Phạm Văn Quyến công bố sự hiện diện của mình cách đây 15 năm. Trong màu áo U16 Việt Nam ngày ấy, Quyến cùng các đồng đội ghi lại khoảnh khắc huy hoàng của bóng đá trẻ nước nhà khi đả bại Trung Quốc để tiến vào bán kết VCK U16 châu Á.
Khán giả Đà thành đến nay vẫn không quên cú sút phạt bật cột rồi bật tiếp vào người thủ môn trước khi từ từ lăn vào lưới, khởi đầu cho cú ngược dòng lịch sử của U16 Việt Nam.
Quyến ngày đó mới ra ràng, nhưng trông chững chạc hơn các đồng đội với mái tóc bổ ngôi giữa tựa ca sĩ Đan Trường, móng tay để dài và thi thoảng hất tóc khá điệu. Nhìn Quyến, không ai nghĩ cậu thanh niên mới lớn ấy lại là ngôi sao bóng đá, thậm chí là của hiếm của bóng đá Việt Nam.
Nhưng Quyến lại thể hiện mình hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của tất cả. Quyến trên sân (lúc 16 tuổi) đầy đam mê và nhiệt huyết. Quyến đá bóng bằng khối óc, bằng tài năng thiên bẩm nhưng lại phản ứng bằng… trái tim. Trái tim ấy thì nắng mưa thất thường hệt như thời tiết miền Trung, nắng dữ dội, gió thổi lửa nhưng mưa cũng thật kinh hoàng.
Cho nên, ngay từ thời trẻ, Quyến đã đầy sức hút với lượng fan yêu ghét ngang ngửa nhau. Quyến có thể đưa các cổ động viên lên mây xanh bằng những pha xử lý quái chiêu hiếm có. Và Quyến cũng có thể khiến người hâm mộ tụt xuống chín tầng địa ngục bằng những hành động khó hiểu của mình.
Tựu trung lại, người ta thấy chàng trai xứ Nghệ này là một đề tài tranh cãi không dứt. Yêu thương, giận hờn, ghét bỏ rồi lại yêu thương… Có lẽ, chỉ Quyến mới là cái tên khiến người ta nhớ cho đến tận bây giờ.
Ngày dính đại án Bacolod, Quyến lụp xụp trong chiếc áo rộng, đi như chạy ở C14. Quyến không tiếp xúc ai, chẳng gặp gỡ ai, môi mím chặt, mắt trực tràn nước. Nhưng Quyến cũng đủ bản lĩnh để không "tuôn mưa" trước người lạ.
Có người bảo: “Thằng béo khóc khi ở trại giam đến sưng mắt. Nó khóc vì mẹ - người đàn bà duy nhất – nó cảm thấy có lỗi. Còn lại thì nó chịu”.
Thời gian sau, Quyến chỉn chu trước vành móng ngựa với bộ sơ-mi trắng, quần tối màu, tóc vẫn bổ ngôi giữa nhưng ánh mắt thì cúi gằm.
Quyến bị người ta ném vào người nhiều lời lẽ nặng nề, những trách móc lao đao. Nhưng sau cùng, người ta lại muốn ôm Quyến vào lòng để cứu vãn một thần đồng lạc lối.
Ngày Quyến trở lại, sân Vinh đông như mở hội. Người ta muốn đến đấy để chứng kiến cậu bé vàng hồi sinh. Nó khác hẳn với cách trở lại của các đồng đội “nhúng chàm” như Quyến, ồn ào và náo nhiệt. Có cảm giác, đại án Bacolod chưa từng xảy ra trong ngày Quyến trở lại sân cỏ.
Nhưng Quyến thêm một lần gây tranh cãi bằng thân hình béo ú, bằng sự chậm chạp của mình, dù kỹ năng điều khiển trái bóng của Quyến vẫn không lẫn vào đâu được.
Sông Lam sẵn sàng làm bệ phóng, các đồng đội thi nhau trợ giúp nhưng Quyến không thể trở lại là chính mình. Sự xa cách quá lâu, sự lắng đọng quá lớn khiến "cậu bé vàng" ngày nào chỉ còn lại quá khứ để ăn dần.
Quyến phải chia tay xứ Nghệ để đến với Xuân Thành Sài Gòn, rồi Ninh Bình. Trên mảnh đất xi măng và những ông chủ… thời tiết nhất nhì V.League, Quyến nhận lương tuần, được định giá theo số lần vào sân. Quyến chấp nhận và coi đó như những chuyến du mục cuối cùng của sự nghiệp.
Sài thành thì ít dấu ấn, nhưng ở Ninh Bình, thi thoảng Quyến vẫn khiến người hâm mộ phát cuồng vì những nét vẽ không lẫn lộn trên sân cỏ. Quyến dù không còn hào hoa nhưng cũng đủ tạo nên một dư vị rất riêng cho bóng đá nội.
Ngày Quyến cưới vợ cũng là ngày người ta thấy lần duy nhất chàng trai vàng một thuở trái ý đấng sinh thành. Mẹ Niềm của Quyến chọn cho con trai một bà chị phương xa vì nghĩ rằng, thằng bé cần có một… "bà mẹ" khác để chăm sóc.
Bà chị ấy không hiện diện bao giờ và chỉ xuất hiện trong đời Quyến như một kẻ vô hình, nhưng lại ăn ý với mẹ Niềm. Có thời điểm, người ta nghĩ đến cuộc hôn phối của Quyến sẽ được tổ chức theo phong cách của chế độ phong kiến. Tức là Quyến được đặt vào chỗ chọn sẵn, lúc nâng khăn che mặt cô dâu mới biết người mình lấy là ai.
Nhưng Quyến cũng kịp là đàn ông khi mẹ Niềm không còn cách nào để lựa chọn. Cô dâu Thanh Hằng của Quyến còn xinh hơn hot girl, da trắng, môi đỏ, eo thon.
Lần trái ý của Quyến cũng là lần mẹ Niềm cảm thấy tự hào về con trai từng lầm lỗi, từng là nỗi đau khắc khoải cả đời.
Ngày sinh nhật 31 của Quyến không lung linh như hồi anh còn tung hoành sân cỏ. Hoa vẫn đầy, nhạc vẫn nổi và nến vẫn sáng cháy. Nhưng hoa là của vợ, nến cũng của vợ, còn nhạc thì Quyến tự hát – bản nhạc của cuộc sống mới không bóng đá chuyên nghiệp.
Quyến bây giờ là người đàn ông ngoài băm, cái tuổi đã biết chiêm nghiệm và ngồi lại cho tĩnh. Quyến không còn mái tóc bổ ngôi giữa như ca sĩ của bản hit Kiếp ve sầu, cũng chẳng còn kiểu chơi bóng “quặt lên, quặt xuống” của tuổi 16, Quyến chọn cho mình một con đường khác, bình dị và bằng phẳng hơn. Nhưng chắc chắn, Quyến vẫn sẽ gắn bó với cái nghiệp này, để mỗi lần đi qua đại lễ 30/4, người ta còn có dịp nhớ đến thần đồng một thuở.