Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vẫn khó giao sách giáo khoa đến học sinh ở TP.HCM

UBND TP.HCM đã có chỉ đạo khẩn về việc ưu tiên sách giáo khoa trước thời điểm bắt đầu năm học mới, tuy nhiên, việc vận chuyển đến tay học sinh vẫn còn vướng mắc.

Trao đổi với Zing, bà Phạm Thị Hóa, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (FAHASA), cho biết hàng trăm nghìn đơn hàng sách giáo khoa, dụng cụ học tập đang tồn đọng tại kho của FAHASA.

Đơn hàng ùn ứ vì không có shipper

Theo ông Hoàng Ngọc Vinh (CEO sàn sách trực tuyến Newshop), dù đã được UBND TP.HCM tạo điều kiện đưa sách giáo khoa vào danh mục thiết yếu, song vấn đề lớn nhất khiến sách vẫn chưa đến được với học sinh là vì đứt gãy trong giao nhận.

“Chúng tôi vẫn nhận đơn, tuy nhiên các đối tác giao hàng, suốt thời gian vừa qua, lại không thể vận chuyển được. Hiện các đơn vị vận chuyển nhận đơn số lượng lớn vẫn còn gặp khó trong hoạt động trở lại, nên chúng tôi chỉ có thể giao nhận nhỏ lẻ”, ông Vinh nói.

Sach giao khoa cho nam hoc moi anh 1

Sách giáo khoa đã được ưu tiên nhưng vẫn còn khó đến tay học sinh vì khâu vận chuyển. Ảnh: Nhật Sinh.

Điều tương tự cũng diễn ra với hệ thống của Phương Nam Book khi các đơn đặt hàng trên website hay sàn thương mại điện tử vẫn đổ về, song việc giao sách giáo khoa đến tay khách hàng vẫn “trắc trở”.

Bà Trần Nhật Hoàng Phương - Trưởng phòng Marketing, Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam, thông tin: “Do gần 90% hệ thống nhà sách của Phương Nam đóng cửa, chúng tôi chỉ có thể triển khai kinh doanh trên kênh online, nhưng việc giao hàng lại phụ thuộc hoàn toàn vào các đối tác như DHL, Viettel Post hay VNPost... Khi các đơn vị này chưa thể hoạt động bình thường trở lại, khâu giao hàng đến tay học sinh vẫn gặp vướng mắc”.

Bà Hoàng Phương chia sẻ thêm các shipper như Grab hay Gojek vận chuyển đơn lẻ và phần lớn là giao nhận thực phẩm. Còn với số lượng đơn hàng lớn, Phương Nam Book phải làm việc với các đối tác chuyên trách phù hợp.

Theo bà Phạm Thị Hóa, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (FAHASA), bộ phận làm việc với kênh online, sàn thương mại điện tử vẫn tiếp nhận đơn mới mỗi ngày. Các nhân viên công ty cũng đang thực hiện “3 tại chỗ” để đóng gói sách giáo khoa và đồ dùng học tập. Tuy nhiên, các đơn hàng khó đến được với toàn bộ học sinh trước ngày 15/9.

“Các nhân viên của FAHASA được cấp giấy đi đường nhưng không đủ đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng, việc giao nhận nhỏ giọt. Khi thành phố nới lỏng với sách giáo khoa, chúng tôi có thể hoạt động nhiều hơn. Tuy nhiên, số lượng đơn hàng rất lớn khiến chúng tôi phải tính đến các giải pháp khác”, bà Hóa nói.

Giải pháp tình thế

Để ứng phó trước tình hình khó khăn hiện tại, các đơn vị xuất bản, phát hành phải thực hiện nhiều giải pháp tình thế.

Bà Phạm Thị Hóa cho biết FAHASA đang lên kế hoạch phối hợp các cơ sở Đoàn của 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức để vận chuyển sách miễn phí đến tận nhà cho học sinh trước thềm năm học mới.

“Chúng tôi đã liên lạc và nhận được sự hỗ trợ của các Quận Đoàn quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp và quận 1, các đơn vị này có đội tình nguyện viên, đầy đủ giấy đi đường. FAHASA đang mở rộng liên lạc với toàn bộ quận, huyện để nhanh chóng đưa sách giáo khoa, dụng cụ học tập đến tay học sinh trước ngày 15/9”, bà Hóa nói.

Chúng tôi vẫn nhận đơn, tuy nhiên các đối tác giao hàng, suốt thời gian vừa qua, lại không thể vận chuyển được.

Ông Hoàng Ngọc Vinh - CEO sàn sách trực tuyến Newshop

Hiện, Quận Đoàn Phú Nhuận thực hiện chương trình "Trao gửi yêu thương, cùng em đến trường", phối hợp FAHASA để vận chuyển sách giáo khoa, đồ dùng học tập đến từng nhà dân.

Các bậc phụ huynh ở quận Phú Nhuận có nhu cầu mua sách giáo khoa, sách tham khảo, tập vở và dụng cụ học tập của FAHASA, Quận đoàn Phú Nhuận sẽ chịu trách nhiệm trong khâu vận chuyển để học sinh kịp thời sử dụng trong năm học mới. Phụ huynh có nhu cầu đăng ký từ ngày 29/8 đến 3/9. Tình nguyện viên của chương trình sẽ tiến hành gửi sách đến từng hộ dân từ ngày 5 đến 10/9.

Ngoài ra, các nhà xuất bản và đơn vị phát hành đang mong đối tác vận chuyển sớm hoạt động đồng bộ khi thành phố đã cho phép shipper trở lại làm việc.

"Chúng tôi vẫn làm việc mỗi ngày với các đối tác giao hàng, chỉ cần họ lưu thông trở lại là đơn hàng sẽ được đưa đi nhanh chóng", bà Hoàng Phương nói.

Tại chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 30/8, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, thông tin thành phố đã xem sách giáo khoa là mặt hàng thiết trong giai đoạn từ nay đến đầu năm học 2021-2022. Các nhà xuất bản sẽ chuyển sách đến trường học, sau đó các trường phối hợp phường xã, khu phố mang sách đến cho học sinh.

Ngày 29/8, UBND TP.HCM có văn bản khẩn về việc tạo điều kiện cho việc phát hành sách giáo khoa phục vụ năm học mới 2021-2022. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chỉ đạo giao Sở GD&ĐT phối hợp Sở Giao thông Vận tải cùng Công an TP.HCM tạo thuận lợi để vận chuyển, cung ứng sách giáo khoa tới nhà trường, học sinh và phụ huynh để kịp chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022.

Ngày 30/8, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn có công điện gửi các địa phương về việc tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp sách giáo khoa kịp thời đến tay học sinh trước thềm năm học mới.

Bộ trưởng GD&ĐT: 'Tạo điều kiện cung cấp sách giáo khoa đến học sinh'

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn mong các địa phương tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp sách giáo khoa kịp thời đến học sinh.

Một trường học ở TP.HCM nhờ bộ đội chuyển sách giáo khoa đến học sinh

Trường THCS Minh Đức (quận 1, TP.HCM) linh động nhờ lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên vận chuyển sách đến cho học sinh.

Hoàng Quỳnh

Bạn có thể quan tâm