Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn học trinh thám Việt Nam dưới con mắt của giới chuyên môn

Một dòng chảy hấp dẫn nhưng vẫn còn non trẻ của văn học trong nước đã được đem ra mổ xẻ dưới góc nhìn đa chiều.

Vừa qua, tại Trung tâm văn hóa Pháp - L’Espace đã diễn ra buổi tọa đàm “Văn học trinh thám Việt Nam và tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Di Li”. Đây cũng là dịp nhà văn nữ ra mắt công chúng tiểu thuyết trinh thám Câu lạc bộ số 7 - tác phẩm mới nhất của cô. Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều gương mặt tên tuổi trong giới văn nghệ như: nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà phê bình PGS - TS Văn Giá, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, đạo diễn Quốc Trọng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà văn Di Li.

Các diễn giả trong buổi tọa đàm. Ảnh: Thụy Oanh

Với vai trò người dẫn chương trình, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã mở đầu bằng  câu hỏi: “Nền văn học Việt Nam đã có thể loại văn học trinh thám hay chưa? Và thế nào thì được coi là một tiểu thuyết trinh thám?”. Để trả lời cho câu hỏi này, các nhà văn, nhà lý luận - phê bình đã đưa ra nhiều ý kiến đa chiều.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Chúng ta đã đọc văn học trinh thám từ rất lâu. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên tôi trả lời câu hỏi như thế nào là trinh thám? Theo tôi khi mà xã hội của chúng ta có nhiều mặt trái, khiến con người ta không phân biệt được đâu là tốt, đâu là xấu thì đó là điều kiện để văn học trinh thám phát triển. Trinh thám không chỉ là câu chuyện về một vụ án, nó còn là câu chuyện nhiều lớp lang, đòi hỏi con người ta phải tư duy logic một cách cao độ".

Dưới con mắt của một nhà phê bình, PGS - TS Văn Giá cho rằng: “Văn học trinh thám có lịch sử từ thế kỷ 19 ở phương Tây và bắt đầu từ những năm 1930 ở Việt Nam. Đó là một thể tài nhằm để chỉ một nội dung mà người ta cố tình giấu đi, cố tình bưng bít. Công việc của các nhà trinh thám là phải lật tẩy chúng. Để xây dựng tiểu thuyết trinh thám người ta có thể đi theo lối kể truyện hình sự, hoặc kinh dị. Từ những năm 1930, Thế Lữ đã viết truyện trinh thám. Nhưng bao giờ ông cũng dùng khoa học để giải thích những câu chuyện của mình. Ngày nay, có nhiều vấn đề mà ngay cả khoa học cũng không giải thích được, đó là một điều kiện để trinh thám phát triển".

Sau một số ý kiến tranh luận, nhà văn Di Li đã có những chia sẻ về cuốn tiểu thuyết Câu Lạc bộ số 7. Sau tiểu thuyết Trại hoa đỏ đến Câu lạc bộ số 7, người đọc tiếp tục theo chân cảnh sát điều tra Phan Đăng Bách đi phá một vụ án giết người liên hoàn vô cùng nghiêm trọng. Bảy cô gái xinh đẹp liên tục chết vì những lý do bất ngờ. Những cái chết được ngụy trang khéo léo dưới hình thức những vụ tai nạn. Nhưng đằng sau đó là cả một âm mưu man rợ của nhóm người thuộc thể vô tính. Chúng bị ám ảnh bởi một mẫu người hoàn hảo và giết bảy cô gái trẻ để đánh cắp các bộ phận trên người họ nhằm tạo ra những mẫu người hoàn hảo ấy.

Hai tiểu thuyết trinh thám của Di Li: Câu lạc bộ số 7Trại hoa đỏ. Ảnh: Thụy Oanh

Chia sẻ về quá trình sáng tác, Di Li cho rằng đây là tác phẩm quan trong nhất của cô. Câu lạc bộ số 7 được Di Li sáng tác từ năm 2009 cho đến 2015, là cuốn tiểu thuyết tiêu tốn khá nhiều thời gian và bút lực của nhà văn.

Nhiều người có quan niệm Di Li đầu tư vào truyện trinh thám là một sự “đầu tư có lãi” bởi thể loại này đang khá ăn khách. Nhưng theo chị, trong nền văn học Việt Nam nói riêng và văn học thế giới nói chung, ăn khách nhất là tiểu thuyết lãng mạn chứ không phải là tiểu thuyết trinh thám. Di Li đầu tư viết tiểu thuyết trinh thám bởi nó là thế mạnh của cô và nữ nhà văn đã say mê thể loại tiểu thuyết này từ khi còn nhỏ.





Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm