Ứng dụng WeChat của tập đoàn Tencent ra đời sau khi Ma Huateng, người sáng lập tập đoàn, khuyến khích nhân viên tranh đua với nhau để tạo ra một dịch vụ nhắn tin trên thiết bị di động. Ngày nay hơn 805 triệu người sử dụng WeChat. Họ không chỉ nhắn tin, mà còn chơi game, thanh toán các hóa đơn và đầu tư trên thị trường tiền tệ, Bloomberg đưa tin.
Số lượng người dùng khổng lồ biến Tencent trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Giá trị thị trường của Tencent vào khoảng 255 tỷ USD. Giờ đây Ma muốn lặp lại thành công bằng việc cung cấp dịch vụ phát video trực tiếp. Ông yêu cầu ít nhất 6 bộ phận cạnh tranh với nhau để giành thị phần trong một thị trường có khả năng tăng tưởng gấp 9 lần về giá trị để đạt mức 13 tỷ USD vào năm 2020.
Phát triển nhanh nhờ cạnh tranh nội bộ
"Văn hóa doanh nghiệp của Tencent giống như dạ con của cá mập hổ cát. Cuộc cạnh tranh giữa các bộ phận trong tập đoàn không dẫn tới hậu quả khốc liệt, mà khiến mọi thành viên thích nghi nhanh hơn và có khả năng cạnh tranh lớn hơn", Andy Mok, Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Red Pagoda Resources tại Bắc Kinh, nhận xét.
Cá mập hổ cát phải chiến đấu ngay từ khi còn là bào thai để sinh tồn. Lũ cá con ăn thịt lẫn nhau tới khi chỉ còn một con duy nhất sống sót. Nhờ nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng mà con sống sót phát triển rất nhanh sau khi chào đời.
Ông Ma Huateng, người giàu thứ ba Trung Quốc, đang điều hành tập đoàn Tencent. Ảnh: china.org.cn. |
Goldman Sachs và General Electric là hai tập đoàn hàng đầu thế giới áp dụng văn hóa cạnh tranh nội bộ. Ma, người giàu thứ ba tại Trung Quốc hiện nay, từng tuyên bố hồi tháng 12 năm ngoái rằng cạnh tranh nội bộ là động lực cần thiết để thúc đẩy sự sáng tạo. Ngoài dịch vụ phát video trực tiếp, Tencent còn nghiên cứu công nghệ thực tế ảo và sở hữu hai công ty sản xuất phim.
"Chúng tôi có tinh thần của người khởi nghiệp. Ở Tencent, chúng tôi không có ranh giới đối với chức năng, nhiệm vụ của mỗi thành viên", Ross Liang, giám đốc bộ phận mạng xã hội của Tencent, phát biểu.
Phát video trực tiếp có thể trở thành nỗ lực tạo ra nhiều lợi nhuận nhất của Tencent. Dịch vụ cho phép người sử dụng tự phát video trực tiếp trong thời gian thực khi họ ăn tại nhà hàng, lái thử xe hay trang điểm.
Một báo cáo do Ngân hàng HSBC công bố hồi tháng 7 cho thấy giá trị thị trường của dịch vụ phát video trực tiếp có thể đạt hơn 12 tỷ USD vào năm 2020, tăng gấp hơn 9 lần so với năm ngoái. Trong cùng thời kỳ đó, số người sử dụng WeChat có thể tăng gấp hơn 3 lần lên con số 491 triệu.
Facebook, ứng dụng Periscope của Twitter bị cấm ở Trung Quốc, tạo nên một thị trường màu mỡ cho các doanh nghiệp địa phương. Một nghiên cứu của hãng iiMedia cho thấy, khoảng 200 dịch vụ gọi điện, nhắn tin qua thiết bị di động đang tồn tại ở Trung Quốc, bao gồm ứng dụng của tập đoàn Alibaba và Baidu.
Với dịch vụ phát video trực tiếp, những người nổi tiếng có thể kiếm tiền bằng cách tương tác với người hâm mộ thông qua những dạng quà ảo như hoa, đồ chơi, đồng thời quảng bá sản phẩm mà họ kinh doanh. Người phát video nhận 30% giá trị từ quà ảo, còn nhà cung cấp dịch vụ hưởng phần còn lại, theo một báo cáo của hãng Credit Suisse hồi tháng 7.
Cơ chế cạnh tranh
Mỗi nhóm của Tencent tập trung vào một mảng - như thể thao, karaoke, video game. Các nhóm phải tự đứng vững trên thị trường trước khi tập đoàn đầu tư tiền và hỗ trợ tiếp thị.
Nhân viên công ty tiếp xúc văn hóa cạnh tranh từ rất sớm. Các nhà quản lý thường yêu cầu nhân viên tìm những sản phẩm mới. Nếu họ không thể phát hiện xu hướng mới, các đồng nghiệp khác sẽ vượt họ. "Đó là điều đáng xấu hổ đối với nhân viên của Tencent", Alex Bai, cựu giám đốc phát triển sản phẩm của Tencent, kể lại. Hiện tại Alex làm việc cho Baidu.
Ý tưởng mới thường xuất hiện từ cấp thấp nhất và những người đề xuất ý tưởng có thể được thưởng tiền - từ 500 tệ cho việc thiết kế lại một giao diện tới 1 triệu tệ đối với những cải tiến quan trọng hơn. Bai từng nhận 300.000 tệ do cải thiện hoạt động quảng cáo của công ty.
"Cảm giác khi giành một phần thưởng nào đó rất tuyệt, dù đó chỉ là phần thưởng nhỏ. Nó đã trở thành một phần của văn hóa doanh nghiệp vốn đã ngấm sâu vào tâm trí mỗi người", Bai nói.
Trong các cuộc họp hàng tháng của Tencent, hàng trăm người - từ phó chủ tịch tập đoàn tới nhân viên mới - sẽ thảo luận những dự án mới nhất của họ. Martin Lau, nhà quản lý số 2 của tập đoàn, thường tham dự những cuộc họp dù chúng có thể kéo dài tới 3h. Đôi khi Ma Huateng cũng xuất hiện.
Quá trình ra quyết định cũng có thể diễn ra theo hình thức đơn giản. Thông qua WeChat, các nhóm kinh doanh nhận yêu cầu thảo luận nhóm từ Ma hoặc Lau. Sau đó hai nhà quản lý cấp cao nhất đặt câu hỏi cho các nhóm.
"Đó là quy trình các nhà quản lý cấp cao khích lệ. Họ muốn các nhóm thảo luận thoải mái vì họ không biết nhóm nào sẽ tạo ra sản phẩm tốt hơn", Bai bình luận.