Sự việc của Byeon Woo Seok gây tranh cãi suốt thời gian qua ở showbiz Hàn Quốc đã hướng sự quan tâm của truyền thông, giới quản lý lẫn khán giả vào các sân bay. Theo truyền thông Hàn Quốc, mỗi khi có người nổi tiếng, đặc biệt các ngôi sao hàng đầu ra sân bay, nơi đây lại bị biến thành một đống hỗn loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới những hành khách khác, thậm chí đe dọa tính mạng nhiều người.
"Bầy đàn vây quanh những người nổi tiếng"
"Thật là một mớ hỗn độn", đó là cách Hwang, một phụ nữ ở độ tuổi 20, mô tả cảnh tượng khi cô nhìn thấy nhóm nhạc nam Kpop ENHYPEN đến Sân bay quốc tế Gimpo cách đây vài năm.
"Có quá nhiều người, đến nỗi thật lạ khi không ai bị thương. Tôi thậm chí không phải người hâm mộ ENHYPEN, cũng không phải một phần của sự hỗn loạn đó, nhưng chỉ cần nhìn vào đám đông đó thôi cũng khiến tôi cảm thấy ngột ngạt", cô chia sẻ với tờ The Korea Times.
ENHYPEN và nhiều nhóm nhạc nổi tiếng luôn gây náo loạn mỗi khi tới sân bay. Ảnh: iMBC. |
Không còn là điều bất thường khi thấy những nhóm người hâm mộ lớn vây quanh người nổi tiếng tại sân bay. Đây là một trong những địa điểm phổ biến nhất ở Hàn Quốc để ngắm nhìn người nổi tiếng. Những người hâm mộ thường chờ đợi ở sân bay hàng giờ, thậm chí mang theo những chiếc máy ảnh nặng chỉ để có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với thần tượng.
Không giống các buổi hòa nhạc hay họp mặt người hâm mộ, một buổi gặp gỡ tại sân bay là miễn phí, không cần tham gia các cuộc chiến săn vé khốc liệt. Nó thậm chí cung cấp cho người hâm mộ cơ hội tương tác ở cự ly rất gần với thần tượng, đồng thời có thể chụp ảnh và quay video cận cảnh.
"Lúc đầu tôi tự hỏi liệu họ có thực sự cần làm đến mức đó không, nhưng sau đó tôi nhận ra họ muốn nhìn thấy thần tượng yêu thích ở cự ly gần đến mức nào. Đây là cơ hội khá hiếm để được nhìn thấy và chụp ảnh, quay video ngôi sao yêu thích", Hwang nói thêm.
Một phóng viên ảnh của cơ quan truyền thông địa phương chia sẻ với tờ The Korea Times hiện nay khi chờ đợi những người nổi tiếng tại sân bay, anh thường thấy những người hâm mộ mang theo "thiết bị tiên tiến, đắt tiền hơn nhiều" so với thiết bị của anh.
"Chúng tôi gọi họ là 'người bán dữ liệu’, vì hầu hết người mang theo máy ảnh lớn ở sân bay không hẳn là người hâm mộ. Họ bán những bức ảnh chụp được cho người hâm mộ để kiếm tiền. Số người này kết hợp người hâm mộ thường xuyên sử dụng điện thoại và các phóng viên được cử tới chụp ảnh, quay video tạo nên một bầy đàn vây quanh những người nổi tiếng", phóng viên giải thích.
Nhóm nhạc ITZY trong một lần tới sân bay. Ảnh: Osen. |
Theo phóng viên ảnh, xu hướng người hâm mộ vây quanh người nổi tiếng tại sân bay bắt đầu vào những năm 2010 với sự trỗi dậy của "thời trang sân bay". Cụ thể, trang phục mỗi khi ra sân bay của người nổi tiếng đóng vai trò là công cụ quảng cáo. Việc đó biến những chuyến bay thông thường thành buổi trình diễn thời trang. Khi những bộ trang phục tạo ra hiệu ứng quảng cáo đáng kể, nhiều thương hiệu thời trang bắt đầu tận dụng sự xuất hiện của người nổi tiếng tại sân bay để quảng cáo, làm mờ ranh giới giữa không gian cá nhân và sự phô trương trước công chúng.
"Khoảng 10 năm trước, khi làn sóng Hàn Quốc được công nhận trên toàn cầu, chúng tôi bắt đầu nhận được yêu cầu đưa tin tại các sân bay, đánh dấu sự khởi đầu của cơn sốt tại nơi này. Từ thời điểm đó, không chỉ người hâm mộ Hàn Quốc mà cả fan nước ngoài bắt đầu tụ tập tại các sân bay để được nhìn thoáng qua những người nổi tiếng", phóng viên cho biết.
Thách thức cho Kpop
Park, một người đàn ông ngoài 50 tuổi làm tài xế xe buýt ở sân bay, đã mô tả những ngày người nổi tiếng đến sân bay là "cực kỳ hỗn loạn".
"Những người nổi tiếng tạo dáng chụp ảnh trước cửa ra vào sân bay hay ở mỗi bên đường dành cho người đi bộ. Sau đó, họ đi vào bên trong, theo sau là đám đông người hâm mộ háo hức. Đó là lúc tình trạng xô đẩy bắt đầu", ông Park nói.
Với lý do an toàn ở những nơi đông người, hầu hết người nổi tiếng có xu hướng thuê bảo vệ tại sân bay. Tuy nhiên, điều này không tránh khỏi dẫn đến những cuộc đụng độ bất ngờ giữa nhân viên an ninh và một số người hâm mộ quá khích hoặc thậm chí du khách bình thường.
Một sự cố gần đây liên quan đến nam diễn viên Byeon Woo Seok đã gây tranh cãi dữ dội. Cụ thể là khi anh rời Sân bay quốc tế Incheon để bay tới Hong Kong, tham dự sự kiện dành cho người hâm mộ. Khi người hâm mộ vây quanh nam diễn viên, 6 vệ sĩ do công ty quản lý của anh thuê bắt đầu chiếu đèn vào họ. Thậm chí có cáo buộc những vệ sĩ này đã vượt quá giới hạn khi kiểm tra vé lên máy bay của một số hành khách trong phòng chờ. Đây là điều nhân viên an ninh tư nhân không được phép làm.
Vụ việc của Byeon Woo Seok đặt ra thách thức mới cho Kpop. Ảnh: Iplus. |
Nhóm nhạc nam Kpop Cravity cũng gặp vấn đề tương tự. Một người dùng ẩn danh trên X, trước đây là Twitter, tự nhận là trẻ vị thành niên, tuyên bố đã "bị một vệ sĩ đánh vào đầu khi Cravity đến Sân bay quốc tế Gimpo ngày 23/6". Người này cho biết đã bị chấn thương não và đệ đơn kiện vệ sĩ.
Việc bảo vệ quá mức có thể gây ra vấn đề. Nhưng không bảo vệ đầy đủ cũng có thể dẫn đến nhiều mối nguy hại khác.
Gần đây, một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội ghi lại cảnh đám đông tụ tập để xem ngôi sao Nữ hoàng nước mắt Kim Ji Won tại sân bay. Họ xô đẩy nhau bất chấp nguy hiểm. Video làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gây thương tích nghiêm trọng.
Nhà phê bình văn hóa Kim Seong Soo cho biết tình hình này đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các công ty giải trí.
"Họ nên tiếp tục để nghệ sĩ xuất hiện tại các sân bay để tăng sự nổi tiếng hay ưu tiên bảo vệ quyền riêng tư của nghệ sĩ?. Đây là vấn đề cân bằng giữa nhu cầu nổi tiếng và quyền con người. Với những công ty kiếm lợi từ sự nổi tiếng của nghệ sĩ, đây không phải quyết định dễ dàng", nhà phê bình nói.
Cuốn sách hay về Kpop:
Các cuốn sách Shine, I'll Be The One, Kpop Revolution... khai thác nhiều khía cạnh trong Kpop như quá trình trở thành thần tượng, khó khăn, áp lực từ công chúng. Trong đó, tiểu thuyết Shine của Jessica Jung (cựu thành viên SNSD) kể về Rachel Kim - thực tập sinh tại một trong những công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc. Để thực hiện ước mơ, Rachel phải đối mặt với nhiều thử thách khác nhau trong giới giải trí.