Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cây dại mùa lũ trở thành rau sạch hút khách

Bông điên điển chỉ xuất hiện vào mùa lũ (từ tháng 7 đến tháng 11) ở miền Tây, được xem là rau sạch nhiều người ưa chuộng. Năm nay, giá đầu mùa đã 60.000 -70.000 đồng/kg.

Điên điển là loài cây họ đậu thân gỗ nhỏ, sống lâu năm ở vùng ngập nước theo mùa. Theo người dân vùng lũ, lá điên điển giàu đạm, còn thích hợp làm thức ăn nuôi cá, dê, thỏ…
Ở miền Tây, điên điển tập trung nhiếu nhất tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và TP. Cần Thơ… cũng là những nơi nước lũ về nhiều.

Người miền Tây gọi bông điên điển là đặc ân mà thiên nhiên ban tặng riêng cho vùng này. Bông có màu vàng tươi, là thức ăn giàu dinh dưỡng. Mùa điên điển nở rộ khoảng tháng 9-10, trùng với thời điểm lũ lên cao.

Mọc hoang dại, cây cứ "găm" vào đất là phát triển nhanh, cho bông sai.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, bán bông điên điển ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành – An Giang, cho biết giá bông đầu mùa đang từ 60.000-70.000 đồng/kg, đây là mức giá cao với loại cây dại này, nhưng lại bán rất chạy, vì là món ăn yêu thích. Ở hàng rau của chị, bông điên điển luôn là rau sạch hút khách. Cũng theo chị Tuyết, mức giá trên là chị bán ở chợ, còn tại các siêu thị trong vùng, bông điên điển thường được niêm yết 100.000 đồng/kg, ở các nhà hàng khoảng 130.000 đồng/kg.

Ngoài bán bông tươi, người dân còn làm dưa chua điên điển để bán, với giá 30.000 đồng/hộp 0,5kg.
Theo lý giải của người dân vùng lũ, sở dĩ bông điên điển ngày càng đắt hàng, giá cao là do trước đây, loại này chỉ được xem là món ăn của người dân ở các tỉnh miền Tây khi nước lũ về, nhưng nay nó đã trở thành đặc sản, có mặt trên các bàn tiệc ở nhiều nhà hàng, quán ăn ở đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM.        

 Ngoài ăn sống, nhúng lẩu chua cá linh hay lẩu mắm kho, làm dưa chua, làm gỏi với tép đồng… bông điên điển còn dùng làm rau ghém ăn với món bún nước lèo, một đặc sản chỉ có ở An Giang và Sóc Trăng vào mùa lũ.

Bông điên điển rất nhỏ, ra thành từng chùm nên người hái phải cẩn thận để bông không bị dập. Người dân miền Tây thường hái vào buổi chiều, lúc trời chạng vạng tối, vì lúc đó bông vừa mới hé nhụy, tươi ngon. Nếu hái vào buổi sáng hoa nở tròn đầy, ong bướm đã lấy mật không còn ngon nữa.

Chị Trần Thị Lệ Bích, ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự - Đồng Tháp, cho biết, vào mùa lũ, gia đình có 4 người của chị ngoài việc đánh bắt thủy sản còn đi hái bông điên điển. "Mỗi ngày hái từ 10-12 kg bông  đã có thu nhập 500.000 đến 600.000 đồng", chị Bích nói.

Bông điên điển có mùi vị rất riêng, là một món ăn mang nhiều ký ức và hoài niệm với người dân vùng lũ ở miền Tây. 

Là loại cây hoang, điên điển rất dễ thích nghi với môi trường, hiếm khi bị sâu bệnh.

Gần đây, một số người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu trồng điên điển, nhưng là giống của Đài Loan và Nhật Bản nên ở nhiều chợ miền Tây, loài này giờ được bán quanh năm. Song theo người sành ăn, chỉ có điên điển hoang, ra hoa vào mùa lũ thì mới ngon và có hương vị đặc trưng riêng của loại cây này.

Không chỉ làm thực phẩm, theo nghiên cứu của đông y và kinh nghiệm dân gian của người dân đồng bằng sông Cửu Long, bông điên điển chưng cách thủy với đường phèn, mỗi ngày ăn 100-200 gram liên tục trong nhiều ngày sẽ là một bài thuốc bổ tim hữu hiệu.

Ngọc Trinh

Bạn có thể quan tâm