Một quán ăn vỉa hè ở Việt Nam. Ảnh: Alamy |
Nicola Graydon là một nhà báo tự do, nhà văn kiêm biên tập viên. Cô đã cộng tác cùng nhiều tờ báo nổi tiếng như The Sunday Times, The Saturday Telegraph, The Daily Mail... Nhà báo này đã có bài viết về TP.HCM và việc thưởng thức cà phê tại đây trên tờ Telegraph.
Điều đầu tiên cần phải học khi đến TP.HCM là làm thế nào để sang đường. Đó thực sự là một thử thách đầy cam go. Nó đòi hỏi phải kết hợp nhuần nhuyễn nhiều kĩ năng như quan sát, bình tĩnh và di chuyển tiến hay lùi.
Thật chóng mặt khi phải đối mặt với một đoàn xe ồn ào đang di chuyển mà người điều khiển chúng thì giấu cảm xúc sau lớp khẩu trang và mũ bảo hiểm. Bạn sẽ phải mất một thời gian để nhận ra rằng đó là một vũ điệu giữa cho và nhận, rằng những chiếc xe sẽ chạy xung quanh bạn, rằng điều cuối cùng mà bạn phải làm là dừng lại. Có lẽ đó chính là bản chất của nơi này.
Đấy là một thành phố, nơi có thể cho bạn cảm giác về một tương lai tươi sáng. Những tòa nhà chọc trời đang mọc lên, thay thế cho những khu dân cư cũ. Tuy nhiên, dưới chân những khối bê tông khổng lồ đó, một bà cụ với làn da mỏng như bánh tráng vẫn bán phở bên cạnh gánh hàng cũ như chẳng có gì thay đổi.
Cách tốt nhất để thưởng thức những điều thú vị là ngồi trên ban công của một trong những quán cà phê nằm rải rác khắp thành phố. Bằng cách này, bạn sẽ thoát khỏi sự xô bồ nhưng vẫn có thể nhìn xuống dòng người hối hả trên đường. Bạn cũng có thể thưởng thức các loại đồ uống để bù lại phần nào những vất vả mà bạn đã trải qua.
Trên ban công của L'Usine, một quá cà phê phong cách Pháp có thể nhìn ra Nhà hát lớn, tôi gọi một cốc cà phê kinh điển của người Việt tên là cà phê sữa đá, có nghĩa là "cà phê, sữa và đá". Đó là một loại thức uống mạnh. Những giọt cà phê nhỏ xuống từ một bộ lọc nhỏ bằng kim loại vào chiếc cốc chứa sẵn sữa đặc. Sau một thời gian, người ta sẽ khuấy đều hỗn hợp đó lên và đổ đá vào.
Lúc đầu, tôi không thể chịu được cái vị ngọt đó, nhưng 3 ngày sau, tôi lại nghiện. Nó phù hợp với thành phố này theo cái cách mà cà phê lotte thông thường không thể.
Cà phê chỉ mới du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 nhưng đất nước này đã nhanh chóng trở thành một cường quốc xuất khẩu chúng. Ngày nay, người Việt đã đưa cà phê lên tầm cao mới.
Một quán cà phê Trung Nguyên tại Việt Nam. Ảnh: Alamy |
Tại một quán cà phê Trung Nguyên, một thương hiệu Việt giống như Starbucks của Mỹ với chuỗi các quán trong thành phố, cuốn thực đơn đồ uống có thể kéo dài đến 5 trang. Chuỗi cửa hàng của thương hiệu này được thiết kế theo phong cách sang trọng với những hàng ghế sofa dài màu cam nâu mang nét đặc trưng của thập niên bảy mươi. Khách hàng quen thuộc của quán phần lớn là những thanh niên trẻ và doanh nhân.
Ở đây, bạn có thể thưởng thức những loại cà phê đến từ Italy, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Ethiopia. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam xứng đáng để người ta khám phá hơn. Từ những công thức khác nhau, họ (Trung Nguyên) đặt cho chúng những cái tên đặc biệt như "Thành Công", "Sáng Tạo", "Khám Phá" và "Tư Duy".
Tôi đã chọn "Passiona", một loại cà phê dành riêng cho phái đẹp với lời giới thiệu rằng loại cà phê này sẽ mang lại tinh thần sảng khoái và làn da hoàn hảo. Tôi đã uống rất nhiều nhưng không phải vì những lời quảng cáo mà là vì nó thực sự rất ngon. Trung Nguyên đã tạo ra loại cà phê này sau 9 năm nghiên cứu. Đồ uống có thể khiến bạn rơi vào tình trạng thừa calo nhưng lại cung cấp năng lượng cần thiết để khám phá cuộc sống xô bồ nơi đây.
Tại một quán ăn ven đường của ông Huỳnh, thưởng thức món phở bò dưới ánh đèn neon, tôi nhận ra rằng, trong tương lai, dù bao nhiêu tòa nhà chọc trời mọc lên, bao nhiêu thay đổi xảy ra thì người Việt Nam vẫn sống trong nét ẩm thực của họ, trong khói phở nghi ngút bên góc phố, trong những khu chợ... Ông Huỳnh giải thích, rất ít người Việt Nam sở hữu tủ lạnh vì họ mua mọi thứ tươi mới ở chợ. Dù giàu hay nghèo, họ thích ăn trong những quán ven đường, trên những chiếc ghế nhỏ và tất cả những quán này đều sử dụng các công thức nấu ăn mà nhiều thế hệ trong gia đình họ truyền lại. Vì vậy, những thanh niên tai đeo headphone, đậu xe trên vỉa hè và ngồi ăn như thời ông cha của họ đã làm, từ rất lâu, trước cả khi Chiến tranh Việt Nam xảy ra.
Tôi mua cốc cà phê sữa đá cuối cùng tại một quán vỉa hè bên ngoài Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và uống nó bên cạnh chiếc xe tăng cũ của Mỹ với Lou, một phụ nữ trẻ người Việt Nam. Cô bị thất lạc gia đình khi còn nhỏ và được một người lính Pháp chăm sóc. Sau 30 năm, cô gái này mới tìm lại được gia đình. Chuyến thăm bảo tàng đã gợi lại trong Lou những ký ức buồn. Trước đây, cô đã phải đổi tên ở trường để tránh bị kỳ thị.
Lou nói với tôi: "Mọi người ở đây đều có một câu chuyện. Mọi người đều mất người thân và rất nhiều người phải sống trong mặc cảm đằng sau cuộc chiến. Không ai nói về chiến tranh nữa, như thể nó đã qua, nhưng điều đó không phải là sự thật. Nó vẫn sống trong sự im lặng".
Vì vậy, đằng sau những âm thanh ồn ào tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi người đều mang trong mình quá khứ như một vết thương bí mật. Người ta lặng lẽ nhớ đến nó mỗi khi đứng trước bàn thờ tổ tiên nhưng lại lãng quên bởi dòng chảy của cuộc sống hối hả. Việt Nam từng bị xâm chiếm bởi Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản và cuối cùng là Mỹ. Do đó, những hình ảnh và kỷ vật về cuộc chiến với người Mỹ ngập tràn trong các căn phòng của bảo tàng.
Lou không nói gì. Tôi cũng vậy. Cả hai chúng tôi cùng lặng lẽ nhấm nháp sự ngọt ngào của cà phê sữa đá qua ống mút như thể trong đó pha loãng đắng cay và sự mất mát.