Con người và sự vật, qua ngòi bút Nguyễn Tuân, đều được khai thác trên phương tiện mỹ thuật và tài hoa nghệ sĩ. Vang bóng một thời là cái đẹp váng vất u buồn của một thời xa vắng. Là cái đẹp của một hành trình đầy hoài vọng và duy mỹ của Nguyễn Tuân.
Ông cũng từng viết: "Chúng ta vẫn đắm đuối với nghề Iàm văn, ngày càng chuốt thêm văn tự, ngày càng làm óng tốt dẻo bền hơn lên nữa cái tiếng nói Việt cổ truyền của mình". Với ý thức cao như vậy, nên ông luôn "tự học" để trang bị cho mình vốn ngôn từ phong phú, giàu có, để sử dụng một cách thoải mái trong lúc hành nghề. Ngôn từ của ông khoan thai, nhẹ nhõm, cứ từng bước một tự nhiên cuốn vào tâm trí độc giả.
Ở Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân tìm về những nét đẹp đẽ của thời quá vãng để hoài niệm và tái tạo lại. Những cảnh uống trà, tặng chữ, gội đầu, ăn cơm, thưởng trăng... đều được đặc tả lại bằng một hệ thống ngôn ngữ đậm chất phong lưu, cao nhã, khiến độc giả có cảm giác thanh tịnh, tinh khiết. Từng câu chữ được lựa chọn, được chắt lọc hết sức tinh tế. Văn của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời, vì thế có sức lay động rất lớn.
Tác phẩm Vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn Tuân. |
Nói về văn chương Việt trước cách mạng, xưa có người từng nói, "Vũ Trọng Phụng phê phán thời bấy giờ bằng kiểu Xuân tóc đỏ. Nguyễn Công Hoan hóm hỉnh cống hiến cho độc giả những trận cười vỡ bụng. Nam Cao lách mũi dao vào từng thớ thịt của xã hội rồi nặn ra một đống mủ thối. Còn Nguyễn Tuân có cái lối đánh mà người ta gọi lại bỏ nhỏ, nhẹ mà đau điếng".
Tác phẩm Vang bóng một thời được xem như là một tác phẩm gần như hướng đến sự toàn thiện, toàn mỹ. Đọc tác phẩm, độc giả sẽ cảm nhận được những nếp sống cũ, những nét nghệ thuật cổ thanh cao của một nền văn minh xưa cũ và có chút tiếc nuối cho những cái đẹp.
“Đẹp” từ việc đo đếm được sức đi của “bút chì” của ông Lý Văn trong truyện Ném bút chì, với sức ngang tàng của cái “bút chì” ấy có thể lụy cả một cành tre đấy cho đến cái nghệ thuật cầu kỵ trong việc lồng ghép cả một tích truyện vào trong chiếc đèn xẻ rãnh của ông Cử Hai làm cho cậu con Ngộ Lang. Những cái nghệ thuật cầu kỳ phức tạp nhưng đầy ý nghĩa đó chẳng thể nào bắt gặp được nữa ở giữa xã hội hiện đại bây giờ…
Nhà văn Nguyễn Tuân. Ảnh: tư liệu. |
Lần lược đọc hết cả 12 truyện trong Vang bóng một thời, có lẽ mới hiểu hết được hai chữ thiên lương mà tác giả dùng trong truyện Chữ người tử tù, quả thật là “Đứng trước một cái chân tài thì người khinh bạc đến đâu cũng trở nên trung hậu”.
Cái đẹp theo ông phải được khởi phát từ tài năng và định vị ở thiên lương trong chính mỗi con người và để cảm nhận được nó ta phải cảm bằng tâm, bằng sự tương thông và cả sự trân trọng đặc biệt.
Nguyễn Tuân tỏ bày nỗi nặng lòng, nỗi mê đắm với cái đẹp bằng một giọng văn đôn hậu thanh cao, ngậm lẫn nhiều ngậm ngùi. Những người nghệ sĩ trong từng câu chuyện của ông đơn giản chỉ là tập trung hết sức trong chính cái công việc mà mình đã chọn.
Vang bóng một thời được hình thành trong buổi giao thời và có thể thấy cảnh và người trong tập truyện đều là cảnh và người không được miêu tả kỹ và cụ thể là ở đâu, chỉ rõ được rằng họ ở là dĩ vãng — thứ dĩ vãng đã một thời vang bóng. Những độc giả mẫn cảm với cái đẹp xưa cũ, tuyệt đối sẽ đắm đuối bần thần trong thế giới văn chương của Nguyễn Tuân.