Giữa vô vàn chương trình "sống còn", đài truyền hình địa phương MBC dự kiến chiếu một game show tìm kiếm tài năng mới My Teenage Girl vào ngày 28/11 để qua đó thành lập nhóm nhạc nữ. Trước khi chương trình chính thức lên sóng, MBC phát sóng phần phụ có tên Hesitation Before Going to School.
Tại đây, bác sĩ tâm lý nổi tiếng Oh Eun Young xuất hiện với tư cách "mẹ" của 83 thí sinh và hỗ trợ họ vượt qua những khó khăn.
Theo The Korea Times, không rõ sự xuất hiện của Oh Eun Young là một phần trong chiến thuật quảng bá của MBC hay đài truyền hình đang nỗ lực chăm sóc những thí sinh phải trải qua nhiều căng thẳng trong suốt cuộc thi. Nhưng có một điều dễ thấy là sức khỏe tinh thần của các ngôi sao và thần tượng không còn là chủ đề cấm kỵ trên truyền hình Hàn Quốc.
Cởi mở với vấn đề từng bị coi là cấm kỵ
Lee Jong Im, giáo sư khoa Báo chí và Truyền thông tại Đại học Kyung Hee, nói với The Korea Times: "Ngày nay, nhiều người tin rằng các vấn đề sức khỏe tinh thần không cần che giấu". Lee Jong Im cũng là tác giả cuốn Idol Trainees Sweat and Tears (2018) - cuốn sách khám phá mặt tối của hệ thống đào tạo Kpop.
Trên thực tế, Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) do nhà nước điều hành, đã cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý cho các ca sĩ và ngôi sao Kpop từ năm 2011. KOCCA tiết lộ số trường hợp cần tư vấn đã tăng gần 18 lần, từ 40 người vào năm 2011 lên 699 trong năm 2020.
"Cách tiếp cận mới của đài MBC có thể giúp nhiều người nhận ra tầm quan trọng của việc tư vấn tinh thần", Lee Jong Im chỉ ra. Các chuyên gia tin rằng cần phải có nhiều biện pháp hơn để bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong bối cảnh Kpop, nơi ngôi sao hạng A như Jeong Yeon của TWICE hay Kang Daniel tạm dừng sự nghiệp do các vấn đề về tinh thần. Trong những năm qua, một số người nổi tiếng thậm chí tự kết liễu đời mình sau khi đấu tranh với căn bệnh trầm cảm.
Jung Yeon và Mina (TWICE) từng tạm dừng hoạt động vì gặp vấn đề tâm lý. Ảnh: JYP Entertainment. |
Cho Jung Hwa, một huấn luyện viên chuyên hỗ trợ các vấn đề trong cuộc sống cho thực tập sinh tại Starship Entertainment cho biết việc rèn luyện sức khỏe tinh thần ngay từ giai đoạn đầu rất hữu ích.
"Những ca sĩ trẻ thường bắt đầu đào tạo từ tuổi trung bình là 15. Họ phải trải qua vài năm huấn luyện thanh nhạc và vũ đạo căng thẳng để đạt được mục tiêu duy nhất trong đời là ra mắt", Cho Jung Hwa nói với The Korea Times.
"Do lịch trình bận rộn, nhiều người trong số họ thậm chí không nhận thức được mình đang kiệt sức về mặt tâm lý. Họ cống hiến mồ hôi và nước mắt để trở thành ca sĩ, nhưng luôn lo sợ mình có thể thất bại. Vì vậy, khi cảm thấy kỹ năng chưa đủ tiến bộ, họ trở nên lo lắng về tương lai", chuyên gia tiếp tục.
Cho Jung Hwa chỉ ra hầu hết công ty giải trí Kpop chỉ tập trung giúp đỡ những ca sĩ mắc vấn đề nghiêm trọng thay vì hỗ trợ họ từ giai đoạn đầu. Chuyên gia cho rằng các công ty quản lý nên làm việc nhanh nhạy và suy nghĩ thấu đáo hơn để ngăn chặn những tình huống nguy hiểm.
"Tôi nghĩ nhiều công ty nên xem xét việc đào tạo vấn đề sức khỏe tinh thần cho các thực tập sinh, để họ có thể chăm sóc bản thân ngay từ đầu và lớn lên như những người trưởng thành có tinh thần mạnh mẽ để truyền tải thông điệp tích cực đến công chúng", Cho Jung Hwa nhận định.
Chuyên gia tâm lý tiếp tục giải thích cách cô ấy làm việc với khách hàng. Bước đầu tiên là yêu cầu họ cởi mở về những bất an. "Tôi hỏi họ muốn trở thành người như thế nào và họ có những dự tính nào cho tương lai không. Một số nói họ muốn trở thành nghệ sĩ giải trí, trong khi những người khác cho biết ước mong trở thành ca sĩ kiêm nhạc sĩ", Cho kể.
"Một khi họ cảm thấy thoải mái hơn khi nói về bản thân, họ sẽ kể với tôi về ước mơ và tầm nhìn. Qua đó, nhiều người nhận ra cuộc sống vẫn tiếp diễn ngay cả khi họ có thành công hay không. Họ nhìn thấy bức tranh toàn cảnh và cảm thấy an toàn thay vì nghĩ mình đang đứng trước vực thẳm. Nhiều ca sĩ tận hưởng thời gian với tôi, bởi họ có thể tìm hiểu sâu hơn về bản thân mà không cần cố gắng đáp ứng các tiêu chí do những người khác đặt ra", chuyên gia nói.
Cứu thần tượng khỏi bế tắc
Theo Cho Jung Hwa, tất cả ca sĩ Kpop dễ dàng trở thành "con mồi" của các cuộc tấn công trên mạng xã hội và đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong suốt sự nghiệp. Do đó, họ cần những chuyên gia tâm lý cá nhân.
Ca sĩ Kpop có người quản lý, thiết kế tóc và ê-kíp trang điểm, nhưng thường không có bất kỳ chuyên gia nào để nhờ cậy mỗi khi họ gặp vấn đề tâm lý. Nếu có thể nhận được một số trợ giúp trực tiếp từ chuyên gia tâm lý, họ sẽ cảm thấy tốt hơn.
Lim Myung Ho, giáo sư tâm lý học và tâm thần học tại Đại học Dankook, cho rằng tư vấn trực tuyến là một lựa chọn khác cho những người nổi tiếng đang đau khổ về tinh thần.
Ông nói trong thời gian dài, những người nổi tiếng hầu như tránh gặp bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý vì họ sợ tình trạng sức khỏe sẽ làm lu mờ hình ảnh hào nhoáng của mình.
Kang Daniel từng là center của nhóm nhạc Wanna One. Ảnh: Disptach. |
"Nhưng ngày nay, họ có thể chia sẻ những lo lắng với các chuyên gia mà không cần gặp trực tiếp. Thay vào đó, họ được tư vấn thông qua các nền tảng di động và trực tuyến khác nhau. Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng như vậy, vì số lượng người tìm kiếm sự trợ giúp đã tăng mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu", Lim Myung Ho nhận định.
"Nếu họ không thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia, trước tiên họ phải giải tỏa cảm xúc bằng cách nói chuyện với bạn bè hoặc gia đình. Hiện tượng này được gọi là 'phản ứng', trong đó mọi người giải phóng căng thẳng cảm xúc thông qua lời nói", Lim Myung Ho phân tích thêm.
Lim Myung Ho khuyên công ty giải trí Kpop nên tổ chức các buổi kiểm tra sức khỏe tâm thần thường xuyên cho nghệ sĩ của họ.
Ông nói: "Những người nổi tiếng thường được chú ý. Họ cũng thường phải gánh chịu những gánh nặng về tình cảm và che giấu cảm xúc chân thật trước công chúng. Trước mắt, việc khám sức khỏe tinh thần định kỳ có vẻ không cần thiết. Nhưng về lâu dài, điều đó giúp các công ty Kpop thành công về mặt tài chính bằng cách đảm bảo sự ổn định tinh thần cho các ngôi sao của họ".