Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vẫn loay hoay tìm rau sạch

Trong khi nhu cầu ăn rau sạch ngày càng tăng, các địa chỉ cung cấp rau sạch càng nhiều, nhưng người tiêu dùng không dễ mua được rau sạch.

Chất lượng rau sạch có như quảng cáo hay không cũng khiến người tiêu dùng lo lắng. Rau ở chợ thì toàn hàng không bao bì, không nguồn gốc, không tiêu chuẩn. Rau ở siêu thị dù được đóng gói, giới thiệu các tiêu chuẩn an toàn nhưng người tiêu dùng cũng không biết nguồn gốc ở đâu, do phần lớn đều không ghi rõ nhà sản xuất.

Chọn rau chợ theo cảm tính

Ngày nào cũng đi chợ hay siêu thị về nấu ăn cho gia đình nhưng chị Phạm Thu Hương - nhân viên văn phòng của một công ty tại quận 1 (TP.HCM) - cho biết chưa bao giờ cảm thấy yên tâm với thực phẩm hằng ngày. “Ngoài đường, trong chợ và ngay cả trong siêu thị vẫn chủ yếu là rau không xuất xứ nơi sản xuất, không nhãn mác của người đóng gói và không có ai bảo đảm thì làm sao là rau sạch được” - chị Hương nói.

 Rau xanh không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan trên đường số 12, P.Bình An, Q.2, TP.HCM.
Rau xanh không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan trên đường số 12, P.Bình An, Q.2, TP.HCM.

Theo chị Hương, chỉ cần nhìn rau hay để ý khi bảo quản, chế biến ở nhà là cảm nhận được rau rất... không an toàn. “Nhưng biết mua rau sạch ở đâu nên cuối cùng cũng đành phải vào chợ hay siêu thị chứ biết làm thế nào” - chị Hương than.

Trong khi đó, chị Hoa (Q.Bình Thạnh) trước đây thường mua rau ở các chợ tự phát ngay gần nhà. Nhưng từ khi mang bầu và nghe nhiều thông tin về rau bẩn, rau sử dụng thuốc trừ sâu, chị Hoa chuyển sang mua rau trong các siêu thị hoặc các cửa hàng rau sạch. “Vào siêu thị yên tâm hơn vì nghe họ nói đã kiểm tra nguồn gốc hàng hóa trước khi bán chứ không như bên ngoài” - chị Hoa nói.

Theo chị Hoa, ngay cả trong siêu thị cũng có nhiều loại rau khác nhau, nhưng chị chỉ chọn mua các loại rau có chứng nhận VietGAP. “VN mình thì chứng nhận này là tốt rồi, có chứng nhận bao giờ cũng tốt hơn là không” - chị Hoa cho biết.

Nhiều bà nội trợ đi chợ lẻ cho biết dù lo lắng về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chợ nào cũng bán rau như nhau, muốn tìm rau sạch không biết mua ở đâu nên cứ mua đại. Hơn nữa, dùng rau chợ mấy chục năm rồi không bị sao nên cũng quen.

Bà Nguyễn Thị Thanh (đường Hai Bà Trưng, Q.3), chuyên mua rau tại chợ Tân Định gần nhà, cho hay dù chợ có nhiều sạp bán rau nhưng chỉ mua của một hai người quen mà thôi.

Cách chọn rau vẫn phụ thuộc vào cảm tính, không chọn rau héo quá mà cũng không chọn rau có lá quá to, quá xanh, quá dày, quá bóng... vì như thế rau có thể sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

“Các con tôi bảo nên vào siêu thị mua rau. Nhưng mấy chục năm nay tôi toàn mua ở chợ này quen rồi. Có lo về chất lượng đấy nhưng người bán với mình cũng quen, họ nói có chọn chỗ để mua hàng đảm bảo chất lượng nên chắc không sao” - bà Thanh nói.

Trong khi đó, giới văn phòng chủ yếu chọn mua rau tại siêu thị hay cửa hàng thực phẩm sạch.

Chị Nguyễn Thị Thu Thuận (Bình Thạnh) cho hay vào siêu thị mua rau sẽ an tâm hơn về chất lượng và nếu có vấn đề gì cũng có người chịu trách nhiệm, nhưng đôi khi phải ăn rau chợ gần nhà nếu về trễ. “Giá như có mấy cửa hàng tiện lợi nằm trong chợ luôn thì tốt quá, có được nhiều sự lựa chọn hơn” - chị Thuận nói.

Mua rau siêu thị, cửa hàng bằng niềm tin

Khảo sát tại một số siêu thị Co.op Mart (Q.1, Q.3) hay siêu thị Big C cho thấy dù có hàng trăm loại rau củ nhưng hầu hết đều không có những thương hiệu lớn. Chỉ một số ít loại rau được đóng gói có thông tin của nhà sơ chế nhưng không cho biết nguồn gốc rau ở đâu, trồng theo tiêu chuẩn nào.

Dù bao bì ghi rõ là sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP với nhiều thông tin nhưng cái cần là thông tin về chất lượng và dư lượng, quy trình trồng và đóng gói của một sản phẩm được gọi là VietGAP khá sơ sài. Còn lại, rau tại siêu thị vẫn để thô trên quầy để người mua tự chọn rồi cân như rau ngoài chợ.

Sau khi cùng vợ dạo một vòng quanh các quầy rau củ tươi tại Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh), anh Trương Văn Nghĩa hóm hỉnh: “Nếu những sản phẩm có dòng chữ VietGAP là sản phẩm sạch, an toàn thì những sản phẩm còn lại không có chữ VietGAP không sạch, an toàn rồi. Không sạch sao còn bán?”.

Trong khi đó, chị Trần Ngọc Lan (Q.7) cho biết ngay cả rau trong siêu thị cũng chưa phải là an toàn do sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Do đó, thời gian gần đây chị Lan cũng như nhiều bà nội trợ khác bắt đầu chuyển từ siêu thị sang mua hàng tại các cửa hàng thực phẩm sạch, nhất là các loại rau hữu cơ được người bán cho biết không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Chị Lan cho hay sau khi dùng thử rau tại một số cửa hàng rau hữu cơ thì thấy rằng rau trong siêu thị để tủ lạnh không được lâu và dễ bị thối, trong khi rau hữu cơ để lâu mà chỉ héo chứ không thối.

Hơn nữa, nguồn gốc rau trong các cửa hàng thực phẩm sạch rõ ràng hơn và thường có chứng nhận của các tổ chức quốc tế. Nhưng để có những loại thực phẩm “đẳng cấp” này, người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền gấp 2-4 lần so với rau ngoài chợ.

“Rau hữu cơ mắc quá nên vợ chồng tôi chỉ mua cho con ăn thôi, còn người lớn vẫn dùng rau trong siêu thị. Thôi thì dù sao cũng tốt hơn rau không rõ nguồn gốc bên ngoài” - chị Lan chia sẻ.

HTX rau sạch gặp khó

Ông Võ Thành Dương, phó chủ nhiệm HTX Phước An (Bình Chánh, TP.HCM), cho biết mỗi ngày HTX đưa ra 3 tấn rau, nhưng chỉ 1/10 là có bao bì, còn lại chấp nhận bán theo mớ (không bao bì) cho siêu thị khiến HTX cũng lo lắng vì dễ nhầm lẫn với rau các nguồn khác.

“Trước đây HTX sơ chế và đóng gói nên yên tâm với sản phẩm của mình, nhưng thời gian gần đây siêu thị chỉ lấy hàng chưa đóng bao bì. Về siêu thị tự đóng gói nên bao bì ghi nguồn lấy từ HTX Phước An nhưng ai biết được rau bên trong là của đơn vị nào, nếu trường hợp người tiêu dùng khiếu nại chúng tôi cũng sẽ không chịu trách nhiệm” - ông Dương khẳng định.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20140905/van-loay-hoay-tim-rau-sach/641563.html

Theo Trần Mạnh - Nguyễn Trí/ Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm