Buổi ra mắt sách Sư đệ - Học phái Dưỡng sinh nhu quyền (Sư đệ) diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam 2017 (tại công viên Thống Nhất, Hà Nội).
Đông đảo bạn đọc, môn sinh của học phái Dưỡng sinh Nhu quyền đã tới tham dự buổi ra mắt sách. Đặc biệt, những văn nhân, nghệ sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội cùng thế hệ với Việt Trung (nói theo cách của nhà văn Nguyễn Việt Hà là những "gã cao bồi già Hà Nội") tới chúc mừng tác giả, ôn lại kỷ niệm một thời.
Tiểu thuyết Sư đệ của tác giả Trần Việt Trung. |
Sư đệ là tiểu thuyết nói về võ thuật. Nhân vật Tám, một học sinh Hà Nội, từ những đụng độ kiểu học trò kiểu khảng khái, nghĩa hiệp, trải qua những biến cố, trong đó có cả sai lầm, nóng nảy, trở thành một đệ tử học võ thành tâm, rồi trưởng thành thành một võ sư luôn giữ vững đạo nghĩa.
Thông qua câu chuyện trưởng thành của Tám, thông qua mối quan hệ thầy và trò, tác phẩm đưa ra một triết lý: việc học và dạy võ chính là việc dạy và học làm người.
Tuy viết về võ thuật, song Sư đệ gợi cho bạn đọc, nhất là những độc giả sinh trưởng tại Hà Nội nhớ về một thời đã qua. Chính tác giả Trần Việt Trung – một người Hà Nội - cũng cho biết, ông viết cuốn sách này với mong muốn mở lại những trang đời thơ ấu của mình. Bởi vậy, quá trình trưởng thành của một nhân vật trong lòng Hà Nội đã tái tạo lại không gian thời đó.
Nhà báo Vũ Công Lập cho rằng: “Sư đệ Học phái Dưỡng sinh Nhu quyền là một cuốn sách để tri ân Hà Nội”. Câu chuyện tác phẩm diễn ra trong lòng Hà Nội với những ngôi trường, ngõ phố, vỉa hè, ánh trăng, những mặt hồ long lanh Hà Nội.
Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn – một người viết rất nhiều về Hà Nội – nhìn nhận Sư đệ như một biên niên sử về lứa thanh niên Hà Nội những năm 1970. Ông nói: “Đọc Sư đệ, tôi được thấm lại không gian, không khí của một Hà Nội quá thân thương, mà nay đã không còn. Bây giờ người ta ứng xử với nhau xô bồ, ra đường là gặp ti tỉ thứ khó chịu. Hà Nội thời đó không sung túc như bây giờ, nhưng đầy tinh thần thượng võ” – Đỗ Phấn nói.
Bình Ca – tác giả Quân khu Nam Đồng (một cuốn sách viết về những đứa trẻ ở Hà Nội những năm 1970) - đưa ra so sánh: “Câu chuyện của Quân khu Nam Đồng xảy ra trước năm 1975, còn Sư đệ là câu chuyện của một thế hệ sau năm 1975. Câu chuyện của tôi là về những đứa trẻ đánh nhau tự phát, còn chuyện của Việt Trung là những câu chuyện của những đứa trẻ được đào tạo bài bản”. Tuy có sự khác nhau, nhưng Hà Nội trong sách của Bình Ca và Việt trung đều toát lên tinh thần trượng nghĩa.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói khi đọc Sư đệ, ông gặp lại trong trang sách này một Hà Nội với nhiều kỷ niệm: “Tôi đọc mà rưng rưng, vì thấy mình trong đó. Những người đang viết về Hà Nội như Việt Trung, Bình Ca, dù họ không chọn văn làm nghiệp, thì họ vẫn xứng đáng có một chỗ đứng trên văn đàn”.
Võ sư Trần Việt Trung (giữa) trong buổi ra mắt tác phẩm Sư đệ. Ảnh: Tần Tần |
Tác giả Trần Việt Trung là một võ sư, bên cạnh công việc một nhà quản lý hệ thống sản xuất, Trần Việt Trung đã dành tâm sức trong một thời gian dài thâm nhập cổ học, y học, võ học và viết văn.
Năm 2013, ông xuất bản cuốn Quyền sư, bất ngờ tác phẩm trở thành sách ăn khách. Ông tiếp tục cho ra mắt Thầy Thiên Đức năm 2016, và mới nhất là Sư đệ – Học phái Dưỡng sinh Nhu quyền.