Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vẫn còn nhiều công nhân chưa có lương trước tết

Tết Ất Mùi năm 2015 được coi là năm tương đối yên ắng. Nhưng đến sát tết vẫn có nhiều công nhân chưa có lương, tiền thưởng tết vẫn là điều xa vời.

Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Trưởng phòng quản lý lao động Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) ở TP HCM, cho biết có khoảng 15 doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến hơn 700 công nhân có nguy cơ không được thưởng tết.

Bán máy trả lương cho công nhân

Đến hơn 2 giờ chiều ngày 12/2, hơn 100 công nhân của công ty TNHH May mặc Bảy Nguyệt có xưởng sản xuất tại ấp Trung Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, mới được nhận lương sau gần ba tuần chờ đợi.

Công ty ngừng sản xuất hơn ba tuần nay, nhiều công nhân ngày nào cũng đến để mong nhận được đủ lương, tuy nhiên, cuối cùng công nhân cũng chỉ nhận được 65% số lương mà công ty đã nợ.

Nhưng để có tiền trả số lương này, công ty Bảy Nguyệt đã phải bán tất cả máy móc được hơn 400 triệu đồng. Với 35% số lương công ty còn nợ, công nhân chấp nhận bỏ, không đòi thêm.

Trước đó sau nhiều ngày căng thẳng, sáng ngày 12/2, đại diện Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TP HCM, Liên đoàn Lao động huyện Hóc Môn và chính quyền địa phương xã Bà Điểm, luật sư đại diện cho công ty Bảy Nguyệt và đại diện công nhân đã thống nhất bán tất cả máy móc của công ty để trả lương công nhân.

Số tiền công ty Bảy Nguyệt nợ lương công nhân là một phần lương của tháng 12/2014 và tháng 1/2015. Người bị công ty nợ ít khoảng ba triệu đồng, người bị nợ nhiều đến hơn 14 triệu đồng.

Hơn 100 công nhân công ty TNHH May mặc Bảy Nguyệt hàng ngày đã đến tập trung để đòi lương trước khi công ty giải quyết được 65% số nợ lương vào giữa tuần này.

Hơn 100 công nhân công ty TNHH May mặc Bảy Nguyệt hàng ngày đã đến tập trung để đòi lương trước khi công ty giải quyết được 65% số nợ lương vào giữa tuần này.

Theo phản ánh của các công nhân Công ty Bảy Nguyệt, công ty bắt đầu chậm lương từ tháng 10/2014, phải trả 4 lần mới hết. Sang tháng 11/2014 trả ba lần mới xong. Và sang tháng 12/2014 trả bốn lần vẫn chưa chấm dứt. Tháng 1/2015 công ty chưa trả đồng nào, làm được hơn 20 ngày thấy không khả quan công nhân đã nghỉ việc.

Anh Hoàng Minh Hiểu, làm ở bộ phận kỹ thuật công ty, chỉ nhận được 8 triệu đồng trong tổng số 14 triệu tiền lương mà công ty Bảy Nguyệt nợ. Anh cho biết, công ty không thiếu đơn hàng, hàng cũng xuất được hết, không có cái nào trả về mà không có tiền trả lương cho công nhân là không thể chấp nhận được. Ngoài nợ lương công nhân, công ty này còn nợ lương công ty dịch vụ bảo vệ, quán cơm hơn 200 triệu đồng.

Nợ lương kéo dài

Nhưng công nhân công ty Bảy Nguyệt kể ra còn may vì có nhiều công nhân đến lúc này vẫn chưa nhận được lương. Công ty cổ phần nhựa Trường Thịnh, KCN Tân Phú Trung, Củ Chi, ngưng hoạt động khoảng sáu tháng nay nhưng gần 200 công nhân vẫn chưa đòi được tiền lương.

Công nhân Phạm Thịnh Trường nói công ty còn nợ anh gần 20 triệu đồng. Năm âm lịch gần hết, Tết sắp đến anh mong công ty trả nợ để trang trải, sắm sửa. Nhưng từ ngày công ty ngưng hoạt động cuối tháng 7/2014 đến nay, công nhân không biết đến đâu để đòi tiền lương.

Danh sách doanh nghiệp nợ lương công nhân còn khá dài, có thể kể ra như: hơn 300 công nhân công ty cổ phần thuộc da Hào Dương, KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè vẫn đang bị nợ lương; gần 100 công nhân của Công ty TNHH Thái Thuận, KCX, Linh Trung, quận Thủ Đức vẫn chưa có lương tháng 12/2014; và 190 công nhân của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Osia Vina, huyện Củ Chi vẫn còn bị công ty nợ lương tháng 12/2014.

Đối thoại và lắng nghe

Tuy nhiên cũng có nhiều vụ việc đình công phản đối lương thưởng được công nhân và chủ doanh nghiệp giải quyết tương đối ổn thỏa cho cả hai. Ngày 3/1, công nhân công ty TNHH Carimax, tại ấp 1, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, vốn đầu tư Hàn Quốc chuyên sản xuất va li, ba lô xuất khẩu với gần 800 lao động đã ngừng việc vì công nhân không đồng ý công ty về cách tính điều chỉnh lương và tiền thưởng tháng 13 năm 2014. Và công nhân của công ty Carimax đã ngừng việc từ ngày 3/1 đến 14/1. Phải đến cuối ngày 14/1, lãnh đạo công ty Carimax mới có thông báo chấm dứt lãn công và tiếp tục sản xuất.

Theo đó công ty điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo Nghị định 103/NĐ-CP. Đối với công nhân có mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng, công ty sẽ tăng 130.000 đồng vào tiền lương căn bản và 120.000 đồng vào tiền phụ cấp trách nhiệm. Đối với công nhân có mức lương cơ bản thấp hơn qui định, công ty sẽ điều chỉnh lên mức 3.317.000 đồng.

Về tiền thưởng tháng 13, công ty thưởng tết với mức thưởng bằng 90% tiền lương tháng của người lao động. Trong đó 60% thưởng trước tết không yêu cầu điều kiện, nhưng 30% thưởng sau tết công nhân phải đạt được 70% sản lượng.

Ngay trong thời gian công nhân công ty Carimax còn đình công, thì chiều ngày 10/1, 1.000 công nhân tại phân khu MJ của công ty TNHH Dinsen, vốn đầu tư Đài Loan, tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân đã tổ chức lãn công. 

Lý do đình công là do công ty thay đổi cách tính tiền thưởng Tết Ất Mùi, nên đã làm cho người lao động có thu nhập thấp hơn năm trước khoảng 3 triệu đồng/người. Do bị hụt khoản tiền thưởng so với năm trước, công nhân lãn công yêu cầu giữ nguyên cách tính cũ.

Đến ngày 12/1, hơn 9.600 người lao động của công ty này đã ngừng việc kéo dài đến ngày 18/1. Phương án giải quyết cuối cùng được đưa ra là công ty sẽ áp dụng cách tính tiền thưởng Tết Ất Mùi bằng cách vẫn giữ nguyên cách tính mới, nhưng hỗ trợ thêm mỗi công nhân 350.000đ/người và tính cả những ngày nghỉ lãn công bằng mức lương cơ bản. Theo báo cáo của công ty và Liên đoàn Lao động TP HCM, chỉ có 282 người lao động có mức tiền thưởng tết thấp hơn năm 2014.

Thưởng Tết 30.000 đồng rất đáng trăn trở

Năm qua, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng họ vẫn cố gắng để tăng lương tháng và thưởng cho người lao động khá hơn Tết năm 2014.

http://www.thesaigontimes.vn/126717/Van-con-nhieu-cong-nhan-chua-co-luong-truoc-tet.html

Theo Thái Ngọc/ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm