Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn Quyến và nỗi đau không được ăn que kem

Cả lũ trẻ con có một que kem để ăn chung. Đến lượt Quyến thì đột nhiên có đứa hô toáng lên “không có bố thì không được ăn kem”. Thế là Quyến thút thít khóc chạy về đòi ông phải cho mình có bố.

Văn Quyến và nỗi đau không được ăn que kem

Cả lũ trẻ con có một que kem để ăn chung. Đến lượt Quyến thì đột nhiên có đứa hô toáng lên “không có bố thì không được ăn kem”. Thế là Quyến thút thít khóc chạy về đòi ông phải cho mình có bố.

Quyến sinh ra nhỏ như con mèo hen, ốm o dặt dẹo, lại phải sống nhờ những giọt sữa bú chực. Tội hơn, vừa được 2 tháng rưỡi tuổi thì cậu nhóc đã phải xa mẹ. Thương con lắm nhưng hết thời gian nghỉ phép, bà Niềm phải trở lại với công việc. Ngày giao con cho ông bà ngoại, mẹ Quyến khóc hết nước mắt. Ban đầu, bà Niềm chỉ làm ở Hà Tĩnh, tuần còn một lần nhảy xe về thăm con được một lần.

Từ Hà Tĩnh, bà Niềm nhảy xe khách về đến cầu Bến Thuỷ, rồi chầu chực ở đấy chờ xem có ai cho đi nhờ tới Hưng Nguyên. Từ huyện về đến xã Hưng Tiến của bà gần 5 cây số nữa, bà phải cuốc bộ. Làm lụng vất vả cả tuần, được ngày nghỉ thì đi lại đứt hơi, nhưng nỗi nhớ con khiến bước chân bà thêm khoẻ. Mỗi lần bà Niềm về là Quyến có thêm hộp sữa. Đấy là loại sữa đặc có đường lưu cữu cả năm giời trong kho mậu dịch, dốc ra pha cho con uống thì đã vàng khè, nhưng với bà Niềm thì như thế đã là hạnh phúc lắm rồi.

Được vài tháng, bà Niềm lại phải theo đơn vị vào tận Quảng Bình làm. Khoảng cách xa xôi nên rất hiếm khi mẹ về thăm Quyến, thằng bé sinh ra nặng có 1,8 kg được "giao khoán" cho ông bà ngoại.

Không có ông ngoại, Quyến đã chẳng thể sống qua tuổi thơ cơ cực để rồi trở thành thần đồng bóng đá Việt.

Trong cuộc đời của Quyến, người có ơn nuôi dưỡng anh nhiều nhất chính là ông ngoại - ông Hồ Văn Điệp. Lúc bé, Quyến còi cọc, táo bón quanh năm. Đặc biệt, cứ đến hè là người cậu bé lại đầy rôm, mụn nhọt. Bà Niềm bảo nhớ cái đợt Quyến được hai tuổi rưỡi, cả vùng gáy và trán không chỗ nào lành lặn. Lưng Quyến nổi đầy nhọt, cái nào cái ấy to bằng hạt mít, tấy đỏ, mưng mủ, ngòi xanh lè. Quyến nằm ngửa không được, nằm sấp cũng chẳng xong, cựa đâu cũng đau rát. Thương cháu khóc ròng, ông ngoại Quyến phải thức cả đêm làm cái gối cho cháu ngủ ngồi, luôn tay quạt.

“Thằng Quyến mà không có ông ngoại thì hắn chết chứ nỏ sống được. Tui đi biền biệt, đẻ ra con mà có chăm được hắn ngày mô? Một tay ông ngoại hắn cả. Quyến lớn lên được chút nào là lưng ông ngoại hắn lại còng đi thêm chút đó”, mẹ Quyến rớt nước mắt kể lại.

Quyến được ông bà ngoại yêu thương hết lòng nhưng điều đó vẫn không đủ để nguôi đi sự đau đớn, tủi nhục vì không có bố. Thời ấy, lũ trẻ trong xóm luôn coi chuyện Quyến không có bố là trò đùa. Cứ thi thoảng chúng lại gọi Quyến là "thằng không có bố" rồi "hít-le không chơi cùng", khiến Quyến khóc hết nước mắt.

Văn Quyến trong lần chở mẹ đi thắp hương cho tổ tiên.

Theo lời ông ngoại Quyến kể, có lần cả lũ trẻ con có một cây kem, 5-7 đứa đứng vòng tròn, mắt nhìn hau háu chờ tới lượt để được lè lưỡi liếm một cái. Quyến chờ mãi mới tới lượt mình nhưng khi một thằng hét "không có bố không được mút", khiến Quyến mất cơ hội. Thế là Quyến vừa khóc vừa chạy về đòi ông cho bố. Hai ông cháu chẳng biết làm sao, chỉ ôm nhau khóc.

Bị trêu mãi là "thằng không có bố", cũng có lúc Quyến không chịu được, sừng cồ. Quyến từng vác nửa viên gạch to đùng táng thẳng vào trán thằng nhóc hơn tuổi cùng xóm vì dám gọi mình là "thằng không bố". Lần ấy, Quyến bị mẹ đối thủ nổi điên tát một cái trời giáng, hằn cả bàn tay lên má nhưng nó không khóc...

Kỳ sau: Chuyện đôi giày đá bóng của Văn Quyến

Khánh An

Theo Infonet

 

Khánh An

Theo Infonet

 

Bạn có thể quan tâm