Erica Shu, sinh viên năm cuối Đại học Hong Kong cho biết khi thực tập tại một công ty môi giới ở Thượng Hải, cô đã bị sốc khi chỉ có một người phụ nữ dưới 30 tuổi trong số 30 người đang làm việc tại phòng đầu tư. Theo thông tin từ những nhân viên khác, phòng đầu tư đã ngừng tuyển phụ nữ hai năm trước vì các ứng viên nữ chỉ có “giá trị thấp” trong ngành công nghiệp tài chính. Các nhà quản lý cho rằng nữ giới khó có thể thích nghi với công việc kéo dài nhiều giờ và các chuyến công tác định kỳ.
Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW), tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và chất lượng giáo dục ở phụ nữ ngày càng được nâng cao trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới ở thị trường việc làm và nơi làm việc của Trung Quốc không có dấu hiệu cải thiện.
Xu hướng phân biệt đối xử giới tính ở các khu vực công và tư đang ngày càng trở nên tệ hơn, theo báo cáo mang tên Only Men Need Apply: Discrimination in Job Advertisements in China (tạm dịch: Chỉ đàn ông cần xin việc: Phân biệt đối xử trong tuyển dụng ở Trung Quốc) của HRW.
Kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển, nhưng các chính sách chống phân biệt giới trong công ty Trung Quốc vẫn đi sau thế giới. Ảnh: AP. |
Da đẹp và gầy mới được tuyển?
Kenneth Roth, giám đốc điều hành của HRW, cho biết: “Xét về lực lượng nhân công, những khác biệt giữa số lượng tham gia của nữ giới và nam giới, tỷ lệ cân bằng giữa nam và nữ, mọi thứ đều đi sai hướng và gây ảnh hưởng lớn đến 700 triệu người”.
Sự phân biệt đối xử thể hiện từ việc nữ giới không được xét tuyển cho đến việc họ bị đòi hỏi đáp ứng một số đặc điểm thể chất. 13% công việc trong danh sách dịch vụ dân sự xác định rõ “chỉ dành cho nam”, “ưu tiên cho nam giới” hoặc “phù hợp với nam”. Năm nay tỷ lệ này đã tăng lên 19%, báo cáo cho biết. Không có công việc nào được ghi thích hợp với nữ trong năm 2017.
“Nếu các thông báo tuyển dụng của chính phủ cho thấy những dấu hiệu bất bình đẳng giới, điều đó nghĩa là các công ty được phép làm điều này”, ông Roth nói.
Một số công ty công nghệ có những quảng cáo tuyển dụng dành riêng cho nam giới. Họ còn sử dụng hình ảnh phụ nữ xinh đẹp trên áp phích, tờ rơi và video trong các chiến dịch tuyển dụng để thu hút các ứng viên nam, theo HRW sau khi phân tích 36.000 quảng cáo việc làm trong giai đoạn 2013- 2018.
Các đoạn video quảng cáo tuyển dụng thường có cảnh nhân viên nam nói rằng đây chính là lý do chính họ ứng tuyển, và tại sao họ lại cảm thấy hạnh phúc mỗi khi đi làm.
Hình ảnh trên các thông báo tuyển dụng của nhiều công ty Trung Quốc cho thấy phụ nữ thường bị xem là "tiện ích" tại văn phòng. Ảnh: HRW. |
Meituan, nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến theo yêu cầu lớn nhất Trung Quốc, bác bỏ việc họ đã phê duyệt áp phích tuyển dụng có nội dung như vậy trong khuôn viên vào năm 2012. Meituan tuyên bố sẽ có chính sách nghiêm ngặt để ngăn chặn phân biệt đối xử. Tất cả bài viết tuyển dụng chính thức của Meituan đều phải tuân thủ các điều khoản này.
Phát ngôn viên của Alibaba cho biết phụ nữ chiếm 1/3 vị trí quản lý của công ty. Alibaba cũng có những chính sách cụ thể về bình đẳng giới tính trong quá trình tuyển dụng. "Alibaba sẽ tiến hành đánh giá chặt chẽ hơn về các quảng cáo tuyển dụng để đảm bảo tuân thủ chính sách", người phát ngôn khẳng định.
Bên cạnh đó, phát ngôn viên của Tencent cũng đã xin lỗi vì các quảng cáo mang tính phân biệt đối xử của mình. "Những sự cố rõ ràng không phản ánh giá trị của chúng tôi" họ nói. “Chúng tôi đã điều tra và đang nhanh chóng sửa đổi. Chúng tôi rất tiếc vì để điều này xảy ra và cam kết hành động nhanh chóng để đảm bảo không xảy ra lần nữa. ”
Liên quan đến quảng cáo việc làm của Baidu được trích dẫn trong báo cáo, phát ngôn viên của Baidu cho biết: “Chúng tôi vô cùng hối hận về các trường hợp đăng tuyển dụng không phù hợp với các giá trị công ty. Những bài đăng này đã được phát hiện và xóa trước khi báo cáo của Human Rights Watch phát hành. Đây chỉ là các trường hợp riêng biệt mà không hề phản ánh sự nỗ lực của công ty chúng tôi đối với việc giữ bình đẳng giới tại nơi làm việc”. Họ nói thêm: “Trong số 40.000 nhân viên của chúng tôi, 45% là nữ giới - một con số phản ánh những vị trí trung và cao cấp”.
Cũng giống với chính phủ, các công ty tư nhân có các quy định để đảm bảo bình đẳng về cơ hội việc làm, nhưng thiếu sự thi hành. Roth cho rằng: “Điều cần thiết là thực hiện nghiêm túc.”
Trong khi đó, ở tỉnh Hà Bắc, một quảng cáo tuyển dụng đưa ra yêu cầu phụ nữ phải nặng dưới 65kg (143Ib) mới có thể làm người chỉ đạo, theo HRW. Các ứng viên nữ phải có nét mặt dễ nhìn, không xăm, không có sẹo trên mặt, cổ hoặc cánh tay và da phải đẹp.
Định kiến sẵn có hay sự dung túng của nhà nước?
Giải thích cho hiện tượng trên, ông Roth nói: “Đằng sau phân biệt đối xử giới tính là những định kiến sẵn có của xã hội về năng lực và sự trung thành với công việc của phụ nữ”.
Kenneth Roth, giám đốc điều hành của HRW. Ảnh: South China Morning Post. |
Một cuộc khảo sát năm 2017 của nền tảng đăng tuyển việc làm tại Trung Quốc, Zhaopin cho thấy 22% phụ nữ Trung Quốc bị phân biệt đối xử nghiêm trọng khi tìm việc làm, so với 14% nam giới. Sự kỳ thị đối với phụ nữ trong thị trường việc bắt nguồn từ rất nhiều lý do, các chuyên gia tuyển dụng cho biết.
Simon Lance, giám đốc điều hành khu vực Trung Quốc mở rộng tại công ty tuyển dụng Hays, cho rằng phân biệt đối xử có thể không phải là kết quả của sự thiên vị. "Ở Trung Quốc đại lục, một số quảng cáo và các câu hỏi được hỏi trong quá trình tuyển dụng thường không chính xác về mặt chính trị và không tạo cơ hội bình đẳng giới như ở các thị trường lao động quốc tế khác", Lance nói.
Một trong những vấn đề lớn nhất đối với các công ty là phụ nữ có thai được nghỉ đến 98 ngày và vẫn được trả lương. Ở một số tỉnh và thành phố, việc nghỉ phép còn dài hơn, cụ thể ở Bắc Kinh là 128 ngày và tỉnh Hà Nam là 190 ngày. Để tránh những trường hợp này, một số công ty đặt điều kiện cho ứng viên phải là nam giới hoặc nữ giới nhưng phải kết hôn và có con. Lance cho biết phụ nữ ở Trung Quốc đều được hỏi về kế hoạch gia đình của họ khi phỏng vấn. Ở những nơi khác trên thế giới, vấn đề hỏi về con hoặc tình trạng hôn nhân của nữ giới là không thể chấp nhận.
Những tổ chức quyền công dân cho biết tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn với sự nới lỏng về chính sách một con. “Vào cuối năm 2015, Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con tồn tại lâu dài và cho phép mỗi gia đình có hai con. Điều này có thể làm trầm trọng thêm sự phân biệt giới tính trong việc tuyển dụng, vì người sử dụng lao động thậm chí có thể sẵn sàng thuê phụ nữ không có con dựa trên suy đoán họ có thể lấy hai đơn xin phép nghỉ thai sản trong quá trình làm việc ”.
HRW nhận xét chính phủ Trung Quốc không có luật lệ cần thiết để ngăn chặn nạn phân biệt giới trong các công ty. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc bị rơi xuống vị trí thứ 100 trong số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trong báo cáo khác biệt giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017. Sự suy giảm này là do việc nới lỏng chính sách một con và việc các công ty ưu tiên tuyển dụng nam giới. “Thế giới đang đi trước so với Trung Quốc,” Roth nói. “Trung Quốc ngày càng thể hiện sự bất bình đẳng giữa nam nữ. Và chính phủ phải chịu trách nhiệm lớn về việc này khi luôn cố gắng kiểm soát mọi thứ trong đất nước.”
Wang Quanxing, một giáo sư luật lao động tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, đồng ý với HRW về việc các nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể kỳ thị giới tính vì nó không nằm trong quy định của luật pháp Trung Quốc.
“Việc xử phạt ở Trung Quốc không đủ nghiêm khắc với hành vi phân biệt đối xử giới tính, điều này khuyến khích các công ty làm việc này”, Wang nói. Những phụ nữ bị kỳ thị đã chi tiền để kiện và tòa án miễn cưỡng chấp nhận nhưng số tiền quá nhỏ để chống lại các công ty.
Vào năm 2013, Cao Ju đã kiện trường dạy kèm Juren Academy ở Bắc Kinh vì từ chối thuê cô làm trợ lý hành chính với lý do chỉ tuyển nam giới. Tòa án Nhân dân quận Hải Điến chỉ chấp nhận vụ kiện sau những áp lực của công chúng, khi hơn 100 sinh viên đại học cùng ký một bản kiến nghị. Tuy nhiên, Juren đã giải quyết bằng cách trả tiền bồi thường là 30.000 nhân dân tệ (4.800 USD).
Ba người phụ nữ đã đâm đơn kiện các trường hợp tương tự ở Hàng Châu, Bắc Kinh và Quảng Châu, nhưng chỉ được bồi thường 2.000 nhân dân tệ (318 USD) cho mỗi thiệt hại.
Wang cho biết điều này một phần là do thiệt hại của việc mất cơ hội việc làm rất khó để xác định, không giống như khoản tiền lương của người lao động.
Geoffrey Crothall, giám đốc chương trình truyền thông tại tổ chức phi chính phủ Trung Quốc có trụ sở tại Hong Kong, chia sẻ ông hy vọng rằng sẽ có nhiều phụ nữ noi gương từ bốn trường hợp nêu trên. Nó sẽ giúp những người bị phân biệt can đảm hành động theo pháp lý và khẳng định lập trường trên các phương tiện truyền thông xã hội, buộc mọi người phải đương đầu với vấn đề.
Trong khi đó, Erica Shu đã quyết định từ bỏ thị trường việc làm ở Trung Quốc đại lục và tập trung tìm kiếm cơ hội ở Hong Kong. “Tôi từng tham gia nhiều sự kiện về nghề nghiệp dành cho phái nữ của các ngân hàng ở Hong Kong tổ chức và chưa bao giờ cảm thấy làm phụ nữ là thiệt thòi”, cô nói.