Khi ngành công nghiệp ôtô toàn cầu đang trải qua một sự chuyển đổi dần sang điện khí hóa thì tại Thái Lan - trung tâm sản xuất của Đông Nam Á, đang nổi lên như một sàn đấu cạnh tranh mới giữa các nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới.
Vào hôm thứ 4, Công ty Great Wall Motors của Trung Quốc đã chính thức khai trương nhà máy đầu tiên tại khu công nghiệp Rayong thuộc Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan. Nhà máy này sẽ tập trung vào việc sản xuất xe điện cho cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực ASEAN.
Lễ ký kết của Great Wall Motors tại Thái Lan. Ảnh: GWM |
Tuy nhiên, Great Wall không phải là công ty lớn ở nước ngoài duy nhất đang lăm le xâm nhập vào thị trường xe điện non trẻ này của Thái Lan. Foxconn của Đài Loan mới đây cũng vừa công bố hợp tác với tập đoàn dầu khí Thái Lan PTT để phát triển nền tảng sản xuất xe điện.
Nhà cung cấp chủ chốt của Apple này đang nhắm đến việc đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng về xe điện. Foxconn và PTT cho biết họ đã lên kế hoạch chi khoảng 2 tỷ USD để mở rộng sản xuất xe điện và các phụ tùng cho xe điện.
Các nhà phân tích cho rằng việc Great Wall và Foxconn tham gia vào cuộc chơi sẽ làm gia tăng cạnh tranh trên thị trường ôtô Thái Lan. Động thái này cũng đặt ra một thách thức lớn đối với các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đã thống trị thị trường nội địa trong nhiều thập kỷ qua.
Nhà máy mới của Great Wall là nhà máy thông minh đầu tiên tại Đông Nam Á, được trang bị các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và robotics. Great Wall cũng đã mua lại nhà máy từ General Motors vào năm ngoái và đang trang bị lại một loạt máy móc, trang thiết bị để bắt đầu sản xuất xe hybrid và xe điện.
Lễ khai trương được chính chủ tịch công ty, ông Elliot Zhang và Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan đứng ra tổ chức. Ông Zhang nói: “Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến lược toàn cầu hóa của Great Wall Motors, hiện thực hóa công cuộc mở rộng của chúng tôi vào các nước trong khối ASEAN, đặc biệt là vào các thị trường dành cho xe tay lái nghịch. Ông cũng cho biết thêm rằng nhà máy sẽ tạo ra 1.000 việc làm và đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp xe điện cho khách hàng Thái Lan và ASEAN.
Mặc dù không tiết lộ gì thêm về chi phí cho việc nâng cấp nhà máy, nhưng công ty này công bố đã đầu tư một khoản tiền là 22,6 tỷ Baht (tương đương 726 triệu USD) vào Thái Lan. Nhà máy với công suất 80.000 xe hàng năm sẽ chế tạo các xe hybrid và bổ sung thêm xe điện sau này.
Khoảng 60% sản lượng của nhà máy sẽ dành cho thị trường nội địa, trong khi phần còn lại sẽ được xuất khẩu sang các thị trường có xe tay lái nghịch chiếm ưu thế. Công ty dự kiến ra mắt 4 mẫu xe trong năm nay tại Thái Lan, bao gồm xe thể thao đa dụng Haval H6 và xe điện nhỏ gọn Ora Good Cat.
Về phần Foxconn và PPT, họ đang làm việc cùng nhau để tạo ra một nền tảng mở với mục đích sản xuất xe điện và linh kiện quan trọng ở Thái Lan.
Mối quan hệ hợp tác này vẫn còn đang trong giai đoạn mở đầu, vì vậy kế hoạch ban đầu của cả 2 công ty vẫn còn khá sơ sài. Tuy nhiên, theo PTT, nền tảng này sẽ bao gồm các dịch vụ phần cứng và phần mềm, đồng thời sẽ mở cửa cho các nhà sản xuất ôtô muốn thúc đẩy tiến độ sản xuất cũng như bán xe điện trong khu vực ASEAN, bao gồm cả Thái Lan.
Ham muốn khai thác đầu tư từ các công ty lớn đã được kích thích bởi kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ Thái Lan nhằm mục đích biến vương quốc này thành một trung tâm sản xuất xe điện. Ủy ban Phương tiện Thế hệ Mới Quốc gia do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Spattanapong Punmeechaow làm chủ tịch, đã đặt ra một mục tiêu táo bạo chính: Nâng EV lên 30% tổng doanh số bán xe của Thái Lan, tương đương khoảng 725.000 chiếc mỗi năm, vào năm 2030. Ủy ban cũng hy vọng rằng 50% số ôtô sản xuất tại Thái Lan sẽ là xe điện cũng trong năm đó.
Kì vọng của chính phủ Thái Lan về doanh số bán xe điện cho đến 2035. Ảnh: Bloomberg |
Trong một nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện, chính phủ nước này cũng đã phê duyệt các ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh sạc và hoán đổi pin cho xe điện vào giữa tháng 5.
Kế hoạch quảng bá xe điện của Thái Lan cũng có thể gây ảnh hưởng đến chiến lược của các nhà sản xuất ôtô trên toàn cầu. Vương quốc này đặt mục tiêu để trở thành trung tâm sản xuất ôtô của ASEAN từ 20 năm trước, quản lý để thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất xe hơi lớn của Nhật Bản, sau đó là các gã khổng lồ khác từ châu Âu và Mỹ. Điều này đã tạo ra rất nhiều việc làm và chuyển giao công nghệ giúp ngành công nghiệp ôtô của Thái Lan ngày càng phát triển.
Hiện tại, Thái Lan đang cố gắng để trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu và là nhà xuất khẩu xe điện lớn ở ASEAN. Không giống như các loại xe chạy bằng xăng đòi hỏi một số lượng lớn các linh kiện, sản xuất xe điện là một thị trường tương đối dễ để tham gia. Những thay đổi lớn trong ngành công nghiệp ôtô đã thu hút những nhà đầu tư mới, chẳng hạn như các công ty của Trung Quốc đại lục và Đài Loan, lần lượt có thể làm rung chuyển thị trường Thái Lan - nơi các thương hiệu của Nhật Bản đang chiếm đến 90% thị phần.
Surapong Paisitpatanapong, Phó chủ tịch kiêm phát ngôn viên của Liên đoàn các câu lạc bộ ôtô Thái Lan cho biết: “Càng nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường, việc cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt. Và điều quan trọng nhất để thu hút người mua chính là mức giá cạnh tranh.”
Theo một nghiên cứu của Frost & Sullivan do Nissan ủy quyền và được công bố vào tháng 2, 66% người tiêu dùng trên khắp Đông Nam Á tin rằng họ sẽ chuyển sang sử dụng các phương tiện di chuyển bằng điện trong tương lai gần.
Các nhà sản xuất ôtô lớn của Nhật Bản như Toyota, Nissan và Honda - những công ty đã hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa của Thái Lan trong nhiều thập kỷ, sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự phát triển này để tiếp tục duy trì vị thế vững chắc trên thị trường của họ.