Văn học thiếu nhi có giai đoạn bị khoảng trống. Sự lấn át của sách dịch lại càng khiến văn học trong nước bị lép vế. Thế nhưng, trong vài ba năm gần đây, tình hình đã có nhiều thay đổi, không còn những nhận định vắng bóng hay thiếu tác phẩm hay khi nói về văn học thiếu nhi, thay vào đó là sự khởi sắc đáng kỳ vọng.
Nhiều tác phẩm cho thiếu nhi được ra mắt, đa dạng về phong cách và đề tài. Các đơn vị đã đầu tư, nắm bắt và tiếp cận kịp thời với xu hướng làm sách đẹp của thế giới. Sự tham gia ngày càng đông đảo của đội ngũ họa sĩ trẻ minh họa mang đến làn gió mới cho các tác phẩm thiếu nhi.
Trẻ em giờ đây có nhiều cách để tiếp cận thông tin, nhiều phương thức giải trí, sách không phải là nguồn giải trí duy nhất. Người lớn cũng thích xem tin tức qua điện thoại nhiều hơn đọc sách. Do đó, chính người lớn cũng cần chuyển dịch cùng con. Điều đáng mừng là thời gian qua có nhiều nỗ lực không chỉ từ các nhà xuất bản mà còn bởi chính các nhà quản lý văn hóa, nhà văn và cộng đồng.
Năm 2021 là năm đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh có giải thưởng dành riêng cho văn học thiếu nhi. Các mùa giải thưởng thường niên trước đây chỉ trao cho tác phẩm văn xuôi, thơ, văn học dịch và lý luận phê bình.
Đây cũng là năm sách thiếu nhi tỏa sáng khi có mặt ở các hạng mục giải Sách quốc gia, chiếm gần 30% tổng số giải được trao. Trong 4 năm qua, Giải thưởng Dế mèn do Báo Thể thao và Văn hóa phát động đã góp phần làm sôi động phong trào viết cho thiếu nhi, trong đó phát hiện nhiều cây bút trẻ tài năng là chính các em nhỏ viết cho lứa tuổi của mình. Hội Nhà văn Việt Nam cũng tái lập Hội đồng văn học thiếu nhi sau nhiều năm đứt đoạn. Một cuộc vận động sáng tác lớn dành cho thiếu nhi cũng được Hội Nhà văn Việt Nam khởi động.
"Hội Nhà văn Việt Nam có sự quan tâm đặc biệt đến thiếu nhi. Bằng chứng là chúng tôi đang có một cuộc vận động sáng tác viết cho thiếu nhi. Chặng đầu tiên sẽ được sơ kết vào tháng 6 năm nay", nhà văn Đỗ Anh Vũ, Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ. "Chúng ta thấy sân chơi cho thiếu nhi đang rất rộng mở, có thể lập các giải như Giải Dế mèn, các trại sáng tác cho thiếu nhi".
"Trong 10 năm gần đây, văn học thiếu nhi đã có sự đổi mới, xuất hiện những cây bút mới, đặc biệt là các cây bút trẻ viết theo nhiều phương pháp mới. Đặc biệt, các tác phẩm mang tính tưởng tượng. Bên cạnh đó, có nhiều nhà văn vốn viết cho người lớn giờ quay về viết cho thiếu nhi…", nhà văn Lê Phương Liên cho biết.
Không chỉ khởi sắc ở thị trường trong nước, hành trình đưa sách thiếu nhi ra thị trường xuất bản thế giới cũng có nhiều triển vọng. Một số dấu ấn nổi bật là những cuốn sách bán bản quyền cho nhiều quốc gia như Những người bạn, Đúng là Tết, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ… Xuất hiện những cây bút tiềm năng là các em nhỏ, khi trình làng những tác phẩm đầu đời dù mới là học sinh tiểu học, trung học cơ sở…
Văn học là nguồn suối trong lành tưới mát tâm hồn. Sự phát triển của công nghệ, thế giới ảo đang trở nên phổ biến trên thế giới, đặc biệt với giới trẻ. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết cần có những cuốn sách hay, sống động, giàu trí tưởng tượng và những điều đẹp đẽ để chinh phục và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Đã có nhiều nhà văn của tuổi thơ với các tác phẩm giá trị như Tô Hoài, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Nhật Ánh…. nhưng cũng cần những gương mặt mới tiếp nối, kiến tạo kho tàng văn học thiếu nhi đương đại. Những khởi sắc ban đầu đã có, việc gặt hái được những mùa vàng trong tương lai không xa hoàn toàn có thể đặt kỳ vọng…
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.