Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vấn nạn 'tin giả' và nguy cơ từ mạng xã hội

Báo chí đứng trước nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, trong khi nguồn thu quảng cáo trực tuyến dịch chuyển mạnh về các nền tảng xuyên biên giới.

Sáng 26/12, Hội nghị Báo chí toàn quốc, tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 diễn ra tại TP.HCM. Tham dự hội nghị có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông; ông Thuận Hữu - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam...

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá 2017 là năm nhiều thử thách nhưng đội ngũ báo chí thể hiện sự nỗ lực, sáng tạo đáng ghi nhận.

“Có những nhà báo có mặt ở nơi khó khăn, nơi đầu sóng ngọn gió để thông tin kịp thời đến bạn đọc. Có nhà báo hy sinh mạng sống của mình để hoàn thành sứ mệnh của người cầm bút”, ông Võ Văn Thưởng bày tỏ.

Hoi nghi bao chi toan quoc anh 1
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Ảnh: Liêu Lãm.

Tuy nhiên, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh đến những thiếu sót, bất cập ở một số tờ báo. Đó là khuynh hướng giật gân, câu khách, thiếu nhạy cảm chính trị, dễ dãi trong trích nguồn, "xào" tin bài của báo khác.

Ông Thưởng dẫn ví dụ 59 tờ báo vi phạm khi đưa tin khởi tố hai nguyên lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam. “Nhiều báo lấy tin từ Thông tấn xã nhưng để chứng tỏ mình có nguồn tin nên ghi theo nguồn tin riêng. Đến khi vụ việc vỡ lở, chối không được nên mới khai thật là lấy của Thông tấn xã”, ông Thưởng nói.

“Liên minh báo chí” vòi vĩnh doanh nghiệp

Trước đó, trong báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2017, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cũng chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế của báo chí như tình trạng “đánh hội đồng”, kết án vụ việc, hiện tượng mà không cần xem xét đến các quy trình của pháp luật.

Tình trạng “suy đoán có tội” phát triển trong báo chí hiện nay gây thiệt hại rất lớn đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, làm giảm lòng tin của công chúng và chính quyền các cấp vào báo chí.

Hoi nghi bao chi toan quoc anh 2
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo. Ảnh: N.C.

Thậm chí, có tình trạng phóng viên liên kết thành những “liên minh báo chí” tổ chức theo nhóm lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, theo kiểu ép ký hợp đồng quảng cáo, hợp tác truyền thông và gỡ, sửa tin bài sau khi đăng một cách tuỳ tiện, vụ lợi. Cá biệt, một số phóng viên, nhà báo đã vi phạm pháp luật trong quá trình tác nghiệp, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo cũng nhìn nhận báo chí đang đăng tải quá nhiều thông tin về mặt trái của xã hội. Tình trạng thông tin phản cảm, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, giật gân câu khách về những vụ việc liên quan đến người nổi tiếng hoặc miêu tả các hành vi tội ác, các vụ án với nhiều chi tiết tỉ mỉ, rùng rợn... vẫn tiếp diễn, chưa được khắc phục triệt để, gây cảm giác nặng nề, u ám trong đời sống xã hội.

Những nguy cơ của mạng xã hội

Sự ra đời và phổ cập Internet đã và đang tạo thành cuộc cách mạng thông tin thực sự. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, mạng xã hội cũng tạo ra không ít ảnh hưởng tiêu cực. 

Thứ nhất là nguy cơ chi phối, lấn át về thông tin. Báo chí đang đứng trước nguy cơ bị truyền thông xã hội “vượt mặt” trong việc cung cấp thông tin đến độc giả.

Nhờ được cập nhật liên tục những công cụ, tính năng công nghệ mới, mạng xã hội ngày càng nâng cao khả năng “truyền thông”, khiến báo chí mất dần vị thế “độc quyền” trên phương diện này, thậm chí có lúc mạng xã hội lấn át cơ quan báo chí về độ nhanh nhạy, cập nhật thông tin và cả sự quan tâm của độc giả, đặc biệt trong các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp.

Thứ hai là nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi tin tức giả mạo. Thông tin trên mạng xã hội mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, động cơ, mục đích không rõ ràng, thậm chí là với mục đích xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để lôi kéo sự chú ý. Báo chí không kiểm chứng thông tin sẽ dẫn đến thông tin sai sự thật. 

Thứ ba là nguy cơ phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội để tăng lượng truy cập. Khi những mạng xã hội lớn như Facebook dùng tính năng hạn chế chia sẻ đường dẫn tin, bài báo trên nền tảng của họ thì báo chí có nguy cơ sụt giảm lượng người đọc và giảm khả năng tương tác.

Trong tham luận tại hội nghị, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng tin giả (fake news) đang ảnh hưởng đến báo chí hiện nay. Theo ông Minh, tin giả như một dịch bệnh khủng khiếp và mạng xã hội đang là môi trường thuận lợi để lan truyền chúng nhanh hơn nhiều lần.

“Nhiều tờ báo chạy đua tuyệt vọng với mạng xã hội, giảm tín nhiệm với người dân. Sẽ ra sao nếu người dân không còn tin vào báo chí, tin giả nhiều hơn tin thật?”, ông Minh đặt câu hỏi.

Google, Facebook chiếm lĩnh quảng cáo trực tuyến

Theo báo cáo, tổng doanh thu năm 2017 trong lĩnh vực báo in và điện tử ước tính đạt khoảng 2.600 tỷ đồng, các đài phát thanh, truyền hình đạt khoảng hơn 10.500 tỷ đồng.

Nguồn thu quảng cáo trực tuyến dịch chuyển mạnh về các nền tảng xuyên biên giới. Hiện nay, thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam chịu sự chi phối ngày càng mạnh của Google và Facebook. Hai đại gia công nghệ này chiếm đến 66% thị phần quảng cáo trực tuyến trong nước, các mạng lưới quảng cáo trực tuyến (Ad network) chiếm 27% thị phần, các trang web trong nước chỉ chiếm 7% thị phần.

Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, điều này dẫn đến nguy cơ các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo hình và báo điện tử không thu hút được quảng cáo, không tự chủ được chi phí hoạt động, dẫn đến những “biến tướng” về tôn chỉ, mục đích, ảnh hưởng đến chất lượng nội dung.

Trong khi đó, chi phí để sản xuất các tác phẩm báo chí đang bị đội lên rất lớn do chi phí bản quyền tăng, đầu tư máy móc, thiết bị mới, hiện đại để đáp ứng yêu cầu về đổi mới công nghệ và các loại chi phí khác theo quy định của pháp luật có liên quan như thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất, trụ sở.

Ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cho rằng đặc điểm của báo chí Việt Nam là 80% nguồn thu của tờ báo phụ thuộc vào quảng cáo.

“Tuy nhiên, nguồn thu từ quảng cáo hiện nay chủ yếu rơi vào tay các đại gia như Google và Facebook. Chúng ta phải chuyển dịch, phải nghĩ đến việc làm thế nào để bán được nội dung tờ báo”, ông Hùng nói.

Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng kêu gọi các cơ quan báo chí hợp tác xây dựng mạng quảng cáo riêng cho báo chí Việt Nam để làm đối trọng với các trang quảng cáo khác của nước ngoài.

'Doanh nghiệp VN dừng quảng cáo khiến Google phải sàng lọc clip đen'

"Thời gian qua, các doanh nghiệp đồng loạt ngừng quảng cáo... sức ép từ cộng đồng buộc Google phải có biện pháp sàng lọc nội dung", bà Ninh Thu Hương, Cục trưởng Văn hóa Cơ sở nói.

Vui buồn với báo chí Việt Nam năm 2016

Trong năm 2016, từ mỗi thành tựu kinh tế - xã hội; mỗi sự kiện, việc làm góp phần cải thiện môi trường sinh sống và sự phát triển của nhân dân; mỗi điều tốt được nâng niu.


Hà Hương

Bạn có thể quan tâm