay bán ra đã chịu khoản lỗ 1,3 triệu/lượng, tương đương mức lỗ 2,7%/tuần.
Hầu hết người mua vàng từ giữa tháng 3 đến nay vẫn chưa có lợi nhuận dù giá đã tăng cả triệu đồng. Ảnh: Việt Hùng. |
Thực tế, biến động giá vàng trong nước từ đầu năm 2020 không lớn như vàng thế giới, nhưng hầu hết doanh nghiệp đều niêm yết chênh lệch giá mua – bán trên dưới 1 triệu đồng.
Nhiều chuyên gia vàng cho rằng, chính mức chênh lệch giá mua - bán trong nước quá lớn so với mức chênh thế giới (dưới 1 USD/ounce, tương đương dưới 30.000 đồng/lượng) là nguyên nhân khiến nhà đầu tư vàng trong nước luôn chịu rủi ro.
“Ngoài ra, việc giá vàng trong nước cao hơn vài triệu đồng so với thế giới cũng khiến việc mua vàng để đầu tư gặp nhiều rủi ro nếu chỉ nắm giữ trong ngắn hạn”, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam (VGB) nói với Zing hồi cuối tháng 3.
Trong khoảng 1 tháng gần đây, khi thị trường tài chính thế giới và thị trường vàng biến động mạnh vì dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong nước lại nới rộng chênh lệch giá mua - bán vàng từ dưới 400.000 đồng/lượng trước đó lên trên dưới 1 triệu đồng hiện tại.
Điều này đồng nghĩa với việc, nhà đầu tư sẽ phải đợi giá vàng tăng thêm 1 triệu/lượng mới đạt điểm hòa vốn. Đây cũng là nguyên nhân khiến hầu hết người mua vàng từ giữa tháng 3 đến nay đều chưa có lợi nhuận do giá mua vào của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp.
Tính từ đầu năm, vàng trong nước đã tăng 5,3 triệu/lượng, tương đương 12,4%, nhưng người mua cùng thời điểm mới ghi nhận 4,3 triệu đồng lợi nhuận, xấp xỉ 10%.
Cũng trong phiên giao dịch cuối tuần hôm nay, giá vàng trong nước ghi nhận biến động trái chiều giữa các doanh nghiệp lớn.
Trong khi SJC và Bảo Tín Minh Châu giữ nguyên giá giao dịch của phiên liền trước thì Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý lại tăng 400.000 đồng/lượng, vàng miếng tại PNJ hiện giảm 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hôm nay cũng giữ nguyên giá bán ra 47,8 triệu/lượng so với cuối ngày hôm qua, nhưng giảm giá mua vào 200.000 đồng, hiện còn 46,8 triệu/lượng.