Theo tìm hiểu của Zing, chấn thương gối của Tuấn Anh tái phát mức độ nhẹ trước trận gặp Oman hôm 12/10. Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo cẩn thận cất cầu thủ sinh năm 1995 ngoài danh sách đăng ký nhằm bảo vệ đôi chân cho cầu thủ có tiền sử đa dạng chấn thương gối.
Tuấn Anh là nhân tố không thể thiếu trong hành trình từ vòng loại thứ hai World Cup 2022 đến nay của tuyển Việt Nam. Cầu thủ 26 tuổi đã chơi 8 trong 12 trận, vắng mặt 4 trận vì tái phát chấn thương. Thời lượng thi đấu của anh ngày càng ít, nhiều nhất là 56 phút.
Lần gần nhất Tuấn Anh đá trọn 90 cho tuyển Việt Nam là trận gặp Thái Lan năm 2019. Ảnh minh họa: Quang Thịnh. |
Ở 3 trận gần nhất tại vòng loại thứ ba, Tuấn Anh chơi trung bình 52 phút/trận. Ba lần anh bị thay ra ở phút 56 (Saudia Arabia), phút 46 (Australia) và phút 55 (Trung Quốc). Kế đó là lần rời sân phút 36 trong trận Indonesia ở vòng loại thứ hai World Cup vì chấn thương cổ chân.
Lần gần nhất, Tuấn Anh chơi 90 phút cho tuyển Việt Nam là cách đây 2 năm trên sân Mỹ Đình. Đó là trận hòa Thái Lan vào ngày 19/11/2019. Tuấn Anh chơi trọn vẹn 3 trận 90 phút trong 8 trận đá chính, và cả ba trận này đều diễn ra trong năm 2019.
Những chấn thương cũ đang kéo Tuấn Anh đi xuống trong 2 năm trở lại đây. Anh khó chơi đủ 90 phút cường độ cao với các đối thủ mạnh ở vòng loại thứ ba hoặc đối thủ có phong cách đá rắn. Tuấn Anh khó đạt trạng thái tốt nhất như xưa.
Đồng quan điểm này, chuyên gia Phan Anh Tú đánh giá: "Tuấn Anh bị chấn thương kinh niên. Cậu ấy có thể đá được, bình phục nhưng khi bắt đầu hoạt động cực đại và nhiều lần như vậy thì nảy sinh vấn đề. Đây là bài toán khó của đội ngũ y tế của bóng đá Việt Nam".
Theo nguyên Tổng thư ký LĐBĐ Việt Nam (VFF), cầu thủ khỏe lại bình thường, để tích lũy và ở cường độ cao cần được đong đếm rõ ràng, chính xác. "Có nhiều cầu thủ trở lại nhưng để hoạt động cực đại được không mới là câu hỏi", ông nói.
Mức độ nhẹ với người bình thường sẽ khác với mức độ nhẹ của Tuấn Anh. Tiền vệ có đôi chân mong manh này đã trải qua thời gian dài điều trị chấn thương từ năm 2012. Đặc biệt phần quanh đầu gối, Tuấn Anh từng bị đứt dây chằng chéo chân trái, rách sụn chêm, nhẹ thì viêm cơ.
CLB HAGL cũng có ý kiến về vấn đề sử dụng Tuấn Anh ở đội tuyển Việt Nam. HLV Kiatisuk Senamuang tìm hiểu kỹ và hiểu rõ khả năng tổn thương của cậu học trò cưng mà bầu Đức yêu quý. Ở đội bóng phố núi, Kiatisuk luôn có phương án thay thế cho Tuấn Anh.
Mùa giải V.League 2021 với 12 vòng đấu, Tuấn Anh chơi 5 trận. Thời gian anh ra sân là 238 phút, trung bình 47,6 phút/trận. Con số này thấp hơn nhiều mức trung bình mà HLV Park sử dụng. Tính tổng cả 8 lượt trận vòng loại, Tuấn Anh có 509 phút, trung bình 63,6 phút/trận.
Chưa thể lạc quan quá sớm về mức độ nhẹ mà Tuấn Anh bị tái phát. Tuyển Việt Nam gần một tháng nữa để chuẩn bị cho trận gặp Nhật Bản (11/11) và Saudi Arabia (16/11) đều trên sân nhà Mỹ Đình. Sử dụng Tuấn Anh như thế nào cũng là bài toán được tính kỹ của ông Park.
Nhà cầm quân người Hàn Quốc có thể phải chấp nhận việc Tuấn Anh chơi trung bình 52 phút/trận, thậm chí là 45 phút của hiệp 1. Tuấn Anh là cầu thủ đặc biệt do bác sĩ Choi Ju-young "cứu" sự nghiệp. Vì vậy, ông Choi có thể hiểu cơ thể Tuấn Anh hơn những cầu thủ khác.
Những ca chấn thương và tái phát chấn thương gần đây ở đội tuyển Việt Nam khiến HLV trưởng và bộ phận y tế bị chỉ trích. Vì vậy, ông Park cũng sẽ thận trọng trong việc lắng nghe ý kiến của cầu thủ để đưa ra quyết định như cách ông từng chia sẻ trong thời gian qua.