Ngay sau màn trình diễn trọn vẹn 90 phút của chàng hậu vệ Đoàn Văn Hậu trong trận đấu giữa Jong Heerenveen và Heracles đêm 30/9, cổ động viên Việt Nam để lại nhiều bình luận chúc mừng anh trên fanpage SC Heerenveen.
358.000 là số lượt theo dõi fanpage này ở thời điểm hiện tại. Đáng chú ý, trước khi Heerenveen chiêu mộ thành công Đoàn Văn Hậu hồi tháng 9, con số chỉ là 73.000.
Báo giới Hà Lan khẳng định sức hút của Đoàn Văn Hậu đã mang về "khoản lãi lớn" về hiệu quả truyền thông cho SC Heerenveen. Còn truyền thông Việt Nam cũng ngay lập tức thương lượng mua bản quyền Giải vô địch quốc gia Hà Lan. Đến nay, HTV và VTVCab là 2 đơn vị tuyên bố sở hữu bản quyền giải này ở Việt Nam.
Ông Kevin Sim, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương giải Bundesliga, nói số liệu thống kê cho thấy Việt Nam có gần 97 triệu người, nhưng đã có tới 55,1 triệu người yêu bóng đá.
“Tỷ lệ người hâm mộ này có thể coi là cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đáng để tận dụng đẩy mạnh marketing”, ông nhận định.
Ông Kevin Sim đánh giá Việt Nam sở hữu lượng người hâm mộ bóng đá lớn nhất nhì khu vực. Ảnh: Next Media. |
Thông qua ký hợp đồng quảng cáo, đại diện hình ảnh với cầu thủ, huấn luyện viên hay tài trợ giải đấu, sự kiện bên lề, nhiều doanh nghiệp từng bước đến gần hơn với lượng lớn khán giả thể thao.
“Vấn đề là làm sao biến người hâm mộ bóng đá thành khách hàng”, ông Trần Ngọc Anh - Chủ tịch HĐQT MGI Global, Chủ tịch CLB Giám đốc Sales & Marketing Việt Nam, nhận định.
Chi lớn mời gương mặt đại diện
Đầu năm 2018, cộng đồng mạng xôn xao về bảng báo giá cát xê của thủ môn Bùi Tiến Dũng được cho là do Công ty quản lý Orion Football Total phát hành.
Theo đó, một bài đăng trên mạng xã hội của cầu thủ này có giá 2.500 USD, livestream 5.000 USD, tham dự sự kiện 10.000 USD. Với việc tham gia quay quảng cáo, mức giá là 50.000 USD, trong khi chụp một bộ ảnh là 10.000 USD. Đặc biệt, cát xê làm gương mặt đại diện độc quyền cho ngành hàng của Bùi Tiến Dũng lên đến 123.750 USD.
Trước đó Nguyễn Công Phượng và sau này Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu… luôn là những cái tên “đắt giá” xuất hiện liên tục trong các sự kiện hay bộ ảnh, video quảng cáo cùng nhiều thương hiệu lớn như Samsung, LG, Coca-Cola, Shopee…
HLV Park Hang-seo, người thầy của các đội tuyển, cũng nhận về nhiều hợp đồng quảng cáo, dự sự kiện với mức phí không thua kém bất kỳ một ngôi sao hạng A nào.
Theo nguồn tin của tờ Chosun, từ tháng 9/2018, hợp đồng đại diện thương hiệu trong 6 tháng của ông đã lên đến 300 triệu won (tương đương 270.000 USD), còn giá trị hợp đồng 1 năm là 500 triệu won (450.000 USD).
Hợp đồng quảng cáo với HLV Park và cầu thủ Lương Xuân Trường mang đến hiệu quả tích cực cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng Shinhan Việt Nam. Ảnh: Shinhan Việt Nam. |
Hiệu quả của các chiến dịch truyền thông rầm rộ với sự góp mặt của các ngôi sao bóng đã cũng được kiểm đếm. Theo nguồn tin của tờ Chosun, lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm 2018 của xúc xích Đức Việt cũng tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2017, nhờ gương mặt đại diện Park Hang-seo.
Tương tự, lượng khách hàng tại một chi nhánh của Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng tăng từ 1 triệu năm 2018 lên 1,2 triệu năm 2019 nhờ sức hút của HLV Park và cầu thủ Lương Xuân Trường.
Shopee được khán giả “nhớ mặt đặt tên” sau sự kết hợp giữa Bùi Tiến Dũng và ca sỹ Bảo Anh hồi cuối tháng 6/2018. Theo số liệu của Iprice, lượng truy cập hàng tháng (MAU) trong quý III và IV/2018 của trang thương mại điện tử này lần lượt đạt 34,5 triệu và 41 triệu, trong khi các quý trước đó chưa đầy 27 triệu lượt.
Liên tục tài trợ cho các đội bóng và giải đấu
Cách đây nhiều năm khi các sân cỏ V-League vắng bóng người hâm mộ, một số doanh nghiệp lựa chọn hợp tác với các CLB và giải đấu lớn ở nước ngoài.
Suốt 2 mùa bóng 2007-2008 và 2008-2009, bảng điện tử với logo “Hoang Anh Gia Lai Viet Nam” của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai liên tục xuất hiện trên sân Emirates của CLB Arsenal, được phát đi toàn cầu cùng hình ảnh và màn tường thuật các trận đấu.
Tôn Đông Á cũng góp mặt trong các trận cầu của Giải bóng đá Ngoại hạng Anh Premier League 2015-2016 và 2016-2017 với tên thương hiệu xuất hiện 4-8 lần mỗi trận.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, với niềm tin trở lại của người hâm mộ vào bóng đá nước nhà, khoản đầu tư cho các đội bóng trong nước và giải đấu có đội tuyển Việt Nam bắt đầu được chú trọng hơn.
Thương hiệu Tôn Đông Á kèm dòng chữ "made in Vietnam" xuất hiện 4-8 lần trong mỗi trận đấu thuộc Giải bóng đá Ngoại hạng Anh Premier League 2015-2016 và 2016-2017. |
Năm 2017, Công ty CP sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VPMilk) quyết định tài trợ 50 tỷ đồng trong 2 năm cho CLB HAGL và Học viện HAGL-Arsenal JMG. Bản hợp đồng này được cho là có giá trị cao hơn nhiều so với các nhà tài trợ trước đó. Ở mùa giải mới này, Công ty CP ôtô Trường Hải (Thaco) là đơn vị tài trợ tiếp theo cho HAGL và JMG.
Mới đây, tại hội thảo marketing thể thao đầu tiên ở Việt Nam do Next Media tổ chức, ông Nguyễn Tấn Anh - Giám đốc CLB HAGL, cho biết đội bóng đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp tài trợ trong hơn 20 năm vận hành. Điểm khác biệt là các khoản tài trợ trước đây mang đến quyền lợi hình ảnh trên trang phục, sân vận động… thì hiện tại, với việc đẩy mạnh truyền thông xã hội, doanh nghiệp tài trợ có nhiều lựa chọn marketing hơn.
Theo thống kê trên YouTube, HAGL xếp thứ 5 trong top 10 CLB có lượng người xem nhiều nhất thế giới vào tháng 6 với 9,01 triệu lượt xem, vượt cả các CLB Manchester United và Juventus. CLB Hà Nội dù mới đẩy mạnh kênh YouTube cũng đã ở vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng này với 6,04 triệu lượt xem.
Xét riêng các trận đấu có sự tham gia của đội tuyển Việt Nam, nếu chỉ tính trên nền tảng số của Next Media, trận Việt Nam - Thái Lan và Việt Nam - Curacao tại King's Cup 2019 lần lượt cán mốc 3,5 triệu và 5 triệu người xem cùng thời điểm.
CLB HAGL và Hà Nội lọt top 10 CLB có lượng người xem lớn nhất trên thế giới. |
Chia sẻ với Zing.vn, bà Đỗ Phương Chi - Giám đốc bản quyền Next Media - cho biết thông qua hoạt động marketing bóng đá, các doanh nghiệp thường đạt hiệu quả về quảng bá thương hiệu hơn là thu về doanh số trực tiếp.
Hiện nay, marketing qua bóng đá tại Việt Nam được thể hiện dưới nhiều hình thức như: quảng bá thương hiệu, logo trên khán đài, vé vào cửa, trang phục cầu thủ và ấn phẩm truyền thông; lồng ghép trong video trận đấu, giải đấu hay các nội dung trên mạng xã hội; marketing qua bán vật phẩm, phát sóng trực tiếp các trận đấu tại nơi công cộng…
“Mấu chốt là thấu hiểu người hâm mộ, từ đó đưa ra những trải nghiệm cá nhân và địa phương hóa mà tiền không mua được. Đó mới là một chiến dịch marketing bóng đá thành công”, chuyên gia từ Bundesliga nhấn mạnh.