Phim truyền hình Hướng dương ngược nắng đang vướng phải những ý kiến trái chiều. Một bộ phận khán giả cho rằng nội dung phim cổ xúy tiểu tam và chuyện ngoại tình.
Trong cuộc trò chuyện với Zing, nghệ sĩ Vân Dung chia sẻ về những điểm tốt và xấu của nhân vật Diễm Loan.
Tôi đón nhận mọi ý kiến khen chê
- Vai tiểu tam Diễm Loan trong “Hướng dương ngược nắng” vừa bị ghét, lại vừa được thương. Chị có theo dõi phản ứng từ người xem?
- Diễm Loan là nhân vật xấu, đỏng đảnh, lại mê trai, ngốc nghếch. Cô ấy bị mắng chửi, ném đá là đúng rồi. Người phụ nữ như thế ai mà thương được. Tôi đón nhận mọi ý kiến khen chê.
Nhưng tôi biết một bộ phận khán giả vẫn yêu Diễm Loan. Có lẽ họ thích cách diễn đáng yêu, hóm hỉnh đó. Bình thường, các nhân vật tiểu tam không có sự hài hước như thế. Khán giả luôn nghĩ tiểu tam bao giờ cũng đáng ghét. Nhưng vai Diễm Loan thì ngược lại. Khán giả càng tranh luận, tôi càng yêu. Họ quan tâm và thấy phim cuốn hút thì mới theo dõi.
- Cách diễn của chị liệu có làm nhân vật khác đi so với kịch bản?
- Với tôi, mình phải luôn tôn trọng nhân vật. Dù mình muốn sáng tạo thế nào thì vẫn phải đúng kịch bản và tính cách nhân vật.
Khi đọc kịch bản, tôi đã hình dung trước mình sẽ diễn ra sao. Rất may mắn cho tôi khi gặp được một đạo diễn giỏi và kỹ tính. Những chi tiết trong phim đều được đạo diễn Vũ Trường Khoa gợi ý và hai anh em cùng bàn bạc để diễn làm sao cho ngọt và hóm hỉnh. Chỉ cần anh gợi ý là tôi tiếp thu ngay, vì hai anh em quá hiểu ý nhau.
Đạo diễn luôn biết nhược điểm và ưu điểm của tôi. Có lẽ cũng vì thế, nhân vật tiểu tam này vẫn được khán giả thương.
Vân Dung đóng vai tiểu tam Diễm Loan. |
- Nhược điểm của chị khi đóng phim truyền hình là gì?
- Tôi diễn hài đã được 25 năm, thường đóng tiểu phẩm, ít tham gia phim. Diễn xuất trong phim và tiểu phẩm hoàn toàn khác nhau. Cứ mỗi lần quay xong một phân đoạn, tôi lại chạy ào ra chỗ đạo diễn và hỏi “Anh ơi, em diễn có bị giống Gặp nhau cuối tuần hoặc Táo Quân không?”. Anh nói: “Em cứ yên tâm, lúc nào diễn giống tiểu phẩm, anh sẽ nhắc nhở em”.
Trước khi vào phim, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng nhắn tin và gọi điện dặn tôi: “Đóng phim và tiểu phẩm khác nhau nhiều đấy Dung nhé. Phim là phải diễn chậm, tập trung vào ánh mắt và đẩy cảm xúc. Anh nghĩ là em làm được, cố gắng lên”.
Cảm xúc trong kịch có thể ngắn nhưng cảm xúc trên phim rất dài. Chính vì thế, diễn viên không nên đẩy tiết tấu lên nhanh. Thú thực, ban đầu, đạo diễn lo lắng cho vai của tôi. Lâu rồi tôi chưa đóng vai nào có số phận như phim này, vừa bi vừa hài, đầy đủ hỷ nộ ái ố.
Sau khi phim lên sóng, anh Đỗ Thanh Hải nhắn tin vào nhóm Táo Quân, khiến tôi rất vui. Anh bảo: "Vân Dung ơi, vào vai Diễm Loan xuất sắc thế này, liệu em có đóng Táo Quân nữa không?".
Cuối cùng, như bạn thấy đấy, tôi vẫn vừa quay phim, vừa tham gia Táo Quân.
Diễm Loan hám tiền, mê trai nhưng thương yêu con
- Phim “Hướng dương ngược nắng” đang bị chỉ trích cổ xúy cho tiểu tam và ngoại tình. Quan điểm của chị thế nào?
- Tôi nghĩ có lẽ cũng chưa đúng lắm. Vì phim mới đi được 1/3 chặng đường. Bây giờ chưa thể nói lên tất cả, còn nhiều tình tiết rất bất ngờ trong phim. Chỉ mong khán giả hãy theo dõi để xem có đúng với suy nghĩ của mọi người không nhé.
Tôi nghĩ sau khi xem phim, các bậc cha mẹ phần nào rút ra bài học cho mình. Khi chúng ta quyết định một điều gì đó, hãy nhìn các con và đừng làm tổn thương bọn trẻ. Những đứa trẻ không có tội. Tội là ở cha mẹ, những người lớn ích kỷ, chỉ nghĩ đến tiền tài, danh vọng và cảm xúc của riêng mình.
Lỗi nằm ở bà Cúc, bà Loan và ông Đạt. Mỗi người đều phải trả giá cho cuộc đời mình, cho những gì họ đã làm. Đây không phải sự cổ xúy.
Tạo hình của Vân Dung trong phim. |
- Nhưng trong phim, hai người con của tiểu tam lại được ông nội yêu quý và đón về nhà sống chung với các con của chính thất. Tình tiết này khiến nhiều người bức xúc...
- Tôi cũng hiểu điều đó, nhưng còn nhiều thứ xảy ra trong gia tộc họ Cao và gia đình bà Diễm Loan. Có những điều chúng ta tưởng thế này nhưng lại là thế khác. Vì thế, tôi mới nói chúng ta hãy xem đến cuối phim để có câu trả lời.
- Cách xây dựng nhân vật Diễm Loan cũng bị cho là thiếu thực tế. Vì sao một cô ca sĩ không quá đẹp, tính cách đỏng đảnh, đồng bóng lại có thể khiến ông Đạt ngoại tình?
- Tôi nghĩ ông Đạt và bà Cúc không yêu nhau. Nếu không có tình yêu, ở bên cạnh nhau họ sẽ không có cảm xúc. Đến khi gặp một người phụ nữ yếu đuối, ngốc nghếch, ông ấy lại muốn che chở, yêu thương.
Có thể cô ta có những tính xấu, không sang trọng đài các bằng người phụ nữ kia. Nhưng bản chất của đàn ông là tò mò và muốn được che chở, thích sự yếu đuối.
Ông Đạt đâu chỉ yêu một mình bà Loan mà còn theo đuổi nhiều phụ nữ khác cơ mà. Nói chung, về mặt cảm xúc, rất khó để đưa ra một mẫu số chung cho tất cả.
- Đảm nhận vai diễn mà nhìn điểm nào cũng thấy xấu xí, chị làm sao để yêu nhân vật của mình?
- Diễm Loan mê tiền, hám trai, lại là con giáp thứ 13, rất xấu. Nhưng trong sâu thẳm, Diễm Loan vẫn là người phụ nữ rất yêu thương con. Nếu không yêu, cô ấy có thể bỏ con từ lúc mới sinh ra. Đằng này, cô ấy một mình lên vùng núi sống, không tiền, không người thân, không nơi nương tựa mà vẫn nuôi hai con khôn lớn.
Nhưng tâm hồn Diễm Loan là tâm hồn trẻ thơ, trong thân xác của một người lớn tuổi. Cô ấy không được ăn học tử tế, không được giáo dục đến nơi đến chốn. Vì thế, cách cư xử không được chỉn chu, sang trọng.
Vân Dung phủ nhận ý kiến cho rằng phim cổ xúy chuyện ngoại tình. |
- Nhưng chẳng phải Minh (nhân vật con gái) từng trách mẹ không có trách nhiệm với hai con?
- Không trách nhiệm ở đây ý là bà ấy nuôi con như cây như cỏ, tự sinh tự diệt. Bản thân bà ấy sống hoang dã, thì lấy gì để dạy con, nuôi con chỉn chu được.
- Nếu được làm khác cho nhân vật, chị muốn Diễm Loan thay đổi ở điểm nào?
- Thật ra tôi không muốn làm khác đi. Bản chất của người phụ nữ ấy, vai diễn như thế nào, hãy để như vậy. Cuộc sống mà, không phải ai cũng giống ai. Thế mới là một bộ phim hay. Trong phim, bao giờ cũng phải có người tốt và người xấu thì mới kịch tính, cao trào và cuốn hút người xem. Là diễn viên, ai cũng nhận vai người tốt thì ai sẽ chịu thiệt thòi để nhận vai người xấu đây.
Có bà Cúc thì phải có Diễm Loan. Có Châu, Ngọc thì phải có Trí - Minh, đúng không nào?
- Hai hình ảnh phụ nữ đối lập trong phim - một bên sang trọng, giỏi giang nhưng cũng đầy tính toán, một bên hèn kém, bất tài - đã đẩy kịch tính phim lên cao trào. Một câu hỏi được đặt ra là người phụ nữ nào xứng đáng được hạnh phúc?
- Chỉ người phụ nữ không tính toán mới xứng đáng được hạnh phúc. Mình hãy sống đơn giản thôi. Người ta vẫn nói khôn ngoan không lại với trời mà. Cuộc đời này rất công bằng. Ai rồi cũng phải trả giá cho sự mưu tính của mình.
"Tâm hồn Diễm Loan là tâm hồn trẻ thơ, trong thân xác của một người lớn tuổi", Vân Dung chia sẻ. |
- Sau Diễm Loan, nếu tiếp tục được mời đóng một vai “xấu” khác, chị sẽ lựa chọn thế nào?
- Bao nhiêu năm nay, tôi vẫn diễn vai xấu. Trên truyền hình, tôi toàn đóng những vai đanh đá, chua ngoa, nanh nọc. Khi cầm kịch bản, điều tôi sợ là khán giả không xem phim, không yêu quý tôi. Chứ nếu để diễn tiếp vai xấu mà khiến khán giả thỏa mãn, thích thú và ủng hộ phim, thì tôi vẫn sẽ làm.
Điều quan trọng nhất trong cuộc đời của người diễn viên là làm cho khán giả cười và hạnh phúc. Với tôi, như thế là đủ.